Vụ việc bà Trần Thanh Dung bị em trai cắt chân khi đang điều trị tại Bệnh viện Xanh Pôn (Hà Nội) rạng sáng 2/1 đã nhận được sự quan tâm lớn của dư luận. Sau sự việc này, an ninh tại bệnh viện càng được thắt chặt hơn...
Bảo vệ tầng 1, khu nhà A1 (BV Xanh Pôn) được tăng cường nhằm siết chặt an ninh bệnh viện. Ảnh: T.G
Sự việc không thể lường trước
Trả lời câu hỏi của PV về quy định của bệnh viện quản lý người thăm, chăm nuôi bệnh nhân, ThS. BS Nguyễn Đình Hưng - Phó giám đốc Bệnh viện Xanh Pôn cho biết, bình thường người lạ vào bệnh viện khá khó khăn vì đã có lực lượng bảo vệ kiểm soát thẻ ra vào.
Còn đối với thân nhân, người trực tiếp chăm người bệnh, bệnh viện quản lý qua thẻ và áo dành riêng cho người nhà. Nhưng trường hợp này, người gây án lại là em ruột của nạn nhân- một người quá thân thích. Đây là sự việc không ai có thể lường trước và phòng ngừa.
BS Hưng cho biết thêm, phải đặt vấn đề này trong bối cảnh an ninh của cả xã hội chứ không đơn thuần là chuyện riêng của bệnh viện nữa. Đây là nơi điều trị bệnh nhân, làm sao để người bệnh có tinh thần thoải mái nhất và không thể cấm người nhà tới thăm nom. Thứ nữa là do tới thời điểm này, nhân viên y tế cũng không thể đủ lực lượng trực 24/24, ngoại trừ một số trường hợp đặc biệt.
Ngay sau khi xảy ra sự việc đáng tiếc,. sáng 2/1 vừa qua, bệnh viện đã thắt chặt an ninh, tăng cường lực lượng và số ca bảo vệ ở các điểm nóng, cửa ra vào được kiểm soát chặt chẽ hơn. Hiện ở Bệnh viện Xanh Pôn vừa có lực lượng bảo vệ chốt tất cả cửa chính, vừa có vệ sĩ can thiệp khi có vụ việc xảy ra.
BS Nguyễn Đình Hưng – Phó Giám đốc BVĐK Xanh Pôn: BV đã tăng cường lực lượng cũng như số ca trực của bảo vệ và vệ sĩ.
Không chỉ dừng lại ở hình thức
Còn ông Phạm Mạnh Thân, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp (Bệnh viện Xanh Pôn) cho biết, tại bệnh viện, đường dây nóng về chuyên môn và an ninh, bảo vệ đã được củng cố lại để có thể tiếp nhận thông tin thông suốt, nhanh hơn trong những trường hợp bất ngờ. “Nhiều người đề nghị đặt camera trong buồng bệnh. Nhưng về luật, chúng tôi không được phép. Đặt camera là vi phạm nhân quyền nếu bệnh nhân không đồng ý. Ngay cả ở nước ngoài, việc chụp ảnh bệnh nhân cũng phải xin phép”, ông Phạm Mạnh Thân cho biết.
Theo Luật sư Dương Kim Sơn – Đoàn Luật sư TP Hà Nội: “Việc lắp đặt camera trong buồng bệnh phần nào đó có thể giúp tăng cường theo dõi và bảo vệ bệnh nhân cũng như nhân viên y tế, nếu bệnh nhân có bất thường về sức khỏe sẽ được hỗ trợ kịp thời; phòng tránh việc bệnh nhân và nhân viên y tế bị đe dọa về tính mạng, thân thể.
Ngoài ra, lắp camera còn giúp hạn chế các sự việc tiêu cực khác như phòng trộm cướp tài sản… Nhưng theo tôi, điều quan trọng hơn là cơ chế vận hành, theo dõi, quản lý camera… như thế nào để nó thực sự đem lại hiệu quả như mong muốn, tức là đảm bảo an ninh bệnh viện, an toàn cho bệnh nhân và nhân viên y tế, chứ không chỉ dừng lại ở vấn đề hình thức”.
Ths Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, trong “Bộ tiêu chí đánh giá chất lượng bệnh viện” đã được Bộ Y tế xây dựng, đưa vào thí điểm thì an ninh trật tự tại bệnh viện là một tiêu chí được đề cập rất rõ tại mục C về an ninh, trật tự và an toàn cháy nổ. Theo kinh nghiệm một số nước, ví dụ ở Singapore, tại khoa cấp cứu, bao giờ cũng có cảnh sát bảo vệ vì đây là nơi hay xảy ra các vụ lộn xộn nhất. (Hoài Nam ghi)
Võ Thu