Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là Phó Trưởng ban. Các ủy viên gồm: Đại diện lãnh đạo các Bộ: Công Thương, Công an, Ngoại giao, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Thông tin và Truyền thông, Giao thông vận tải, Tài nguyên và Môi trường, Bộ Quốc phòng, Y tế, Khoa học và Công nghệ; đại diện lãnh đạo Văn phòng Chính phủ; Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam; đại diện lãnh đạo: Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Trung ương Hội nông dân Việt Nam, Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam; đại diện lãnh đạo Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389 quốc gia).
Cục Thú y là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch bệnh Dịch tả lợn Châu Phi.
Ban Chỉ đạo có nhiệm vụ giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, điều hòa phối hợp giữa các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các cơ quan có liên quan trong việc phòng, chống dịch bệnh Dịch tả lợn Châu Phi trên toàn quốc.
Bên cạnh đó, giúp Thủ tướng Chính phủ phối hợp giữa các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ với các cơ quan của Đảng, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân nhằm huy động nguồn lực tham gia và hỗ trợ thực hiện kế hoạch khẩn cấp phòng, chống dịch bệnh Dịch tả lợn Châu Phi; tổ chức thực hiện và đôn đốc kiểm tra các Bộ, ngành và địa phương thực hiện kế hoạch phòng, chống dịch bệnh Dịch tả lợn Châu Phi.
Các thành viên Ban Chỉ đạo làm việc theo chế độ kiêm nhiệm, chịu trách nhiệm trước pháp luật và Trưởng ban. Trưởng ban, Phó trưởng Ban Chỉ đạo sử dụng con dấu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Các thành viên Ban Chỉ đạo được sử dụng bộ máy tổ chức và con dấu của đơn vị mình để thực hiện nhiệm vụ theo sự phân công của Trưởng ban Chỉ đạo. Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo, các thành viên Ban Chỉ đạo được sử dụng bộ máy tổ chức và con dấu của đơn vị mình để thực hiện nhiệm vụ theo sự phân công của Trưởng ban.
Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, bệnh tả lợn châu Phi là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do vi rút African swine fever virus (ASFV) gây ra, bệnh có đặc điểm lây lan nhanh trên loài lợn, ở tất cả các loại lợn với tỉ lệ lợn chết cao, lên đến 100%. Bệnh lây truyền qua các đàn lợn thông qua việc tiếp xúc với máu, dịch nhầy của lợn bệnh. Trong năm 2018, nhiều nước thuộc châu Phi, châu Âu và châu Á đã ghi nhận các vụ dịch bệnh tả lợn châu Phi ở các đàn lợn.
Do dịch bệnh có những tác động rất lớn đối với các đàn lợn và kinh tế người dân nên cần triển khai quyết liệt các biện pháp ngăn chặn và kiểm soát sớm dịch bệnh trên các đàn lợn; tuy nhiên, dịch bệnh này không gây bệnh trên người do đó, người dân cần bình tĩnh, không nên hoang mang tẩy chay tiêu dùng các sản phẩm thịt lợn an toàn, không bị bệnh dịch và được chế biến hợp vệ sinh.