Lượm kim cương trong tro tàn cuộc sống
Gặp ông Nguyễn Lam Thủy trong một sự kiện văn chương, thoạt đầu tôi thấy ông chẳng giống một nhà văn, mà là một nhà khoa học thì đúng hơn. Khuôn mình trong một bộ complet lịch sự, cặp kính trắng tri thức, vẻ mặt không dễ gần, chắc chắn ông không hút người lạ lại với mình ngay những phút đầu tiên. Nhưng khi có đủ duyên và thời gian để biết ông sâu hơn thì đó lại là một trải nghiệm sống quý giá đối với bất cứ ai còn nuôi khát khao với tri thức. Nguyễn Lam Thủy trước tiên là một bác sĩ tại Cần Thơ thập niên 80. Trải qua 4 thập kỷ sống xa quê hương, học tập, làm việc, nghiên cứu cả ở châu Âu và Mỹ, hiện nay GS.TS. Nguyễn Lam Thuỷ làm việc tại Bệnh viện Szent István, Budapest, Hungary. Ông là tiến sĩ Sinh lý học và Y học, được đào tạo tại Viện Hàn lâm Khoa học Hungary, Trường đại học Y Budapest. Ông cũng đã có nhiều công trình khoa học đăng trên tạp chí khoa học nổi tiếng của thế giới. Đặc biệt, bài báo khoa học về “Phản ứng tổng hợp hạt nhân - nguồn năng lượng của tương lai” của ông công bố năm 2012 đã gây tiếng vang lớn trong dư luận, thu được những phản hồi tích cực về một giải pháp ưu việt cho nhu cầu về nguồn năng lượng của nhân loại.
Nhà văn Nguyễn Lam Thuỷ.
Còn với độc giả văn chương Việt Nam thì thường biết đến một nhà văn Nguyễn Lam Thủy sống tại châu Âu, mà cụ thể là Hungary, với những trang viết thấm đẫm vị sống đắng chát của cả người Việt tha hương tại Hungary lẫn của chính người Hung, người Nga, người Do Thái và những đại diện dân tộc khác đang trải cuộc đời mình tại châu Âu - cái nôi của văn minh nhân loại. Nhân vật trong truyện ngắn Nguyễn Lam Thủy thuộc mọi giới, tri thức cũng có mà bình dân cũng có, thậm chí là tầng lớp dưới đáy xã hội. Có một điều lạ là, ông là một trong tỷ lệ ít người Việt Nam sống tha hương, có vị trí trong giới tri thức châu Âu, lại tập trung ngòi bút nhiều hơn vào nhóm người ở tầng lớp thấp trong xã hội Hungary. Với con mắt “nội soi” của một bác sĩ, Nguyễn Lam Thủy “phẫu thuật” chi tiết tính cách, tâm lý của những đại diện mỗi dân tộc, trong thách thức của cuộc sống ở tầng thấp, để đo độ mỏng dày văn hóa trong một thước đo tinh tế nhất. Có thể hình dung về tính cách đặc trưng của các dân tộc này qua những truyện ngắn Những người hàng xóm, Ngày cuối cùng ở Budapest... Để qua những câu chữ mang vẻ mộc mạc, hầu như không làm dáng văn chương của ông, bạn đọc thấy lấp lánh những triết lý trong ngổn ngang sự đời. Tôi đã phải dừng lại rất lâu trước đoạn văn này của ông: “Lòng tham tích lũy vật chất, trí tuệ cùng với tính sáng tạo - đó là đặc tính của con người, chính nó làm xã hội loài người không ngừng phát triển và cũng chính nó đã tạo ra chiến tranh con người với con người ngày càng trở nên khốc liệt...”. Chính câu văn này lại hiển lộ một nhà khoa học đang khoác áo một nhà văn.
Một chuỗi lựa chọn
Thập niên 80, BS. Nguyễn Lam Thủy rời Việt Nam đến Hungary làm nghiên cứu sinh. Sau chương trình tiến sĩ, ông ở lại Hungary làm việc. Cuộc sống tại Hungary khi đó khá vất vả bởi ông một mình đi làm, một suất lương nuôi chính ông cùng vợ và các con. Sau đó, ông được mời sang Mỹ nghiên cứu và làm việc tại Trường đại học Pennsylvania (bang Philadelphia, Mỹ). Ông đã chuyển cả gia đình sang Mỹ với hy vọng sẽ có cuộc sống khá hơn tại một quốc gia phát triển nhất thế giới. Tuy nhiên, lối sống gấp gáp với nhiều âu lo và cạnh tranh căng thẳng tại Mỹ không phù hợp với con người ông nên Nguyễn Lam Thủy lại cùng gia đình trở về Hungary vào đầu thập niên 90 và sống tại đất nước xinh đẹp này từ đó tới nay. Cũng từ đây, ông xây dựng sự nghiệp khoa học và văn chương của mình.
