Hà Nội

Lập trình cuộc đời theo nguyên lý cân bằng

02-02-2018 20:20 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Sửa lại shophouse (nhà ở kiêm cửa hàng) khang trang ngay tại mặt Quảng trường Beroun trên đất Séc, ông Nguyễn Tiến Mô kể từ năm nay đã có thể thảnh thơi tận hưởng một cuộc sống vững chắc và tương đối an nhàn tại trung tâm châu Âu.

Những điều đã trải qua trong cuộc đời, kể cả những thách thức trong chuyện thương mại và cả sức khỏe, mà ông đã vượt qua, đều trở thành những trải nghiệm thú vị trong cuộc đời.

Vừa lạc quan, vừa thực tế

Chứng kiến cảnh ông Nguyễn Tiến Mô xuất hiện trong một chương trình từ thiện mang tên “Mái ấm Việt - Séc” tại Praha, khi ông hào hứng đứng lên trả giá cao cho một bức tranh được bán đấu giá lấy tiền làm từ thiện, khi ông vui vẻ lắc lư và vẫy tay theo một điệu nhạc vui, tôi tự nhủ, đây là một người đàn ông lạc quan, sống căng từng phút cuộc đời mình.

Quả vậy, ông Mô đã thoát ra khỏi một cái bẫy của cuộc sống tẻ nhạt kiểu công chức thông thường. Năm nay, 62 tuổi, ông đã có thể tự hào nhìn lại một cuộc đời có những thăng trầm như một bản nhạc của mình. Hơn 43 năm sống trên đất Séc, có thể coi đây là quê hương thứ hai của ông. Ông từng có một bà mẹ người Séc, một giai đoạn đáng nhớ được học tiếng, học nghề trên đất Séc, để có thể tự hào rằng mình luôn được ngấm sâu hai nền văn hóa song song Việt Nam và Séc.

Ông Nguyễn Tiến Mô trong một buổi đấu giá từ thiện.

Ông Nguyễn Tiến Mô trong một buổi đấu giá từ thiện.

Ông Nguyễn Tiến Mô trong một buổi đấu giá từ thiện.

Với người mẹ Séc, ông Mô đã có những kỷ niệm và tình cảm sâu sắc, không bao giờ có thể phai nhạt, dù nay mẹ đã qua đời. Những năm tháng xa Việt Nam, sống trên đất Séc, thiếu thốn về mặt tình cảm ruột thịt, thì người mẹ Séc như một suối nguồn bù đắp. Ông Mô có thể tới với mẹ bất cứ lúc nào, không cần báo trước, trò chuyện gần gũi, chia sẻ mọi vui buồn, khó khăn, giúp đỡ mà không cần tính đếm. Những ngày lễ, Tết của Việt Nam thì vợ chồng ông Mô mang thức ăn Việt, nhất là món nem rán mà mẹ Séc rất thích, để mẹ thưởng thức. Ngày lễ của Séc, thì mẹ Séc lại làm món ăn mang tặng vợ chồng ông Mô... Những tình cảm thắm thiết ấy xuất phát từ tình yêu tự nhiên giữa con người với con người, là sự lành mạnh tự nhiên của tâm hồn, dù mẹ - con thuộc hai dân tộc khác nhau.

Được học tập, làm việc, kinh doanh và sinh sống trên đất Séc, với ông Mô đó là một may mắn. Sống lâu trên đất Séc, ông Mô nhận xét, người Séc cũng như văn hóa Séc thật ấn tượng. Văn hóa Séc sâu sắc và phong phú, có những khác biệt với Việt Nam nhưng đáng học tập. Người Séc được đào tạo bài bản, có kiến thức cao, sống trung thực, tốt bụng, nhân từ, tuy đây đó cũng có người kiêu ngạo, cao mũi và phân biệt chủng tộc. Tuy nhiên số đó rất ít. Họ có lối sống tôn trọng lẫn nhau, tế nhị, đề cao quyền tự do cá nhân, trong quan hệ xã hội cũng như trong gia đình rất sòng phẳng nên khá hiệu quả. Cơ sở hạ tầng của Séc cũng rất tốt, thuận lợi cho cuộc sống và giao thương. Đặc biệt việc giáo dục - đào tạo ở Séc rất chuẩn và bài bản. Người Séc đã tạo nên những điểm nhấn độc đáo: như pha lê, bia, công nghiệp ôtô, thép và nhất là những kỳ quan kiến trúc mà thế giới phải nể phục đến chiêm ngưỡng, thành quả đó là từ nền giáo dục và văn hóa Séc, và cũng là tính cách Séc, sáng tạo, khéo léo, lạc quan vui vẻ mà lại hết sức thực tế.

