Laser màu xung - kỹ thuật cao mới trong điều trị hạt cơm phẳng

22-02-2022 09:30 | Thành tựu y khoa

SKĐS - Mắc hạt cơm phẳng, mặt chị Oanh chi chít nốt sẩn. Sợ lây bệnh lạ cho con, chồng chị yêu cầu ngủ riêng, thay hết ga gối, để xa khăn mặt đồ dùng, giặt riêng quần áo… Con gái nhỏ cứ nhìn thấy mẹ là khóc.

NÂNG TẦM Y TẾ VIỆT NAM GIỮA MUÔN TRÙNG GIAN KHÓ (2)

Mắc bệnh hạt cơm mà không "hiền như hạt cơm"

Chị Hải Oanh là giáo viên cấp 2 ở Hưng Yên. Cách đây vài tháng, trên trán chị lấm tấm xuất hiện những sẩn nhỏ viền tròn như đầu bút bi, ban đầu có màu da nên chị không để ý dù hơi ngứa. Đến khi số lượng sẩn nhiều hơn, chị tự đi mua thuốc bôi.

Được vài ngày, tình trạng ngứa thuyên giảm, lại có tóc mái che nên chị không để ý. Tuy nhiên, hai tuần sau đó, dãy hạt sẩn không có dấu hiệu mất đi, lại lan ra hai bên má tới tận gần mí mắt. Hạt sẩn lỗ chỗ, kích thước khoảng 1-3mm, gấp 3 hạt vừng. Ngứa điên đảo, chị tiếp tục bôi thuốc từng mua. Càng gãi, chị càng ngứa và số nốt sẩn lên liên tục mọc.

"Da mặt tôi cảm giác như bồi thêm 2-3 lớp, dày, bì, tức, đau, càng gãi càng tổn thương. Nằm ngủ không được, lên lớp dạy online trong đợt dịch cũng không xong vì sợ học sinh hỏi vì dạy ở nhà không có lý gì lại đeo khẩu trang" – chị Oanh nhớ lại.

Mất ăn mất ngủ chưa phải là nỗi lo lớn nhất của chị. "Tôi không hiểu mình bị bệnh lạ gì nữa" – chị nói. Có con nhỏ, chị chỉ sợ tiếp xúc với con lại lây bệnh. Trong khi con chị cũng không dám gần mẹ, cứ mẹ ôm là khóc. Chồng chị sợ đến nỗi không cho chị chung giường với con, thay hết ga gối, để xa khăn mặt đồ dùng, giặt riêng quần áo… của chị.

Ban đầu chỉ vài hạt lấm tấm, chỉ vài tháng sau, trên khuôn mặt chị, số vùng lành tổn thương rất ít ỏi. Bản thân chị không đủ dũng cảm và đếm không nổi số hạt trên mặt. Quyết tâm lên Hà Nội khám chị mới biết chị bị bệnh hạt cơm phẳng với tận 400 nốt. "Nghe hạt cơm tưởng lành mà với tôi, nó không hiền chút nào. Mặt tôi như chiếc bánh đa nướng kỹ" – chị tâm tư.

Laser màu xung - kỹ thuật cao, mới trong điều trị hạt cơm phẳng  - Ảnh 1.

Hạt cơm phẳng là dạng bệnh phổ biến nhất của bệnh lý hạt cơm, hay xuất hiện ở mặt, thường gặp ở người trẻ. Từng có bệnh nhân bị hạt cơm phẳng trên mặt lên tới 400-500 nốt, gần như kín khuôn mặt. Bệnh khiến họ tự ti, trầm cảm, mệt mỏi, ngại giao tiếp… Ảnh: BSCC

Cũng chịu cảnh nổi hạt cơm phẳng trên mặt là chị Quỳnh Hương (Hà Nội). Người phụ nữ làm nghề kinh doanh này bị bệnh từ 3 năm trước. Một vùng dưới gò má chị nổi sẩn và lan rộng ra bằng quả trứng gà, khiến một bên má chị sưng đau. Bôi thuốc nhưng không đỡ, chị sử dụng đốt laser CO2 nhưng để lại vết thâm lâu. Gần đây, chị tái phát bệnh, hạt cơm lại tiếp tục xuất hiện, gây ngứa, khó chịu, vết thâm từ lần can thiệp cũ chưa mờ…

Bệnh thường gặp, ảnh hưởng lớn chất lượng sống, thẩm mỹ

BS Đỗ Thiện Trung, Phó Trưởng khoa Laser và săn sóc da thuộc Bệnh viện Da liễu Trung ương, cho hay hạt cơm (mụn cơm/mụn cóc) là bệnh lý của da và niêm mạc, liên quan đến virus HPV.   

Nhiều nghiên cứu dịch tễ học cho thấy bệnh lý này chiếm 10-15% dân số. Là bệnh do virus, hạt cơm có sức lây lan lớn và có khả năng tái nhiễm sau điều trị, vì thế con số bị càng nhiều. Mỗi ngày, có khoảng 10-15 lượt bệnh nhân tới khám bệnh lý liên quan hạt cơm tại Bệnh viện Da liễu Trung ương, trong số này có nhiều người tái khám hoặc tìm kiếm phương pháp điều trị phù hợp hơn.

