Lập hồ sơ khống để rút tiền “khủng”

22-07-2016 07:26 | Pháp luật
google news

SKĐS - Ngày 21/7, phiên tòa xét xử đại án tại Ngân hàng Xây dựng Việt Nam (VNCB) tiếp tục làm việc. Tại phiên tòa, đại diện Viện Kiểm sát TP.HCM tiếp tục công bố cáo trạng vụ án Phạm Công Danh và đồng phạm gây thiệt hại hơn 9.000 tỷ, sau đó tòa sẽ thực hiện phần xét hỏi.

Rút hàng ngàn tỷ đồng quá dễ

Trong phần cáo trạng vụ án Phạm Công Danh và đồng phạm gây thiệt hại hơn 9.000 tỷ đồng tại VNCB, công tố viên làm rõ các thủ đoạn mà Danh và đồng phạm dùng để rút hàng chục nghìn tỷ đồng từ một ngân hàng đang hoạt động thua lỗ, âm vốn. Đặc biệt, VNCB thời điểm đó đang bị đặt trong tình trạng kiểm soát đặc biệt, mọi giao dịch có trị giá từ 5 tỷ đồng trở lên đều phải có ý kiến của Tổ Giám sát - Ngân hàng Nhà nước. Thế nhưng, bị cáo Phạm Công Danh vẫn thực hiện được những phi vụ rút tiền nghìn tỷ bằng các thủ đoạn đơn giản. Cụ thể, để qua mặt Tổ Giám sát của Ngân hàng Nhà nước, Phạm Công Danh chấp nhận đề xuất của Phan Thành Mai (nguyên Tổng Giám đốc VNCB) là sẽ rút tiền thông qua việc nâng cấp hệ thống Corebanking. Đây là một trong những nội dung của Đề án tái cơ cấu VNCB đã được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt nên chắc chắn sẽ được thông qua. Sau khi bàn bạc, Mai Hữu Khương soạn thảo hợp đồng khống với nội dung Công ty An Phát (do Phạm Công Danh thuê người khác đứng tên) sẽ cung cấp gói dịch vụ nâng cấp hệ thống Corebanking cho VNCB với giá 252 tỷ đồng. VNCB đã chuyển khoản tạm ứng cho An Phát 63,276 tỷ đồng. Sau đó, Phạm Công Danh cho người rút số tiền này để trả lãi vượt trần, chi chăm sóc khách hàng chứ thực ra không thực hiện dự án nào.

pham cong danhTheo cáo trạng, bị cáo Phạm Công Danh đã thuê nhiều người làm giám đốc các công ty “ma” để rút tiền tỷ.

Tháng 6/2013, cũng để có tiền trả nợ, Phạm Công Danh chỉ đạo Mai Hữu Khương cùng các thuộc cấp lập khống hợp đồng thuê mặt bằng tại số 268 Tô Hiến Thành giữa VNCB với một công ty “ma” khác có tên là Trung Dung (do Phạm Công Danh thuê Nguyễn Văn Bình - lái xe của Thiên Thanh đứng tên Tổng Giám đốc). Với lý do thanh toán tiền thuê mặt bằng, VNCB chuyển khoản cho Trung Dung 201 tỷ đồng rồi Danh rút ra sử dụng. Tương tự, Phạm Công Danh cùng đồng phạm tiếp tục lập hợp đồng thuê trụ sở khống tại 816 Sư Vạn Hạnh để “rút ruột” thêm của VNCB 400 tỷ đồng.

Thuê 12 người  làm giám đốc các công ty “ma”

Liên quan đến vấn đề Phạm Công Danh lập các công ty “ma”, sau đó “thuê” giám đốc để đứng tên vay gây thiệt hại hàng ngàn tỷ đồng, cáo trạng quy buộc 12 bị cáo là giám đốc các doanh nghiệp do Phạm Công Danh lập ra bị truy tố tội vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng. Các công ty thực chất không hoạt động kinh doanh, không có ai ngoài giám đốc, con dấu do Tập đoàn Thiên Thanh giữ. Cụ thể, Hồ Thị Đi được Phạm Công Danh thuê làm Giám đốc Công ty Hương Việt từ năm 2012. Tập đoàn Thiên Thanh trả lương cho Đi từ 5-10 triệu. Tổng số tiền Đi được hưởng là khoảng 275 triệu đồng. Năm 2014, Đi bắt đầu ký các giấy tờ vay tiền cho Phạm Công Danh. Đi được hướng dẫn ký các giấy tờ vay tiền, hồ sơ lập sẵn, sau đó Đi được đưa đến gặp một cán bộ ngân hàng để ký các thủ tục vay 350 tỷ đồng. Tương tự, xuất thân từ bảo vệ cho Tập đoàn Thiên Thanh, Nguyễn Tấn Thành được Phạm Công Danh đưa lên vị trí Giám đốc Công ty Thành Trí cũng nhận lương tổng cộng 240 triệu đồng để ký giấy tờ vay 330 tỷ đồng.

Ngoài ra, trong số các bị cáo được bị cáo Phạm Công Danh “nhờ” đứng tên làm giám đốc để làm hồ sơ vay tiền từ VNCB có 2 bị cáo là vợ chồng là Bùi Thị Hà Thu và Nguyễn An Vinh. Theo cáo trạng, khoảng đầu tháng 12/2010, Thu là nhân viên tại Tập đoàn Thiên Thanh được nhờ đứng tên Giám đốc Công ty Đại Hoàng Phương. Thu đồng ý ký vào các giấy tờ thành lập, đưa chứng minh thư để thành lập công ty. Khoảng đầu năm 2012, Thu được gọi về Tập đoàn Thiên Thanh để ký hồ sơ vay 280 tỷ đồng cho Phạm Công Danh. Khoảng tháng 9/2013, Vinh được nhờ đứng tên giúp làm Giám đốc Công ty Nhất Nhất Vinh. Khoảng đầu năm 2014, Vinh nhận được điện thoại từ Tập đoàn báo lên VNCB Chi nhánh Sài Gòn gặp Mai Hữu Khương, Giám đốc để ký hồ sơ vay tiền, số tiền vay là 420 tỷ đồng. Sau đó việc giải ngân và sử dụng tiền thế nào Vinh không biết.

Trong ngày xét xử tiếp theo, tòa sẽ tiếp tục phần xét hỏi các bị cáo.


T. Vinh - Ngọc Đỗ
Ý kiến của bạn