Liên quan đến những chiếc xe khách BKS nước ngoài mang thương hiệu Interbus Line chạy "chui" tuyến cố định Hà Nội - Sa Pa (Lào Cai) mà Báo Sức khoẻ & Đời sống đã phản ánh trong loạt bài viết: Dẹp 'xe dù bến cóc', gắn biển kiểm soát của Lào hoạt động tại Việt Nam; Xử lý xe khách gắn biển kiểm soát nước ngoài hoạt động tại Việt Nam; Cần đình chỉ hoạt động xe khách gắn biển số Lào hoạt động 'chui' tại Việt Nam… Thanh tra Bộ GTVT và các đơn vị chức năng đã vào cuộc kiểm tra, xử lý.
Về phía Sở GTVT - Xây dựng của tỉnh Lào Cai đã chỉ đạo Thanh tra Sở phối hợp với Phòng CSGT (Công an tỉnh Lào Cai) xây dựng kế hoạch, thành lập tổ công tác cao điểm kiểm tra liên ngành về hoạt động kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô, đặc biệt là các phương tiện vận tải hành khách mang BKS nước ngoài đang hoạt động trên địa bàn.
Theo báo cáo của Sở GTVT - Xây dựng Lào Cai, đơn vị chưa nhận được hồ sơ đề nghị và chưa cấp giấy phép vận tải quốc tế Việt – Lào cho doanh nghiệp, hợp tác xã đóng trên địa bàn tỉnh tham gia kinh doanh vận tải hành khách ở tất cả loại hình tuyến cố định, hợp đồng, du lịch. Vì vậy, Sở chưa cấp giấy phép liên vận Việt – Lào cho phương tiện tham gia các loại hình vận tải hành khách nêu trên.
Mới đây, Tổ kiểm tra liên ngành đã tiến hành kiểm tra, lập biên bản vi phạm hành chính đối với nhiều phương tiện giao thông cơ giới đường bộ gắn biển số nước ngoài (Lào).
Các phương tiện bị xử lý đều có chủ phương tiện là Công ty du lịch Dao Hung (địa chỉ tại Lào) và đơn vị ký hợp đồng vận chuyển là Công ty TNHH Thiên Thảo Nguyên (địa chỉ tại 15/420 phường Khương Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội). Ví dụ xe mang BKS UN 0680; BKS UN 1525...
Đáng nói, có những trường hợp coi thường pháp luật và các cơ quan chức năng khi tài xế điều khiển phương tiện khi bị kiểm tra chỉ xuất trình được đăng ký phương tiện không có bản dịch, không xác định được chủ phương tiện, ngoài ra không xuất trình được bất cứ giấy tờ nào theo quy định.
Công tác quản lý, theo dõi đối với hoạt động của các phương tiện nêu trên cũng gặp nhiều khó khăn. Ví dụ như tình trạng các phương tiện không thông báo cho cơ quan quản lý sở tại nơi đến, Sở GTVT-Xây dựng Lào Cai cũng không được cung cấp tài khoản giám sát phương tiện (camera giám sát hành trình).
Mặt khác, trong quá trình kiểm tra, phương tiện không có các giấy tờ bản dịch trong khi lực lượng Thanh tra giao thông cũng không đủ thẩm quyền dừng xe đối với phương tiện mang BKS nước ngoài đang hoạt động. Do đó, việc kiểm tra, xử lý vi phạm đối với hãng xe Interbus Line gặp khó.
Vì vậy, Sở GTVT - Xây dựng Lào Cai kiến nghị Tổng Cục đường bộ Việt Nam chỉ đạo Sở GTVT Hà Nội kiểm tra hoạt động kinh doanh của Công ty TNHH Thiên Thảo Nguyên để kịp thời xử lý đối với các vi phạm trong việc sử dụng xe khách gắn biển số nước ngoài kinh doanh trên lãnh thổ Việt Nam.
Đồng thời đề nghị Cục CSGT chỉ đạo Đội TTKS giao thông đường bộ cao tốc số 1 tăng cường công tác kiểm tra, xử lý các phương tiện vận tải khách mang BKS nước ngoài lưu thông trên tuyến cao tốc Nội Bài – Lào Cai.
Nhiều vụ TNGT thảm khốc liên quan đến xe biển Lào
Mới đây nhất, khoảng 21h tối 23/4/2022, một chiếc xe tải mang BKS Lào, chở hàng lưu thông trên QL12A theo hướng Cửa khẩu Quốc tế Cha Lo về trung tâm huyện Minh Hóa, Quảng Bình. Khi đến vị trí Ngã ba tượng đài thuộc bản Bãi Dinh, xã Dân Hóa, bất ngờ lao vào nhà người dân ở bên đường. Hậu quả khiến 3 người chết, 1 người bị thương.
Năm 2021, ngày 11/5, chiếc xe tải biển Lào khác chở đầy gỗ củi lưu thông trên đường tránh Tây hướng thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk đi huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông. Đến vòng xoay đường Phạm Ngũ Lão - tránh Tây cũng bất ngờ mất lái tông vào xe ô tô 5 chỗ BKS 47A - 114.84 do một phụ nữ điều khiển, lưu thông từ đường tỉnh lộ 5 xã Ea Bar, huyện Buôn Đôn vào trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột, khiến người này tử vong tại chỗ.
Trước đó, năm 2019, chiếc xe ôtô tải chở sắt vụn biển Lào BKS UN-8500 cũng gây ra vụ tai nạn thảm khốc với ô tô khách biển kiểm soát 27B-003.71 tại Hòa Bình làm 40 người bị thương.
Báo Sức khỏe & Đời sống sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.