Hà Nội

Lao ruột dễ bị bỏ qua, tại sao?

07-08-2009 16:34 | Tin nóng y tế
google news

Trong các bệnh về lao thì lao ruột thường dễ bị bỏ qua vì bản thân người bệnh chủ quan, cho rằng mắc các bệnh về đường tiêu hóa. Lao ruột thường gặp là lao thứ phát sau lao phổi, lao thực quản, lao họng hầu, lao màng bụng.

Trong các bệnh về lao thì lao ruột thường dễ bị bỏ qua vì bản thân người bệnh chủ quan, cho rằng mắc các bệnh về đường tiêu hóa. Lao ruột thường gặp là lao thứ phát sau lao phổi, lao thực quản, lao họng hầu, lao màng bụng. Vi khuẩn lao đến ruột chủ yếu bằng đường tiêu hóa được khu trú ngay ở ruột rồi sau đó mới đến các đường khác như đường máu, mật...

Trực khuẩn lao.

Bệnh lao ruột thường xuất hiện ở người trong độ tuổi lao động, nhất là lứa tuổi 30-55. Các tác nhân gây bệnh gồm vi khuẩn lao ở người và các loại khuẩn lao của bò, chim... Chúng xâm nhập trực tiếp qua đường ăn uống, chủ yếu do dùng sữa bò tươi và các chế phẩm của sữa có trực khuẩn lao bò, bú sữa mẹ, sử dụng thức ăn và nước uống nhiễm trực khuẩn lao. Trong nhiều trường hợp, bệnh xuất hiện do vi khuẩn từ một ổ lao khác (đặc biệt là phổi) trên cơ thể đi qua đường máu, đường mật để vào ruột.

Triệu chứng:

Thời kỳ khởi phát: Bệnh nhân cảm thấy mệt mỏi nhất là về chiều, hay bị toát mồ hôi, cơ thể gầy sút nhanh, xanh xao. Các triệu chứng về tiêu hóa bắt đầu xuất hiện như đại tiện phân lỏng kéo dài. Bụng đau âm ỉ, có cảm giác bụng bị sôi. Người gầy sút rất nhanh, da dẻ xanh xao, cảm thấy mệt mỏi về chiều, hay bị ra mồ hôi trộm.

Làm xét nghiệm máu thấy bạch cầu limpho tăng cao, tốc độ lắng máu tăng. Tìm thấy trực khuẩn lao trong phân. Nội soi bằng ống mềm có thể thấy:

Các hạt lao như những hạt kê màu trắng rải rác trên niêm mạc.

Những ổ loét nông, bờ mỏng, màu tím bầm, có thể có chảy máu ở bờ hoặc đáy ổ loét.

Hoặc một khối u, mặt không đều, thâm nhiễm hết vùng manh tràng (thường làm hẹp nhiều ở lòng manh tràng, không thể đưa ống soi qua được). Kết hợp trong khi soi, sinh thiết những nơi có bệnh tích nghi ngờ tổn thương lao để xác định bằng mô bệnh học.

Chẩn đoán bệnh:

Dựa vào các hội chứng sau:

Hội chứng tổn thương ruột: Bệnh nhân bị đau bụng, trướng hơi, có dấu hiệu Koenig. Cơ thể gầy sút nhanh, không muốn ăn, đi đại tiện phân lỏng có nhầy, máu. Xquang, ruột: tiểu tràng có chỗ to, chỗ hẹp, đại tràng có thành dày cứng, nham nhở. Soi và sinh thiết ruột thấy tổn thương lao ở thành ruột.

Hội chứng nhiễm lao: Bệnh nhân sốt về chiều, người mệt mỏi, hay bị ra mồ hôi trộm. Xét nghiệm máu thấy lympho tăng, máu lắng tăng. Mantoux ( ) rõ rệt. Tìm thấy trực khuẩn lao trong phân...

Điều trị

Hiện phương pháp DOTS (điều trị ngắn hạn có kiểm soát trực tiếp) đang được áp dụng phổ biến. Bệnh nhân được dùng phối hợp 4 thứ thuốc (đối với lao mới) hoặc 5 thứ thuốc (đối với lao điều trị thất bại). Việc phẫu thuật chỉ được áp dụng trong trường hợp lao ruột có biến chứng (hơn 80% trường hợp biến chứng phải can thiệp bằng phương pháp này).

Phòng bệnh

Bệnh nhân bị lao phổi không được làm xét nghiệm rất dễ nhầm với một số bệnh như tiêu chảy, ung thư manh tràng, áp-xe ruột thừa. Biến chứng của lao ruột rối loạn tiêu hóa, làm hẹp ruột, nặng hơn có thể gây bán tắc hoặc tắc ruột, thủng ruột. Viêm phúc mạc do thủng ổ loét. Xuất huyết ở ruột do vỡ mạch máu ở ổ loét. Bệnh lâu ngày không được phát hiện và điều trị sẽ làm cho người bệnh suy kiệt và có thể dẫn đến tử vong. Trực khuẩn lao khi đến ruột sẽ gây tổn thương, viêm loét đại tràng, ruột non. Để phòng lao ruột, cần giữ vệ sinh trong ăn uống, sinh hoạt, không sử dụng sữa bò tươi chưa qua xử lý. Khi có các biểu hiện bệnh, phải đi khám để được chẩn đoán và điều trị kịp thời, hiệu quả nhất. Trong quá trình điều trị, bệnh nhân cần có một chế độ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng. Ăn đủ chất, nhất là đạm, vitamin, không nên ăn nhiều thức ăn dạng bột.

BS. Nguyễn Thanh Hiền


Ý kiến của bạn