Hà Nội

Laser, phương pháp điều trị bệnh trĩ và rò hậu môn ít xâm lấn

19-03-2019 14:02 | Bệnh thường gặp
google news

SKĐS - Các yếu tố tăng nặng thêm bệnh trĩ gồm phân cứng, táo bón, có thai, động tác rặn càng làm phá hủy thêm mô nâng đỡ đệm hậu môn và làm suy yếu thành mạch. Lúc này sẽ xuất hiện trĩ có triệu chứng.

Trĩ là một bệnh phổ biến hiện nay, nhiều cơ chế bệnh sinh gây nên bệnh trĩ: phá vỡ mô nâng đỡ giúp cố định đệm hậu môn vào mô xung quanh, bất thường mạch máu (tăng dòng máu chảy trong đám rối trĩ, tăng áp lực tĩnh mạch, viêm vi mạch); mô trực tràng lỏng lẻo làm cho đệm hậu môn sa xuống và sung huyết, các yếu tố tăng nặng như: phân cứng, táo bón, có thai, động tác rặn càng làm phá hủy thêm mô nâng đỡ đệm hậu môn và làm suy yếu thành mạch.

Trong hội thảo quốc tế “Ứng dụng laser trong điều trị bệnh trĩ và rò hậu môn” do hội Tĩnh mạch học TP.HCM tổ chức ngày 23/2/2019 vừa qua, theo PGS.TS.BS. Nguyễn Hoài Nam, Chủ tịch hội Tĩnh mạch học TP.HCM, hiện nay có nhiều phương pháp được ứng dụng trong điều trị bệnh trĩ, tùy thuộc độ nặng của bệnh trĩ mà chọn phương pháp thích hợp như điều trị bảo tồn búi trĩ bằng cách thay đổi chế độ ăn, chích xơ búi trĩ, khâu triệt mạch búi trĩ, phẫu thuật cắt bỏ búi trĩ, tái tạo mô trĩ bằng laser…

Theo các chuyên gia, các nguồn năng lượng được sử dụng trong điều trị bệnh trĩ hiện nay: đốt điện đơn cực, đốt điện lưỡng cực, sóng cao tần, quang đông hồng ngoại, dao siêu âm, trong đó laser là một trong những phương pháp xâm nhập tối thiểu, dễ được bệnh nhân chấp nhận, có thể kết hợp trong điều trị đa mô thức đối với bệnh trĩ hay thay thế phẫu thuật Longo.

PGS.TS.BS. Nguyễn Trung Tín, chuyên khoa Hậu môn - Trực tràng (BV. ĐH Y Dược TPHCM), chia sẻ, sợi laser được đưa vào trong mô trĩ, điều trị trĩ bằng năng lượng laser (laser power). Qua đó, năng lượng laser được mô trĩ hấp thu gây hủy các mạch máu trĩ, sau đó làm co rút do tạo sợi dưới niêm mạc và giảm toàn bộ mô trĩ. Kết quả, 30% mô trĩ giảm trực tiếp, và tiếp tục co rút thành công 6 tuần sau, kéo búi trĩ vào trong. Nhờ đó, sau điều trị, kích thước búi trĩ giảm xuống, vẫn bảo đảm chức năng của các cơ mô, giữ được sự tự chủ trong đi tiêu của bệnh nhân.

Laser, phương pháp điều trị bệnh trĩ  và rò hậu môn ít xâm lấn

Bước đầu, người ta nhận thấy điều trị trĩ bằng laser hiệu quả và an toàn. Tái tạo mô trĩ bằng laser là phương pháp xâm nhập tối thiểu với các ưu điểm sau:

- Bệnh nhân ít đau.

- Ít chảy máu trong lúc phẫu thuật.

- Thu nhỏ búi trĩ có kiểm soát.

- Bảo tồn chức năng cơ thắt - đây là yếu tố quan trọng giúp bệnh nhân tránh tình trạng tiêu không tự chủ, biến chứng có thể gặp khi sử dụng các phương pháp khác.

Các ưu điểm và hiệu quả của phương pháp điều trị laser đã được công bố trên các tạp chí uy tín với số lượng nghiên cứu lớn từ các nước châu Âu như Đức, Ý, Pháp…

Theo BS. Dương Văn Hải (BV. Bình Dân TP.HCM), người thực hiện hơn 200 ca tái tạo mô trĩ bằng laser, cho thấy, kết quả khả quan: 97,6% bệnh nhân không đau hay chỉ đau ở mức độ nhẹ, tỷ lệ biến chứng bí tiểu, chảy máu, da thừa hậu môn rất thấp (khoảng 3%) và các biến chứng khác như nhiễm trùng, trĩ thuyên tắc không đáng kể.

-Tỷ lệ mắc bệnh trĩ tăng dần theo tuổi, gần như trên 50 tuổi, 50% bệnh nhân mắc bệnh trĩ. Theo PGS. Tín, bệnh liên quan đến các yếu tố nguy cơ gây tăng áp lực ổ bụng như: người làm việc văn phòng, phải ngồi lâu hoặc đứng lâu; thậm chí những người chơi các môn thể thao như vận động viên đạp xe trên những quãng đường quá dài, chơi cử tạ là những động tác gây tăng áp lực ổ bụng…
- Bệnh nhân mắc bệnh trĩ, nhất là phụ nữ, thường ngại khi đi khám ở những giai đoạn sớm vì nhiều người vẫn quan niệm đây là chuyện thầm kín. Do đó, phần lớn bệnh nhân đến khi đã vào giai đoạn trễ, các bác sĩ phải can thiệp bằng phẫu thuật hay sử dụng những phương pháp xâm hại hơn để trị bệnh trĩ.
- Tùy mức độ, chúng ta có thể điều trị trĩ bằng cách thay đổi lối sống, thay đổi chế độ ăn, tránh táo bón như uống nước nhiều, ăn nhiều chất xơ từ rau củ quả. Ở những mức độ nặng, trước đây, bác sĩ phải can thiệp phẫu thuật như cắt trĩ theo phương pháp cắt từng búi trĩ, thường sẽ gây đau rất nhiều; nên bệnh nhân càng ái ngại khi đến khám và điều trị.


AN QUÝ
Ý kiến của bạn