Chính những hy sinh thầm lặng, sự bao dung nhân ái của các y bác sĩ nơi đây đã có sức hút mạnh mẽ với tôi và cảm thấy còn phải viết nhiều hơn nữa. Vì vậy, hàng loạt nhân vật là bác sĩ, nhân viên y tế ở cơ sở được khắc họa trên Báo Sức khỏe & Đời sống đã trở thành những điển hình về lòng nhân văn, bác ái.
Như những viên ngọc bình dị
Dốc hết tâm huyết, buồn cùng, vui cùng... bệnh nhân, người dân thành ý nghĩ thường trực trong tâm thức mỗi người khi lựa chọn theo nghề y. Với những thầy thuốc bám trụ chốn rừng sâu, núi thẳm thì còn ăn cùng, ở cùng buôn làng để thấu hiểu và xoay chuyển thói quen lạc hậu ảnh hưởng đến sức khỏe và đời sống hàng ngày.
Nhiều bác sĩ, xa bệnh nhân một ngày là trào lên bao nỗi nhớ nghề. Nhớ giọt nước mắt hạnh phúc của những người dân thiện lành được thoát "cửa tử" vì thói quen lạc hậu, chân bị thương, hoại tử vẫn đắp lá cây; nhớ những đêm mưa thắp đèn dầu đỡ đẻ cho sản phụ dưới chiếc lán nhà tạm; nhớ những chuyến cõng thuốc lên dốc Cổng Trời; nhớ những đứa trẻ thoát khỏi cái chết trong gang tấc bởi hủ tục "chôn con theo mẹ"; nhớ những đêm cổ khô, mắt cay vì trắng đêm thuyết phục cộng đồng các dân tộc ở vùng sâu hãy tin vào y học, tránh xa mê tín dị đoan, chữa bệnh bằng cúng bái... Có bác sĩ, nhà cách nơi công tác vài cây số nhưng cả tháng chỉ đảo về vài lần, gà gáy sáng lại thoăn thoắt lao đi, đến với bệnh nhân.
Tiêu biểu như bác sĩ Nay Blum (Trưởng Trạm Y tế xã Glar, Đắk Đoa, Gia Lai - nhân vật trong tác phẩm "Như cổ tích giữa đại ngàn", bài viết đoạt Giải Đặc biệt cuộc thi Sự hy sinh thầm lặng lần V). Gần 30 năm gắn bó với y tế thôn bản, bác sĩ Nay Blum và vợ là H'Nơn đã dành hết tuổi thanh xuân của mình chữa trị cho hàng vạn bệnh nhân và giành giật sự sống cho những đứa trẻ suýt bị chôn sống vì hủ tục. Với bàn tay, khối óc, nhiệt huyết và tấm chân tình của mình, xuyên qua năm tháng, vợ chồng bác sĩ Blum lặn lội đến các buôn làng xa xôi, nơi núi rừng hiểm trở chữa bệnh, đồng thời giúp người dân thấu hiểu triết lý: "Khỏi bệnh là do y học, khỏe mạnh, lớn khôn là do nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục".
Để lột tả hành trình nhân ái của bác sĩ Nay Blum, phải nhiều lần chúng tôi trở đi, trở lại gặp ông, bởi có khi đang chuyện trò được ít phút ông lại bỏ dở lao về buôn làng chữa bệnh. Có khi vừa ngồi xuống, nghe xong cuộc điện thoại, ông lại bật dậy đi tuyên truyền về bệnh bạch hầu, bệnh sốt xuất huyết. Như ái ngại với khách, bác sĩ Blum thủ thỉ "cứ về buôn làng theo mình, cứ hỏi dân cho tiện". Thế là cùng ông qua hơn chục buôn làng xong chúng tôi mới quyết định viết về ông như một nhân văn điển hình trong xã hội.
