Lấp lánh ánh sao ở Dào San

18-11-2019 13:58 | Y tế

SKĐS - Từ nhiều năm nay bà con các dân tộc thuộc xã Dào San, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu đã rất thân thuộc với một chiến sĩ quân y.

Bởi anh thường xuyên gần dân, bám bản, tuyên truyền, vận động người dân giữ gìn vệ sinh, phòng ngừa dịch bệnh, giúp bà con xóa đói, giảm nghèo. Đó là Trung tá Tạ Quang Thái, y sĩ Đồn Biên phòng Dào San.

Trọn đời quân ngũ gắn bó với vùng biên

Nếu đến Đồn Biên phòng Dào San mà không điện thoại hẹn trước thì thật khó để gặp được Tạ Quang Thái, bởi anh thường xuyên cắm bản, bám địa bàn. Biết thành tích của anh đã nhiều và cũng đã một hai lần đến đồn, rồi qua vài lần điện thoại muốn được gặp trò chuyện nhưng anh đều từ chối không muốn nói về thành tích và chặng đường 33 năm bám bản của mình. Phải thông qua chỉ huy đồn chúng tôi mới được anh tiếp chuyện, nghe anh kể về cuộc đời quân ngũ đầy gian khổ, vất vả song rất đỗi tự hào.

Tạ Quang Thái sinh ra và lớn lên ở xã Tề Lỗ, huyện Yên Lạc (Vĩnh Phúc). Tháng 9/1986 cũng như bao trai tráng trong xã, anh Thái có lệnh gọi nhập ngũ, được biên chế vào công tác tại Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Lai Châu, tham gia phục vụ chiến đấu địa bàn các xã sát biên giới. Sau 3 năm hoàn thành nghĩa vụ quân sự, thấy anh Thái làm việc chăm chỉ, tính tình chu đáo cẩn thận, có ý thức tổ chức kỷ luật tốt, lại ham học hỏi nên thủ trưởng cấp trên tin tưởng lựa chọn cử đi học Trung cấp Y tại tỉnh Lai Châu để phục vụ quân đội lâu dài. Tốt nghiệp, anh được điều động về nhận công tác tại Đồn Biên phòng Vàng Ma Chải và được chuyển chế độ quân nhân chuyên nghiệp, với quân hàm Chuẩn úy. Năm 1999, anh được điều động sang Đồn Biên phòng Huổi Luông, đến năm 2001, anh được điều nhận công tác tại Đồn Biên phòng Dào San. Cũng trong năm ấy anh đưa vợ là cô giáo Nguyễn Thị Thu Hồng lên dạy học và sinh sống. Kể từ đó cho đến nay gia đình nhỏ của anh coi Dào San như quê hương thứ hai của mình.

Địa bàn Đồn Biên phòng Dào San phụ trách gồm 3 xã là: Dào San, Mù Sang, Tung Qua Lìn, 32 bản với 19 cây số đường biên giới. Người dân ở đây chủ yếu là các dân tộc Mông, Hà Nhì, Dao... Điều kiện kinh tế, xã hội còn rất nhiều khó khăn trở ngại. Nơi đây không chỉ có núi cao, vực sâu, giao thông đi lại khó khăn mà thời tiết khí hậu cũng rất khắc nghiệt. Chính nơi đây đã in dấu nhiều kỷ niệm trong đời quân ngũ của anh nhất. Theo anh Thái, những năm trước việc đi lại rất vất vả vì hệ thống giao thông khó khăn, phương tiện không có, đa phần là đi bộ. Nhiều khi xuống địa bàn anh phải đi bộ cả ngày trời, ăn lương khô, uống nước suối. Nhưng anh Thái luôn đồng hành với bà con dân bản, giúp xóa bỏ đi nhiều hủ tục lạc hậu, vận động bà con mỗi khi ốm đau bệnh tật không gọi thầy mo cúng bái, mê tín dị đoan mà phải đến trạm xá khám bệnh, chữa trị; hướng dẫn đồng bào giữ gìn vệ sinh, nuôi nhốt gia súc, gia cầm riêng một khu; tích cực trồng cây, giữ rừng, nhờ vậy mà khu vực anh phụ trách đã bao năm không xảy ra lũ cuốn hoặc lũ quét, lũ ống. Mọi niềm vui, nỗi buồn của bà con anh đều chia sẻ, tư vấn giải quyết một cách hợp lý nhất.

