Hà Nội

Lấp khoảng trống giảm tải cho tuyến tỉnh

11-11-2013 18:35 | Tin nóng y tế
google news

Khó khăn về cơ sở vật chất, trang thiết bị khám, chữa bệnh và nguồn nhân lực còn thiếu so với yêu cầu đã khiến Phòng khám đa khoa khu vực của tỉnh Điện Biên chưa đáp ứng được yêu cầu chăm sóc sức khỏe cho người dân.

Khó khăn về cơ sở vật chất, trang thiết bị khám, chữa bệnh và nguồn nhân lực còn thiếu so với yêu cầu đã khiến Phòng khám đa khoa khu vực của tỉnh Điện Biên chưa đáp ứng được yêu cầu chăm sóc sức khỏe cho người dân. Để giải quyết vấn đề này, y tế tỉnh Điện Biên đã có đề án đến năm 2020 lấp khoảng trống nhằm giảm tải cho bệnh viện tuyến tỉnh.

Tỉnh giảm, huyện tăng

Hiện nay, toàn ngành y tế Điện Biên có 680 giường bệnh tuyến tỉnh, 510 giường bệnh tuyến huyện và 220 giường bệnh của 18 phòng khám đa khoa khu vực. Trong đó, công suất sử dụng giường bệnh tuyến tỉnh là 83,6%, công suất sử dụng giường bệnh tại tuyến huyện 106,1%. Đặc biệt, Bệnh viện đa khoa huyện Tuần Giáo, Tủa Chùa... đang trong tình trạng quá tải lớn với công suất sử dụng giường bệnh trên 130% và Phòng khám đa khoa khu vực Si Pa Phìn, huyện Nậm Pồ, Xá Nhè, huyện Tủa Chùa, Phình Sáng, huyện Tuần Giáo... luôn đạt công suất trên 110%. Công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân tại các tuyến y tế xã chưa thể đáp ứng được với yêu cầu, bởi có 58% số trạm y tế xã, phường, thị trấn cần được đầu tư xây mới, nâng cấp. Các trạm y tế này đang trong tình trạng mượn, nhà tạm, thiếu trang thiết bị kỹ thuật, nguồn nhân lực y, bác sĩ...

Để thực hiện việc giảm tải bệnh viện, ngành y tế Điện Biên đã thực hiện nhiều giải pháp như: Triển khai hiệu quả Đề án 1816 tăng cường các bác sĩ chuyên khoa về các bệnh viện tuyến huyện, phòng khám khu vực chuyển giao kỹ thuật cho cơ sở; tăng cường đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực... nên đã hạn chế được phần quá tải cho các bệnh viện tuyến trên. Năm 2012, số người đến khám điều trị tại các cơ sở y tế tuyến xã đạt được 55,8%, tuyến huyện 32,1%, tuyến tỉnh 5,1% và công tác điều trị tuyến huyện tăng lên được 57,7%, tuyến tỉnh giảm xuống còn 36,3%.

Lấp khoảng trống giảm tải cho tuyến tỉnh 1
 Người dân Điện Biên đã tin tưởng vào y tế tuyến huyện.

Đầu tư thỏa đáng cho cơ sở

Về lâu dài, để đạt được mục tiêu đề ra đến năm 2020, tuyến y tế cơ sở của Điện Biên đáp ứng đầy đủ công tác khám, chữa bệnh cho người dân thì cấp chính quyền cần có đầu tư thỏa đáng, quan tâm xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị đào tạo và thu hút nguồn nhân lực... Theo ông Lương Đức Sơn, Phó Giám đốc Sở Y tế Điện Biên, ngành đã xây dựng đề án giảm tải bệnh viện với dự trù nguồn vốn 1.776 tỷ 700 triệu đồng. Trong đó, ngành y tế cần cải tạo nâng tổng số giường bệnh lên 2.263 giường trong toàn tỉnh (hiện có 1.440 giường bệnh).

Để đáp ứng yêu cầu khám, chữa bệnh cho người dân, ngành cần đầu tư xây dựng bệnh viện huyện: Tủa Chùa, Mường Chà và TP. Điện Biên Phủ, cải tạo nâng cấp Bệnh viện đa khoa tỉnh Điện Biên giai đoạn II từ 300 giường lên 500 giường bệnh. Xây dựng mới 2 bệnh viện hiện chưa có tại huyện Mường Ảng, Nậm Pồ, cải tạo nâng cao năng lực Phòng khám đa khoa khu vực của huyện: Mường Chà, Tủa Chùa, Điện Biên và 3 bệnh viện chuyên khoa cấp tỉnh, 54 trạm y tế xã, phường, thị trấn. Bên cạnh đó, ngành y tế cũng cần được trang bị đồng bộ cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế và hoàn thiện các công trình xử lý chất thải tại tất cả các cơ sở khám, chữa bệnh. Các lĩnh vực còn thiếu và yếu của các bệnh viện cần được đầu tư, quan tâm, như các khoa: nhi, chống nhiễm khuẩn, thăm dò chức năng, vi sinh vật, chẩn đoán hình ảnh... ở những lĩnh vực này, đội ngũ y, bác sĩ và trang thiết bị chưa đáp ứng được theo yêu cầu. Trong đó, việc đào tạo bồi dưỡng đội ngũ bác sĩ chuyên khoa sâu được ngành y tế định hướng đa dạng loại hình đào tạo. Gắn với yêu cầu của cơ sở. Việc đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị và nguồn lực cho ngành y tế là hết sức cần thiết nhưng bên cạnh đó, các cấp ngành và nhất là ngành y tế phải có giải pháp hiệu quả từ đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng cán bộ cho tới kêu gọi, thu hút nguồn lực đầu tư để đạt hiệu quả cao nhất, đưa kỹ thuật y tế phục vụ bà con vùng sâu, vùng xa.

Kiên Cường


Ý kiến của bạn