Trong suốt hành trình gian lao ấy, họ còn lấy danh nghĩa thầy thuốc, "cược" với cộng đồng người dân Tây Nguyên khi nhận một đứa trẻ sinh non bằng bắp tay, sắp bị đưa đi chôn về cứu chữa và nuôi. Đến khi đứa trẻ khỏe mạnh, người già, người trẻ khắp buôn trên, làng dưới chạy đi loan tin: Y học và sự chăm sóc của con người đã làm nên điều kỳ diệu, đã cứu được đứa trẻ, phải bỏ hủ tục thôi. Nhiều già làng từ tận Kon Tum, Đắk Lắk cũng băng rừng đến xã Glar để nhìn tận mắt, sờ tận tay vào đứa trẻ. Sau đó, biết có ba đứa trẻ mắc bệnh phong, bệnh lao bị người dân xua đuổi vào núi thẳm, thoi thóp trong đói rét, vợ chồng bác sĩ Blum bán nốt chiếc xe máy là của hồi môn để mua sữa và thuốc tốt nhất cứu chữa, nhận những đứa trẻ này làm con. Bằng y học, họ chứng minh rõ "con hủi", con vi khuẩn lao không có chân, có cánh bay khắp nơi trong cộng đồng. Nó không phải là "ngọn gió độc" mang "thần chết" gieo rắc khắp nơi như mọi người vẫn nghĩ. Tất cả những đứa trẻ ấy đã được vợ chồng bác sĩ Blum nuôi dạy trưởng thành.
Có những điều bình dị, lặng thầm từ y tế cơ sở nhưng luôn có sự thôi thúc mạnh mẽ với người cầm bút. Như, từ sự dõi theo bác sĩ Nguyễn Đức Vũ (Trung tâm Y tế huyện K'Rông Bông, Đắk Lắk), khi thấy anh miệt mài cùng các nhân viên tế khác vượt thác, băng đồi cõng thuốc men lên dốc Cổng Trời (thuộc xã Cư Pui - nơi dân cư còn nghèo và gian khó nhất K'Rông Bông) để tiêm vaccine và chữa bệnh cho dân xuyên đêm, tôi đã lên đường, quyết bám theo hành trình của các anh. Được cùng đi qua những quãng mưa rừng tê tái, đường đất nhoèn nhoẹt mới thấu hiểu hơn nỗi gian truân của nhân viên y tế vùng sâu. Với họ, niềm tin, bản lĩnh, tố chất được hun đúc thêm từ những năm tháng này.
Giữa mênh mông những dãy núi chập trùng, bác sĩ Nguyễn Đức Vũ bộc bạch: "Xưa kia đau ốm có khi bệnh nhân được người nhà đưa đến cơ sở y tế bằng cáng, xe trâu. Giờ điều kiện tốt dần lên, đã có xe cấp cứu, các dịch bệnh xảy ra nhưng vẫn khống chế được. Đặc biệt, thời điểm trước, K'Rông Bông không chỉ "nóng" bởi COVID-19 mà còn có bệnh bạch hầu. Đứng trước khó khăn, lãnh đạo ngành y tế địa phương cũng như các cấp chính quyền cùng cán bộ y tế đồng tâm, dốc sức nên dịch bệnh đã được khống chế. Có hôm "chiến đấu" với bệnh bạch hầu xong thì trời cũng vừa mờ sáng, mắt ai cũng cay xè, thèm một giấc ngủ nhưng rồi chỉ cho phép mình giải lao trong chớp nhoáng vì ai cũng tự nhắc mình... phải chạy đua vì sức khỏe đồng bào.
Trong ký ức của các cán bộ y tế K'Rông Bông còn in những ngày cao điểm phòng chống nhiều loại dịch bệnh như bạch hầu, COVID-19 ở Ea Rớt. Khi dịch bệnh nơi đây đang lây lan nhanh, đường lên dốc cổng trời Ea Rớt bị sạt lở, để vào được Ea Rớt chỉ còn cách ngược về phía huyện EaKar để dùng xuồng, thuyền đi qua một lòng hồ nước sâu và đục để tiếp cận Ea Rớt. Giữa tình thế cấp bách mà thông điệp "người dân Ea Rớt đang cần mình" nên đoàn gần 40 người gồm cán bộ K'Rông Bông và các y bác sĩ quyết tâm không chùn bước, cơ cực mấy cũng phải vượt qua". Cùng với sự cố gắng của cả hệ thống chính trị, nên dịch bệnh ở Ea Rớt bị đẩy lùi, trả lại cho đồng bào cuộc sống yên ả.