Trung tá Tạ Quang Thái luôn gần dân bám bản, làm tốt công tác vệ sinh môi trường, phòng ngừa dịch bệnh.

Trung tá Tạ Quang Thái luôn gần dân bám bản, làm tốt công tác vệ sinh môi trường, phòng ngừa dịch bệnh.

“Bốn cùng” với bà con dân bản

Người chiến sĩ biên phòng vốn đã vô cùng vất vả, thường xuyên phải đóng quân xa nhà, chủ yếu là ở biên giới hải đảo, vùng đặc biệt khó khăn, đôi khi còn hiểm nguy rình rập. Nhưng với chiến sĩ biên phòng cắm bản thì gian khổ gấp bội, bởi để hoàn thành tốt được nhiệm vụ phải cần rất nhiều quyết tâm và nghị lực. Vậy mà 33 năm qua, Trung tá Tạ Quang Thái lại chọn cho mình con đường đầy chông gai ấy...

Nhiệm vụ của chiến sĩ quân y không chỉ có chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho bộ đội biên phòng mà còn giúp nhiều người dân bản địa ổn định cuộc sống. Để hiểu được tiếng nói, tập tập của bà con dân tộc nơi đây, Tạ Quang Thái đã tham gia các lớp bồi dưỡng tiếng Mông, tiếng Dao. Mỗi bản làng anh đến đều có những đặc thù riêng nên muốn gần và hiểu được bà con anh phải ra sức tìm hiểu thông qua cán bộ cơ sở, thông qua sinh hoạt, lao động. Trong suốt thời gian gần 20 năm qua anh đã thực hiện “bốn cùng” với bà con, học hỏi về văn hóa, truyền thống, nét đặc trưng của từng dân tộc để làm vốn sống. Đến đâu anh cũng được bà con yêu quý, coi như người thân của bản. Do vậy việc tuyên truyền, vận động nhân dân không di dịch cư tự do, không tham gia các đạo lạ, tích cực lao động phát triển kinh tế, xây dựng đời sống mới có nhiều thuận lợi.

Với trình độ chuyên môn biết chữa bệnh, lại nói được tiếng dân tộc nên Tạ Quang Thái không chỉ có uy tín với bà con mà với cả lãnh đạo địa phương và chỉ huy đơn vị. Nhiều năm liền anh được cử tăng cường, phụ trách xã, cắm bản bám địa bàn. Anh biết từng nhà dân, thuộc từng đường mòn lối mở, am hiểu địa bàn công tác. Nhiều người dân trong địa bàn đã coi anh như người thân trong gia đình. Năm 2010, Trung tá Tạ Quang Thái được điều động tăng cường củng cố chính trị cơ sở, giữ chức Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Tung Qua Lìn, huyện Phong Thổ. Với cương vị mới, anh đã tích cực học hỏi, nghiên cứu, đề xuất với tập thể Ban Chấp hành Đảng ủy xã nhiều chủ trương, ý tưởng phát triển kinh tế, củng cố chính trị cơ sở. Trong đó có mũi nhọn trục chính là trồng rừng, nuôi dê, cấy lúa nước với một số giống mới cho năng suất, chất lượng cao, phù hợp với thổ nhưỡng và điều kiện tự nhiên vùng núi đá. Đề xuất đó đã được tập thể cán bộ và bà con nhân dân đồng tình ủng hộ. Anh đã lăn lộn xuống từng nhà dân hướng dẫn, giúp đỡ về kỹ thuật trồng cây, cấy lúa, nuôi dê. Nhờ đó mà đến nay, phong trào nuôi dê tại địa bàn các xã do Đồn Biên phòng Dào San phụ trách đã phát triển mạnh.

