Cái Thủy điện Sông Ðà không chỉ sản xuất ra điện mà còn sinh ra không ít chính khách và đặc biệt là đã đẻ ra một đám các nhà văn, nhà thơ. Ðó là Vũ Hữu Sự, Phạm Sông Hồng, Giáng Vân, Nguyễn Lương Ngọc, Dương Kiều Minh, Trần Quang Hải... và đặc biệt là Tạ Duy Anh, gã “thợ cày” đang làm ăn phát đạt trên cánh đồng chữ nghĩa. Chỉ riêng năm 2012, Tạ Duy Anh đã ra 3 đầu sách (Lãng du, Tự truyện và Sống với Trung Quốc) cỡ 1.500 trang.
“Cậu chạy vụ này hết bao nhiêu?”
Phải tới cách đây dăm năm, tôi mới đọc văn chương của Tạ. Nguyên nhân là do cái tính trái khoáy của tôi. Với những người gần gũi, thân thiết, tôi rất ngại đọc văn của họ vì một lý do là lỡ họ sống rất tốt với cuộc đời nhưng văn chương của họ lại nhạt, lại kém thì biết đâu mình sẽ vì ghét văn mà ghét lây cả sang người. Còn ngược lại, với những người sống tầm phào, nhạt nhẽo nhưng văn chương lại tài, lại hay thì biết đâu vì ghét người lại ghét lây sang cả văn chương. Vì thế, khi cả hai đã gần đến cái tuổi tri thiên mệnh, lại thân thiết cả hai mươi năm có lẻ nên đủ bình tâm, tĩnh trí, không còn sợ tác động ngoại cảnh nữa, tôi mới đọc Tạ Duy Anh. Đọc và sửng sốt…
Truyện ngắn đầu tiên Tạ Duy Anh in trên báo Lao động nhằm “dạy dỗ, bảo ban” thiên hạ về một tương lai tươi sáng có tên là Để hiểu một con người được viết dưới ánh sáng của ngọn đèn dầu ma-zút tự tạo, khói bay như hun chuột. Ngày ra báo, Tạ sợ bắn người vì lỡ họ về điều tra bảo mình viết... bịa. Sau này, báo Lao động in liên tiếp 4 truyện ngắn nữa của Tạ khiến có một nhà văn ở tỉnh hỏi: “Cậu chạy vụ này hết bao nhiêu?”.
“Á à, nhà văn Việt Nam đấy!”
Giống như Nguyễn Huy Thiệp, Tạ Duy Anh là người khá vô duyên với giải thưởng. Thật ra, Tạ với giải thưởng như hai kẻ lệch duyên. Nó không ưa Tạ mà ngược lại, Tạ cũng chả ưa gì nó. “Sách của tôi á? Nó chỉ đáng đọc xong rồi vứt. Còn giải thưởng của Hội Nhà văn thì nói thật nhé, tôi không bao giờ có ý định tham gia vì chưa bao giờ coi đấy là một giải danh giá”, Tạ nói.
Đối với văn phòng Hội Nhà văn Việt Nam - cơ quan chủ quản của NXB Hội Nhà văn nơi Tạ làm việc, gần 20 năm công tác, Tạ mới đến đúng 4 lần: Một lần đến nhận thẻ; Một lần đến nhận tài trợ cách đây khoảng gần 20 năm khi qua một trận ốm nặng; Một lần dự hội thảo cuốn Thời gian ăm tôm hùm của một tác giả Hàn Quốc do Tạ biên tập và một lần sang tìm bạn bè gì đó.
Ngay các kỳ đại hội Tạ cũng không đi. “Tôi biết sự vô bổ của tất cả những điều mà người ta sẽ nói ở đây. Những cái đó chẳng mang lại gì và chẳng tạo ra được sự tiến triển nào cho văn chương cả. Danh hiệu hội viên còn mang đến nhiều lợi ích vật chất quá. Ví dụ như có người hôm trước chưa là hội viên thì địa phương chẳng coi ra gì cả nhưng sau khi vào Hội rồi thì người ta bảo: Á à, nhà văn Việt Nam đấy. Thế là họ cho hưởng ưu đãi nọ, ưu đãi kia. Tức là cái danh hội viên Hội Nhà văn Việt Nam được dùng làm công cụ kiếm sống. Với tôi, vào hội cũng chẳng sang hơn hay hèn mình đi”.
Giời không cho chết sớm thế đâu!
Cách đây gần 20 năm, Tạ bị nghi là ung thư dạ dày. Các y bác sĩ với máy móc hiện đại kết luận thế và họ hàng, bè bạn ai cũng tin. Chỉ có một người duy nhất không tin vào điều đó là Tạ. Tôi gọi điện đến hỏi thăm, Tạ bảo: “Máy móc bố láo. Tôi chết thế chó nào được. Ông hãy tin giời không cho chúng ta chết sớm thế đâu vì để giời còn hành chúng ta và chúng ta còn phải hành giời chứ”.