Laser màu xung - kỹ thuật cao, mới trong điều trị hạt cơm phẳng  - Ảnh 2.

Mỗi chủng virus HPV lại gây ra bệnh lý hạt cơm với biểu hiện lâm sàng và vị trí khác nhau. Trong ảnh là hạt cơm xuất hiện trong lòng bàn tay, trên mép móng tay, vai - lưng bệnh nhân. Tổn thương dày chồng lớp trên tay hình dung như san hô xù xì, ảnh hưởng rất lớn tới thẩm mỹ, chất lượng sống. Ảnh: BSCC

Virus HPV có hơn 100 chủng có thể gây bệnh trên da người. Mỗi chủng virus lại gây ra bệnh lý hạt cơm với biểu hiện lâm sàng và vị trí khác nhau (niêm mạc, cơ quan sinh dục, vùng hậu môn). Bệnh có thể lây trực tiếp như qua bắt tay, vết xây xát… hoặc gián tiếp như lây qua bề mặt tiếp xúc, giày dép chung, bàn phím máy tính, sàn tập bơi hay phòng gym…  

Virus HPV gây bệnh hạt cơm có thể tự đào thải khỏi cơ thể con người. Tuy nhiên một số ít có thể bị dai dẳng, tái nhiễm, để lại nhiều di chứng ảnh hưởng chất lượng cuộc sống hoặc các tình trạng bất lợi khác như: Ngứa, đau, khó chịu, dấm dứt…  Có bệnh nhân bị nhiều mụn cơm ở chân, mỗi lần di chuyển cảm giác như bị kim châm, đau nhói.

"Nhiễm virus HPV gây bệnh hạt cơm có thể tự khỏi, đa phần không để lại hậu quả quá nghiêm trọng. Tuy nhiên nếu chữa trị hay chăm sóc không đúng cách sẽ có bội nhiễm, tái nhiễm dẫn tới ung thư (với hạt cơm sinh dục), sẹo… Ảnh hưởng trước mắt là chất lượng cuộc sống" – BS Trung nói.

Ông dẫn chứng, khi việc giáo dục sức khoẻ chưa tốt, người dân thường dùng kim cậy sâu hay cắt bấm bỏ hạt cơm. Cách làm này rất dễ để lại sẹo chưa kể nếu bị loét sẽ dễ bị nhiễm trùng, lan rộng ra vùng khác.

"Từng có những bệnh nhân ban đầu bị 1 vài nốt hạt nhưng vì cậy sâu, tổn thương lở, nhiễm trùng mưng mủ và lan rộng ra xung quanh…"- BS Trung nói.

Hạt cơm phẳng là dạng bệnh phổ biến nhất của bệnh lý hạt cơm, hay xuất hiện ở mặt, thường gặp ở người trẻ. Đây là nhóm có nhu cầu giao tiếp xã hội nhiều vì thế bệnh gây ảnh hưởng lớn đến chất lượng sống nếu không được chữa trị tốt.

Bác sĩ Trung từng gặp những bệnh nhân bị hạt cơm phẳng trên mặt lên tới 400-500 nốt, gần như kín khuôn mặt. Bệnh khiến họ tự ti, trầm cảm, mệt mỏi, ngại giao tiếp… Hầu hết những ca này đều khởi điểm điều trị bằng việc tự đi mua thuốc trị ngứa mà không biết có chứa thành phần corticoid. Ban đầu có thể bệnh nhân thuyên giảm ngứa nhưng sau đó ngứa trở lại, gãi và bị lan rộng theo từng vùng, từng vệt.

Bước tiến dài trong kỹ thuật điều trị hạt cơm phẳng

Để điều trị bệnh lý hạt cơm phẳng, y khoa sử dụng nhiều cách với những ưu nhược điểm khác nhau. Tựu trung lại, các phương pháp trước đây đều hướng đến mục đích xoá sạch tổn thương do virus gây ra; làm giảm ổ bệnh; giảm lây lan của virus; phục hồi chức năng, thẩm mỹ,…

Laser màu xung - kỹ thuật cao, mới trong điều trị hạt cơm phẳng  - Ảnh 4.

Điều trị các bệnh lý da cho bệnh nhân.

Nếu phương pháp dùng thuốc bôi dễ sử dụng, chi phí thấp thì lại có nhược điểm như khó bôi vùng gần mắt hay vùng nhạy cảm bởi dễ kích ứng những vùng da lành xung quanh; hoặc có những lứa tuổi khó bôi như trẻ nhỏ, hiếu động…

Ngoài ra, có thể sử dụng biện pháp lạnh (phun nitơ lỏng chấm vào tổn thương để phá huỷ tổn thương). Với biện pháp này, bệnh nhân có thể đỡ đau nhưng lại có những vị trí khó làm như cánh mũi, trong niêm mạc, gần môi, mắt… Khi làm thủ thuật này, kỹ thuật viên chỉ cần chấm lệch một chút sẽ lam tổn thương vùng da lành. Nguy cơ nhất là mất sắc tố da nơi chấm nitơ lỏng.