Điểm nhấn trong cuộc đời

Ngấm văn hóa và tính cách Séc, ông Mô đã có bước chuyển quan trọng trong cuộc đời mình. Sau cuộc “Cách mạng nhung”, ông quyết định ở lại Séc, rồi bung ra kinh doanh riêng. Đó là năm 1992, ông khởi nghiệp dù chưa từng kinh doanh bao giờ. Mọi thủ tục, luật kinh doanh ông đều phải học từ đầu. Tuy nhiên, ông Mô có thuận lợi hơn người khác ở khía cạnh ngôn ngữ. Ông từng là phiên dịch cho đoàn gồm 40 công nhân Việt Nam sang Séc làm việc. Do đó, trong khi kinh doanh, có ngôn ngữ, ông có thể tự đối phó với các vấn đề thuế má, tự giao tiếp tốt với đối tác và khách hàng mà không phải thuê qua dịch vụ. Ông cho rằng, ngôn ngữ là một trong những yếu tố quan trọng mang lại thành công cho mình.

Giai đoạn kinh doanh từ năm 1992-2002 là giai đoạn thành công nhất của ông Mô. Dù vốn ít, nhưng hàng có bao nhiêu bán hết bấy nhiêu, lãi suất khá cao do cạnh tranh ít. Tình trạng sau Cách mạng nhung, khắp nơi khan hiếm hàng, ông Mô tranh thủ nhập nhiều chủng loại hàng để bán. Ông tăng vốn nhanh chóng, mở được nhiều cửa hàng quanh khu vực ngoại ô Thủ đô Praha và cũng đón nhiều người nhà từ Việt Nam sang làm việc cho mình, giúp được một số người đổi đời và sống chất lượng.

Tuy nhiên, không phải chuyện kinh doanh lúc nào cũng thuận lợi. Cũng có lúc, vốn lớn, ông dùng khoản vốn dư đầu tư với đối tác. Nhưng sau một thời gian, đối tác này làm ăn thua lỗ khiến ông mất trắng tiền vốn. Với người thân trong gia đình bên mình, khi có nhiều tiền, ông không tiếc tay vung tiền giúp đỡ, cũng khiến nảy sinh mâu thuẫn vợ chồng, dẫn tới ly tán. Hai lần cửa hàng của ông bị cướp phá cửa, vét sạch hàng. Qua những lần mất mát đó, ông Mô rút ra bài học, cẩn trọng hơn trong việc lựa chọn đối tác, cơ sở bán hàng. Với người thân dù yêu thương đến mấy cũng không chiều chuộng quá, cho tặng nhiều quá... Cuộc sống kỳ lạ như vậy đó, những gì tốt quá, tình cảm sâu nặng quá, lại có khi đem đến hiệu quả ngược. Giờ đây, ông Mô lập trình lại mọi việc trong cuộc đời mình theo nguyên lý cân bằng. Kể cả yêu thương cũng nên cân bằng, không yêu thương quá.

Mắc căn bệnh tiểu đường hơn hai mươi năm nay, nhưng ông Mô chẳng coi đó là một điều không may. Với ông, bệnh tật là một điểm nhấn trong cuộc đời. Khi biết mình mắc bệnh, ông tĩnh tâm lại, sống cẩn trọng hơn, nhất là với sức khỏe của mình. Ông tự tìm hiểu tài liệu qua các nguồn khác nhau, kết hợp với lời khuyên của bác sĩ điều trị, để tự chăm sóc sức khỏe, khống chế bệnh tiểu đường. Cho rằng việc chữa bệnh cũng bình thường như đi lại, như ăn uống ngủ nghỉ, ông không bị bệnh tật khiến mình lo lắng nhiều và chữa bệnh là thường xuyên, liên tục. Vì có bệnh tìm đến, mà ông biết trân quý bản thân mình hơn, biết sống cho chính mình và làm điều thiện. Coi từng phút sống mạnh khỏe là niềm vui, ông Mô tích cực tham gia các hoạt động xã hội, nhất là các hoạt động vì cộng đồng của người Việt tại Czech. Với nhóm bạn hữu thân thiết, ông thường xuyên giao lưu, để thông tin cho nhau và giúp đỡ nhau khi thực sự cần thiết.

Chính căn bệnh đã giúp ông thay đổi lối sống, trong mọi việc và sinh hoạt cá nhân, đều lấy sức khỏe làm gốc, lấy việc trị bệnh là chính. Liệu pháp tinh thần cũng là phương thuốc tích cực. Thay vì lo lắng, ông Mô chọn cách sống lạc quan, yêu đời, tin người. Thời gian qua đi, ông càng có nhiều kinh nghiệm về bệnh của mình. Cũng là tiểu đường, nhưng trên cơ thể mỗi người nó lại có sự tiến triển khác nhau, vì vậy cách điều trị cũng cần phù hợp. Và bệnh nhân phải biết lắng nghe cơ thể mình, đọc hiểu bệnh tật của mình để chia sẻ và bàn bạc với bác sĩ, tìm ra cách trị bệnh phù hợp nhất. Ông Mô cũng hay cập nhật thông tin mới nhất về căn bệnh tiểu đường và cách điều trị trên các phương tiện truyền thông để thay đổi cách điều trị hiệu quả hơn với sự đồng ý của bác sĩ chuyên môn. Tâm đắc câu: “Mình là bác sĩ tốt nhất của chính mình”, ông Mô khá tự tin mình khống chế được căn bệnh, và cứ thế sống vui khỏe, tận hưởng cuộc đời.


Kiều Mai
Ý kiến của bạn