Sau này, Tạ kể rằng: “Hồi ấy tôi không tin là mình lại chết sớm thế. Dứt khoát không tin. Lúc ấy, tôi rất bình tĩnh, không một ai gặp tôi mà lại đoán được là tôi đang mang trọng bệnh. Tôi cũng có một niềm tin nữa là thời gian ấy tôi nằm mơ liên tục, thấy các cụ, đặc biệt là bà nội. Tôi mơ nhiều lần thấy bà nội nói: Con không bị bệnh đó. Nhưng cũng có lúc tự nhiên thấy trời nổi cơn giông thì tôi lại rất buồn. Buồn vì nhỡ điều mình tin không đúng thì sao. Và tôi tiếc. Tiếc vì mình còn nhiều việc muốn làm mà chưa kịp làm. Khi đối diện thực sự với cái chết, tôi mới nhận ra cái gì là cái quan trọng, đích thực. Những ước ao như được nổi tiếng, giàu có... mất sạch mà chỉ khát khao được sống, các buổi chiều được dắt con đi chơi (lúc ấy con trai út của tôi mới được 7 tháng)”.
Khốn nạn nhất là chưa chết đã bị lãng quên
Tạ vốn là người tử tế thì sau lần đối diện với cái chết, Tạ sống càng nhân ái, vị tha. Với anh, tất cả những sự huếnh hoáng, háo danh, vụ lợi... là thê thảm, hài hước. Những việc tranh giành quyền lợi, tìm mọi cách nhờ người này người kia lăng-xê tác phẩm trở nên vớ vẩn. Được đối mặt với cái chết trở thành một sự ân sủng lớn với anh. Anh hướng nội nhiều hơn và cũng lặng lẽ hơn.
- Anh đố kị tức là anh chưa tin vào tài năng của anh. Tôi không tin những người hay đố kị có tài năng thực sự. Một nền văn học vĩ đại không bao giờ chỉ nhờ một vài nhà văn vĩ đại mà nó phải được tích tụ từ nhiều cá nhân lớn. Một đất nước có hồng phúc là đất nước có nhiều tài năng lớn và những tài năng đó chấp nhận nhau, kính trọng nhau. Giả dối và vụ lợi không bao giờ là bản chất của kẻ sĩ, của nhà văn có nhân cách - Tạ nói - Anh phải trung thực với anh, với trời, với người... Đối với cái anh nhà văn, trung thực lớn nhất là trung thực với trang viết của mình, không được uốn éo, không được đóng kịch, không được tự lừa mình và lừa mọi người. Một nhân cách lớn chưa chắc đã là một tài năng lớn nhưng một tài năng lớn thì chắc chắn là một nhân cách lớn.Tính đố kị như một thứ thiên tạo. Nó giống như một con rắn, ai cũng có và lúc nào con rắn ấy cũng chỉ chực ngóc đầu dậy. Tôi luôn nhắc mình rằng hãy cẩn thận đừng để con rắn trong mình ngóc đầu dậy.
- Ông nghĩ sao khi một số nhà văn luôn đòi hỏi sự kính trọng nhưng bản thân họ lại không đáng được nhận?
- Làm sao bắt người ta kính trọng cái mà người ta không coi ra gì được. Là nhà văn thì anh phải làm việc và phải dám cô độc để làm việc, dám đi một mình một đường và dám chấp nhận tất cả. Khốn nạn nhất của nhà văn là chưa chết mà đã bị quên lãng.
“Sinh ra cho phí của giời!”
Thiên hạ nhìn đám văn chương luôn bằng con mắt nghi kị về lòng chung thủy. Lý do là họ chưa gặp Tạ Duy Anh. Nếu gặp dù chỉ một lần, chắc chắn họ sẽ không còn nhìn nhận như đã từng nhìn nhận, nghi kị như đã từng nghi kị. Tạ Duy Anh là điển hình của mẫu người chồng chỉn chu, thủy chung và người cha mẫu mực. Không như hầu hết các văn nghệ sĩ thích la cà quán xá, Tạ thích nhất là về nhà ăn cơm với con, lên giường với vợ. Nhà văn Y Ban từng tặng Tạ hai câu oán thán: “Sinh ra cho phí của giời - Cơm nhà, của vợ biết đời nào khôn”. Tạ chỉ cười, nhận mình là dại, là đồ phí của! Đi với Tạ nhiều lần, có cả những chuyến công tác cả tuần, tôi chưa bao giờ thấy Tạ Duy Anh tán tỉnh, cưa kéo dù là lời nói với bất cứ cô gái nào. Những trò như mát-xa mát gần hay karaoke thì tuyệt nhiên không. Có lần, Tạ kể thật: “Nói thật với ông, không hiểu sao tôi chỉ có... hứng với vợ”.
Đối với con cái, Tạ không phải là người cha yêu con mà là cuồng tín con. Đi công tác xa, việc đầu tiên khi thức dậy mỗi buổi sáng là gọi điện về nhà. Mỗi ngày, Tạ gọi về nhà không dưới 10 lần và các con Tạ cũng gọi lại tương đương như thế nữa. Những cuộc tụ tập, dù vui vẻ đến đâu nhưng cứ đến giờ đón con là Tạ Duy Anh đứng dậy. “Tôi không để con tôi chờ tôi được”. Và thế là Tạ lên xe chuồn thẳng.
Vì quá yêu con nên Tạ rất sợ con ốm. Mặc dù chúng đang mạnh khỏe, Tạ cũng tưởng tượng ra mọi thứ bệnh rồi lo đủ mọi thứ. Về mặt này, giời cũng lại cho Tạ. Những đứa con Tạ khỏe khoắn, thông minh và sáng sủa.
Nhiều khi tôi tự hỏi: Cái thằng cha này vợ đẹp, con khôn, nhà lầu, xe hơi mà văn chương vẫn hay phải chăng cũng là... sự lạ!
Bùi Hoàng Tám