Những hạnh phúc bất ngờ
Món quà tinh thần quý giá, bất ngờ với những người thường xuyên viết về y tế cơ sở, về bác sĩ, nhân viên y tế hy sinh thầm lặng nơi gian khó là những tin nhắn đong đầy cảm xúc.
Như bác sĩ Võ Thanh Dũng (nhân vật trong tác phẩm "Người bác sĩ chốn rừng sâu, núi thẳm") khi biết sẽ được nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Y tế và được truyền hình trực tiếp, ông đã chộn rộn đến không ngủ được và nhắn tin trải lòng mình: "Cứ ngỡ cùng nhà báo lăn lộn về buôn làng, trò chuyện với nhau thật nhiều xoay quanh cuộc sống của những người dân ở vùng sâu Tây Nguyên, về những chiếc cáng tay bằng gỗ, những chiếc xe cày tự chế vừa phục vụ sản xuất trên nương rẫy vừa chở bệnh nhân. Rồi đến cả những chiếc đèn dầu đã tiếp thêm bao nhiêu nghị lực vươn lên của những đứa trẻ nơi sâu xa này. Những đèn dầu ấy cũng đã soi rọi cho hàng ngàn ca tiểu phẫu, để hiểu về nhau không ngờ được khắc họa lên báo. Giờ mình được ra Thủ đô, được bắt tay cả lãnh đạo, cứ thấy xốn sang. Mình sẽ dốc sức hơn nữa trong sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân...".
Hay dịp cận kề Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2/2023), sau nhiều lần chuyện trò với nhân vật, lắng nghe tâm sự của hàng chục bệnh nhân nói về những việc làm đậm tính nhân văn của cán bộ xét nghiệm Nguyễn Văn Cường (Trung tâm Y tế Khánh Sơn, Khánh Hòa), chúng tôi viết bài "Người chiến sĩ áo trắng có trái tim nhân hậu" đăng trên Báo Sức khỏe & Đời sống. Ngay sau báo đăng, giữa đêm khuya, Cường nhắn tin "câu từ và dẫn chuyện hay, đúng thực tế quá. Anh viết mà như chính bản thân em viết ra, anh đã đặt mình vào nhân vật".
Cường là một nhân vật đặc biệt, sinh năm 1984, trong một căn nhà đơn sơ giữa núi rừng Khánh Sơn, bốn mùa gió thổi thông thốc. Cường bị liệt một chân từ nhỏ nhưng vẫn giữ nguyên vẹn niềm đam mê với nghề y. Bám trụ trong cơ sở y tế ở vùng sâu, hiểu rõ tâm lý người dân (chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số Rắk Lây) khi bệnh nặng mới tìm đến bệnh viện, nên mỗi lần lấy mẫu xét nghiệm cho ai, Cường luôn dặn kỹ họ về nhà, nếu thấy ai trong buôn mình mệt mỏi thì báo ngay để anh hướng dẫn, động viên đến trung tâm y tế. Đặc biệt, với những người khuyết tật, khi đến khám bệnh, xét nghiệm, Cường còn thắp lên trong họ nghị lực vượt số phận. Dù tật nguyền, nhưng ngoài chuyên môn, tất cả thời gian rảnh rỗi, Cường đều rong ruổi đi khắp nơi xin quần áo, lương thực, bánh mỳ về phát cho bệnh nhân nghèo.
Trước những tin nhắn sẻ chia ấm áp, người viết như chúng tôi luôn thấu hiểu rõ, chính bản thân những nhân vật là y - bác sĩ, nhân viên y tế bám cơ sở với những cống hiến lặng thầm của họ đã là những "tia sáng" giữa mênh mông rừng thẳm; là những viên ngọc tự thân đã lấp lánh, toát lên và tỏa ra những điều cao đẹp nhất. Người viết chỉ chắt lọc ra, chuyển tải đến bạn đọc.