Thuở nhỏ, Nguyễn Lam Thủy đã có khiếu văn chương. Tuy nhiên, cuộc sống tha hương với nhiều thách thức không cho phép ông cầm bút trong những năm thanh xuân của cuộc đời. Mãi tới năm 2008, ông mới sáng tác văn học như một sự lựa chọn tất yếu cho đời sống tinh thần của mình khi sự nghiệp khoa học đã thành danh, khi kinh tế gia đình đã khá giả và các con đã đủ lớn khôn, thành đạt. Ông nói đùa rằng, lúc này đã có thể dùng nghề y để nuôi văn. Nhưng ông viết xong, để đó, cho đến khi được chính nhà thơ Hữu Thỉnh phát hiện, khuyến khích ông gửi tác phẩm về nước, đăng trên tuần báo Văn nghệ. Cái tên Nguyễn Lam Thủy nhanh chóng được giới văn chương biết đến khi tác phẩm của ông liên tiếp xuất hiện trên tờ báo văn uy tín của đất nước. Hơn thế, những trang văn mộc mạc mà ý văn sâu cay, thấm chát đắng vị đời của ông về những thân phận người Việt tha hương và của chính người bản xứ đã khiến bạn đọc ngạc nhiên trước một sự thật khác, trước một lát cắt khác về cuộc sống con người ở châu Âu. Châu Âu trong văn của ông không diễm lệ, xa hoa và văn minh toàn màu hồng như tưởng tượng chung của bạn đọc Việt Nam từ xưa tới nay mà là một châu Âu còn những nỗi đau cắt xé con người ở tầng thấp, còn những bi kịch lớn trong những thân phận nhỏ. Đó mới thực sự là số đông, là căn bệnh chung lớn nhất cần đến những “bác sĩ tâm hồn” như Nguyễn Lam Thủy mổ xẻ.
Như lẽ tự nhiên
Nhiều năm nay, nhà văn Nguyễn Lam Thủy chịu đựng chứng đau cột sống. Khi tôi hỏi ông tại sao chính ông là bác sĩ mà lại không tìm cách chữa dứt điểm căn bệnh đó từ sớm, để tới năm 2018 mới phẫu thuật, khi cơn đau đã tới hồi không thể chịu đựng thì ông chỉ cười và bảo “Bệnh tật với mỗi người cũng là lẽ tự nhiên, ai cũng sẽ đến một lúc gặp bệnh, nó đến và ta sống chung với nó, chết với nó. Không ai là không bị bệnh nên tốt nhất là đừng quá bận tâm”. Mấy năm nay, ông còn bị chứng mất ngủ, thường xuyên phải dùng thuốc ngủ và bị sụt tới 10kg trọng lượng. Điều này cũng là một thách thức lớn cho tâm lý, thần kinh. Nhưng không vì thế mà ông ngừng làm việc hay ngừng sáng tác. Trước mắt ông còn nhiều việc cần làm, nhiều điều thú vị để trải nghiệm, mà điều quan trọng nhất chính là cần viết những tác phẩm văn học giá trị để lại cho đời sau. Không quá quan tâm, không quá sợ bệnh tật, đó chính là bí quyết để ông tự vượt qua những rào cản của sức khỏe. Ông tiếp tục những chuyến đi về quê hương, giao lưu văn học, trải nghiệm cuộc sống để viết.
Tranh thủ thời gian về Việt Nam đầu năm 2019, ông cũng thử các phương pháp điều trị Đông y như thuốc Bắc, xoa bóp bấm huyệt để dỗ giấc ngủ. Lúc được, lúc không kết quả, nhưng điều quan trọng là trải nghiệm. Với ông, đó cũng là giá trị sống. “Bệnh tật có trừ ai đâu. Vậy nên cứ thoải mái sống chung với bệnh tật, nhìn về tương lai mà không bi quan, không để nó cản trở mình đi tới mục tiêu trong văn chương”, nhà văn Nguyễn Lam Thủy bộc bạch.
Ngày thường bận bịu công việc ở bệnh viện và trường đại học, chỉ đêm khuya, nhà văn mới trải mình trên trang viết. Nguyễn Lam Thủy tranh thủ chính cái chứng mất ngủ của mình để cống hiến cho văn chương và “chuyển văn chương” về nước. Ở Hungary, chỉ có chừng hơn 5.000 người Việt Nam, không có nổi một tờ báo tiếng Việt thì những gì ông viết ra, tất yếu cần tìm về với quê hương, với lượng độc giả lớn nơi quê nhà. Những lúc đêm khuya, ông thường viết tay, bởi khi đánh máy, dường như đôi bàn tay và bàn phím không đuổi kịp dòng suy nghĩ của ông. Kể cả khi ông nói, tiếng nói cũng không theo kịp tốc độ tư duy và không truyền tải cho đủ tầm ý nghĩ trong đầu. Và cũng chỉ có khi đêm khuya, tĩnh lại với chính mình, một mình nghe những bài hát cũ, vần thơ xưa từ quê hương ông ở Tiên Điền (Nghi Xuân, Hà Tĩnh) - cùng quê đại thi Nguyễn Du thì dòng sóng não trong nhà văn Nguyễn Lam Thủy mới được kích hoạt, để tiếp tục khơi dòng văn chương có sẵn trong ông, dạt dào chảy hướng về quê mẹ.