Hà Nội

Lấp hồ, xẻ rừng phòng hộ ngay tại Thủ đô

12-05-2011 07:28 | Thời sự
google news

Từ khi có thông tin quy hoạch huyện Sóc Sơn là một trong 5 vệ tinh của Thủ đô, rồi các trường đại học, khu du lịch, khu vui chơi giải trí sẽ mọc lên… khiến giá đất nơi đây tăng theo từng ngày.

Từ khi có thông tin quy hoạch huyện Sóc Sơn là một trong 5 vệ tinh của Thủ đô, rồi các trường đại học, khu du lịch, khu vui chơi giải trí sẽ mọc lên… khiến giá đất nơi đây tăng theo từng ngày. Và hơn một tháng trở lại đây, thôn Minh Tân thuộc xã Minh Trí được coi là tâm điểm của đợt sốt đất này. Nói như thế bởi chiếm phần lớn diện tích đất thuộc thôn Minh Tân là đất rừng phòng hộ và hồ, người dân vẫn công khai vô tư bán mua...

Sau cơn sốt đất Ba Vì vào năm 2010, hiện tại không khí mua bán đất ở Sóc Sơn - một huyện ngoại thành Hà Nội- đã lên tới cao điểm, thậm chí, từng thửa đất hồ, đất lâm nghiệp không giấy tờ cũng được người dân rao bán với giá tăng chóng mặt, không kém là bao so với giá đất thổ cư…

Trong vai người đi tìm mua đất, tôi được một người dân sinh sống tại thôn Minh Tân, kiêm nghề môi giới, tên N.T chào mua những thửa đất có giá dao động từ 200 - 250 triệu đồng/sào. Theo “cò” N.T, những thửa đất có mặt tiền chạy dọc theo mặt nước hồ Minh Tân, phần hậu thửa đất dựa lưng vào núi được coi là đắc địa, bởi người mua hoàn toàn có tận dụng số đất bạt núi để lấn hồ mở rộng diện tích thửa đất. Và một trong những thửa đất kiểu này, rộng ngót 15 sào được “cò” N.T hét giá 300 triệu đồng/sào. Liền kề ngay đó, một thửa đất đắc địa khác rộng hơn 2ha cũng được “cò” N.T bán cho một nhà đầu tư. Và cũng giống với nhiều thửa đất sau khi được chuyển nhượng, ngay lập tức chủ nhân của nó tiến hành thuê máy xúc, nhân công bạt núi, xây kè bằng đá cao cả chục mét để dựng nhà. Đất bạt núi lại được dùng san ủi lấp phần hồ trước mặt thửa đất, khiến lòng hồ bị thu hẹp đáng kể.

 Những thửa đất ven hồ có giá rất cao.

Việc mua bán đất tại thôn Minh Tân thực chất là việc chuyển nhượng được tiến hành trên danh nghĩa chuyển nhượng tài sản lâm lộc trên đất. Còn người nhận chuyển nhượng chính là người mua, mà chiếm phần lớn là người trong nội thành tìm mua nhằm mục đích xây nhà nghỉ cuối tuần, nhà hàng ăn uống, khu vui chơi giải trí… chứ hoàn toàn không phải để phủ xanh rừng.

Không chỉ những phần diện tích đất rừng phòng hộ bị xâm phạm, mà ngay cả khu vực nơi lòng hồ Đồng Đò vốn dùng chứa nước tưới tiêu, phòng chống cháy rừng hiện cũng bị rất nhiều hộ dân sinh sống trong thôn Minh Tân rao bán. Thời gian này đang là mùa cạn, nên dọc suốt chiều dài hồ không khó để bắt gặp cảnh tượng xe tải nối đuôi nhau đổ đất lấp lòng hồ, chia lô rao bán với giá từ 300 - 350 triệu đồng/sào.

Một chủ đầu tư đất ở đây cho biết, nghe thông tin các trường đại học sắp di dời về đây nên họ cùng một người bạn nữa góp tiền mua hơn 10 sào đất mặt hồ với giá 180 triệu đồng/sào. Chưa đầy một tháng, hai người đã bán được với giá 250 triệu đồng/sào. Tuy nhiên, theo chủ đầu tư này thì thủ tục mua bán đất hồ Đồng Đò rất đơn giản, người mua giao tiền, người bán sẽ bàn giao lại một bản giấy tờ gồm đơn xin chuyển giao lâm lộc, tài sản trên đất lâm nghiệp có chứng nhận của chính quyền xã và hoàn toàn không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nghĩa là sẽ không làm được sổ đỏ.

Vì sao sự việc lấp hồ, xẻ núi đang diễn ra hằng ngày mà không bị chính quyền địa phương xử lý? Chúng tôi sẽ thông tin tiếp đến bạn đọc trong số báo sau.

Trọng Nguyên


Ý kiến của bạn