Phương pháp đốt laser CO2 (cổ điển), Er-YAG giúp bốc bay, bào hết vùng da có hạt cơm phẳng, bệnh nhân thường cảm thấy đau. Thay đổi màu da cũng là nguy cơ cao hay gặp (gây thâm khó phục hồi nhanh) thậm chí có người bị cả năm trời không mờ thâm.

Chứng kiến những đau đớn, bất tiện, khó chịu của bệnh nhân, lắng nghe nhu cầu cải thiện chất lượng sống của họ, các bác sĩ khoa Laser và săn sóc da của Bệnh viện Da liễu Trung ương mạnh dạn áp dụng kỹ thuật trị hạt cơm phẳng bằng máy laser màu xung

Theo BS Trung, máy laser màu xung sở hữu công nghệ cao, là tiêu chuẩn vàng trong điều trị các bệnh lý da liên quan mạch máu. Virus HPV khi xâm nhập tạo thành hạt cơm gây tăng sinh mạch máu xung quanh tổn thương đó. Hiểu nôm na, đây sẽ là mạch máu nuôi dưỡng hạt cơm, con virus đó.

Thông thường, khi điều trị phải phá huỷ tổ chức nuôi dưỡng này. Tuy nhiên, mục tiêu của các thầy thuốc khi dùng laser màu xung là đánh thẳng vào mạch máu, cắt đứt nguồn "thức ăn" nuôi dưỡng tổ chức do virus gây ra mà không ảnh hưởng hay tổn thương vùng da lành xung quanh. Phương pháp này làm hạt cơm tan rã, hoại tử dần tiến tới triệt để.

Với bước sóng 595nm khi chiếu vào tổ chức hạt cơm sẽ được hấp thu nhiều nhất bởi hemoglobin (huyết sắc tố). Vì thế, mạch máu nuôi dưỡng virus sẽ bị hút năng lượng của laser và bị phá vỡ, từ đó gây thêm các phản ứng viêm ở vùng này và lôi kéo các tế bào miễn dịch của cơ thể đến vùng đó. Tế bào miễn dịch sẽ tiêu diệt tổ chức do virus gây ra dễ dàng hơn.

Giá trị nhân văn của phương pháp điều trị hạt cơm phẳng bằng laser màu xung giúp cho bệnh nhân ít bị ảnh hưởng chất lượng cuộc sống nhất.
BS Đỗ Thiện Trung

BS Trung cho hay, vì không đau nên thủ thuật không cần gây tê. Nếu thang điểm đau là 10 điểm thì phương pháp này chỉ ở mức 1-2, được mô tả như dây chun bắn nhẹ vào da. Ngoài ra, biện pháp này phù hợp với mọi lứa tuổi đặc biệt là trẻ nhỏ và những bệnh nhân bị nhiều hạt cơm (mức hàng trăm hạt cơm) bởi sẽ giảm thiểu đau đớn.

Ngay sau điều trị, vết bắn laser chỉ hơi bầm. Điều này là một cải tiến so với phương pháp khác như đốt laser điện hay nhiệt để lại các tổn thương như vết lõm "ổ gà" khó chăm sóc và dễ nhiễm trùng.

Sau khi thực hiện bắn laser màu xung (chỉ mất 30 phút tuỳ số lượng hạt cơm), bệnh nhân chỉ cần bôi thuốc, thoa kem dưỡng vùng da, không ảnh hưởng tới sinh hoạt hàng ngày, không cần băng bó hay kiêng nước…

Trong nhiều nghiên cứu, điều trị hạt cơm bằng laser màu xung đặc biệt với hạt cơm phẳng, những vấn đề về rối loạn màu sắc da sẽ ít hơn nhiều so với các phương pháp khác. Điều trị xong, không có trường hợp nào bị mất sắc tố, tổn thương gây ra với vùng da xung quanh để lại vết thâm dễ phục hồi với kích thước nhỏ hơn.

Là kỹ thuật  mới, biện pháp này có chi phí cao hơn so với các biện pháp truyền thống và cần một khoảng thời gian để loại bỏ dần tổ chức do virus gây ra. Sau khoảng 3 tuần thực hiện thủ thuật, bệnh nhân được hẹn tái khám để kiểm tra và có hướng xử lý tiếp theo. Thông thường, lúc này bệnh đã hết đau, ngứa, kích thước hạt cơm được thu gọn từ 50-75% và không xuất hiện nốt mới.  

Bác sĩ da liễu chỉ ra 2 thói quen sai lầm khiến da bạn nứt nẻ vào mùa lạnhBác sĩ da liễu chỉ ra 2 thói quen sai lầm khiến da bạn nứt nẻ vào mùa lạnh

SKĐS - Sau những cơn ngứa điên đảo, cô gái trẻ quyết định vào viện thăm khám. Tại đây, bác sĩ chỉ ra các sai lầm trong sinh hoạt hàng ngày khiến da cô khô nẻ trong mùa đông.

Thu Nguyên
Ý kiến của bạn