Không chỉ có hướng dẫn, giúp đỡ bà con phát triển kinh tế, giữ vệ sinh môi trường mà tình cảm gắn kết giữa Trung tá Tạ Quang Thái với bà con các dân tộc nơi đây luôn sâu nặng nghĩa tình. Nhiều bà con ở khu vực Đồn Biên phòng Vàng Ma Chải, Huổi Luông thi thoảng vẫn gọi điện, đến chơi thăm anh. Nhất là với ông Sùng A Páo, dân tộc Mông, nhà ở bản Xì Phài, xã Dào San thì coi anh như một ân nhân vì đã một lần được anh cứu mạng. Đó là vào dịp cuối năm 2010, khi ấy Trung tá Tạ Quang Thái được điều động tăng cường củng cố chính trị cơ sở, giữ chức Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Tung Qua Lìn. Trên đường đi xuống bản bất ngờ anh gặp ông Sùng A Páo bị tai nạn xe máy bất tỉnh nằm ngay ven đường, nồng nặc mùi rượu, trên người bị nhiều vết thương. Không một chút do dự, anh Thái đã nhanh chóng sơ cứu, gọi một người dân gần đó ngồi sau xe để chở ông Páo đến trạm xá của xã cứu chữa. Thấy các vết thương khá nặng anh đã trực tiếp cùng y sĩ sơ cứu rồi chuyển ông lên tuyến trên điều trị. Sau 12 ngày nằm viện về nhà, ông Sùng A Páo đã tìm đến trụ sở xã Tung Qua Lìn để  cảm ơn anh Thái. Kể từ đó anh đã coi ông Páo như người thân, thường xuyên đi lại, thăm hỏi, giúp đỡ gia đình trồng lúa, cây ăn quả, cây lấy gỗ, chăn nuôi, nhờ đó mà gia đình ông không còn tình trạng đứt bữa nữa.

Với các đồng đội trong Đồn Biên phòng Dào San, Tạ Quang Thái không những là người “anh cả”, nhiều tuổi quân, tuổi đời nhất mà anh luôn nhiệt tình, trách nhiệm lo cho anh em từng viên thuốc, lọ dầu lúc ốm đau bệnh tật. Từ ngày anh làm y sĩ chưa bao giờ đồn xảy ra dịch bệnh gì, quân số tham gia công tác luôn đạt cao, qua đó đã góp phần quan trọng cho nhiệm vụ chính trị của đơn vị, tuần tra đường biên cột mốc, giữ vững từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc nơi tiền tiêu.

Nói về anh Thái, đồng chí Vàng A Phùa - Bí thư Đảng ủy xã Dào San đánh giá: Trung tá Tạ Quang Thái là y sĩ biên phòng mấy chục năm gắn bó, giúp đỡ bà con về nhiều mặt. Mỗi việc làm, lời nói của anh Thái luôn được bà con tin tưởng và làm theo. Cán bộ, nhân dân xã Dào San luôn trân trọng và đánh giá cao những đóng góp cống hiến của anh Thái. Hình ảnh người y sĩ Biên phòng luôn sâu sát, gần dân sẽ còn vương vấn mãi trong tâm trí của bà con nơi đây.

Trung tá Nguyễn Đức Hùng, Chính trị viên Đồn Biên phòng Dào San nhận xét: Trung tá Tạ Quang Thái không chỉ là một y sĩ có chuyên môn sâu mà còn là người có nhiều kinh nghiệm, uy tín trong công tác tuyên truyền, vận động. Khi giao bất cứ việc gì cho anh Thái chúng tôi đều rất tin tưởng. Hàng chục năm liền anh được tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở cùng nhiều Bằng khen, giấy khen của các cấp. Anh ấy thực sự là tấm gương mà nhiều cán bộ, chiến sĩ phải học tập noi theo.


Bài và ảnh: Đào Duy Tuấn
Ý kiến của bạn