Hà Nội

Laser - Xu hướng mới trong điều trị nha khoa

14-03-2019 05:49 | Bệnh thường gặp
google news

SKĐS - Sự ra đời của laser nha khoa đã làm thay đổi những phương pháp điều trị.

Sử dụng laser trong điều trị nha khoa hỗ trợ cho nha sĩ, làm giảm những căng thẳng và sợ hãi của bệnh nhân; ngoài ra hỗ trợ cho nha sĩ thực hiện những can thiệp nha khoa ít xâm lấn, nhất là với trẻ em trong phẫu thuật mô cứng và mô mềm mà ít khó chịu, không đau trong và sau điều trị, không nhiễm khuẩn và ít hoặc không chảy máu. Đây là xu hướng mới trong điều trị nha khoa.

Ứng dụng laser trong điều trị nha khoa.

Ứng dụng laser trong điều trị nha khoa.

Một số ứng dụng trong điều trị nha khoa

Ứng dụng của laser trong điều trị mô mềm: Tật dính lưỡi, phanh môi bám thấp, bộc lộ răng cho điều trị chỉnh nha; phẫu thuật tạo đường viền nướu và loại bỏ phần hư tổn của lợi đối với những bệnh nhân chỉnh răng, kéo dài thân răng trong điều trị sâu răng, sinh thiết, điều trị các biến chứng do mọc răng, điều trị Aphtes và các tổn thương Herpes.

Ứng dụng của laser trong điều trị tủy: Với những răng sống, laser được cài ở chế độ 20-30hz để làm sạch khoang tủy trong 10-20s. Với những răng chết, tỷ lệ thành công của laser gần như ngang bằng với các cách lấy tủy truyền thống.

Ứng dụng của laser trong điều trị mô cứng: Với ưu điểm lớn nhất lấy mô sâu có chọn lọc. So với mở xoang bằng mũi khoan truyền thống, ngoài phần mô răng sâu, mũi khoan có thể vô tình lấy đi một phần mô răng lành mạnh. Khi dùng laser, thông qua việc thay đổi bước sóng, năng lượng cùng tiêu cự, bác sĩ có thể thay đổi được tính chất của tia, làm tia laser chỉ tác động trên phần mô răng sâu, mà không ảnh hưởng trên mô răng lành mạnh. Điều này rất phù hợp với tiêu chí “xâm lấn tối thiểu, hiệu quả tối đa” của nha khoa hiện đại.

Ưu điểm thứ hai là, laser sửa soạn xoang trám theo cơ chế nhiệt - hóa học chứ không phải cơ học như mũi khoan, giúp cảm giác khó chịu của bệnh nhân giảm đi rất nhiều. Laser tác động lên cảm giác nhạy cảm của ngà răng hiệu quả đến nỗi, sang thương mòn ngót cổ răng chỉ cần được điều trị bằng laser chứ không cần đặt miếng trám lên như trước, trừ khi vì lý do thẩm mỹ hoặc mất chất quá lớn.

Ngoài hai ưu điểm chính trên, tạo xoang trám bằng laser còn không gây tiếng động khó chịu như khi làm bằng mũi khoan high-speed truyền thống, làm bệnh nhân thư thái hơn rất nhiều, không còn bị cảm giác sợ hãi ở những người nhạy cảm. Mặt khác, với chế độ Surface Modification, miếng trám sẽ bền vững hơn nhờ độ lưu chắc chắn của vật liệu trám vào ngà răng.

Các ứng dụng khác trong nha khoa: Cắt các khối u lành tính không gây đau và không vết khâu từ nướu răng; ngưng thở khi ngủ; tẩy trắng răng (laser cường độ thấp mô mềm có thể được sử dụng để tăng tốc độ quá trình tẩy trắng răng); điều trị viêm khớp thái dương (giảm đau nhanh chóng và giảm viêm khớp thái dương hàm).

Những ưu điểm vượt trội của laser trong nha khoa

Khi sử dụng laser trong nha khoa đã đem lại nhiều ưu điểm, trong đó các thủ thuật chính xác hơn và gây ít tổn thương (do nhiệt làm mau lành mô xung quanh và ít chảy máu) hơn các thiết bị phẫu thuật điện.

Giảm thời gian ngồi trên ghế cho liệu pháp phục hồi giống nhau. Loại trừ được chuyển động rung, mùi và yếu tố sợ hãi khi sử dụng tay khoan nhanh.

Giảm hoặc loại bỏ được gây tê tại chỗ, các vết khâu, thuốc giảm đau hay kháng sinh. Giảm thiểu nhiễm khuẩn do vi khuẩn bởi vì các tia laser với năng lượng cao sẽ diệt khuẩn một cách tuyệt đối trên những khu vực được điều trị.

Nhược điểm là gì?

Nhược điểm của phương pháp sử dụng laser trong điều trị nha khoa là phải bảo vệ mắt cho bệnh nhân và người xung quanh trong quá trình điều trị. Mặt khác, laser khó lấy đi phần mô răng hư ở những lỗ sâu răng lớn, lỗ sâu răng mặt bên, không thể lấy đi miếng trám cũ. Không thể dùng mài răng trong các trường hợp làm mão răng, cầu răng, hoặc làm inlay, onlay.

Như vậy, có thể nói sự ra đời của laser nha khoa đã làm thay đổi những phương pháp điều trị, hỗ trợ cho nha sĩ trong điều trị, làm giảm những căng thẳng và sợ hãi của bệnh nhân. Ngoài ra, hỗ trợ cho nha sĩ thực hiện những can thiệp nha khoa ít xâm lấn, nhất là với trẻ em trong phẫu thuật mô cứng và mô mềm mà ít khó chịu, không đau trong và sau điều trị, không nhiễm khuẩn và ít hoặc không chảy máu. Laser nha khoa được xem là một phương pháp chính xác, an toàn và hiệu quả để thực hiện nhiều thủ thuật nha khoa, cho phép điều trị một khu vực tập trung rất cụ thể mà không gây tổn hại các mô xung quanh.

Laser (Light Amplification by Stimulated Emission of Radiation - khuếch đại ánh sáng bằng phát xạ kích thích) được phát minh năm 1960. Cho đến nay, trải qua hơn 50 năm phát triển, laser đã được ứng dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực khoa học, kỹ thuật và đời sống. Trong ngành y nói chung và nha khoa nói riêng, tuy chỉ phát triển ứng dụng trong thời gian gần đây nhưng ảnh hưởng to lớn của laser là cuộc cách mạng trong chẩn đoán và điều trị nhờ những tính năng ưu việt của nó. Hàng loạt thiết bị laser nha khoa đã và đang được nghiên cứu, ứng dụng.


BSCKI. Phạm Tuấn Anh (Bệnh viện TWQĐ 108)
Ý kiến của bạn