Hôm ấy, cả đoàn nhà văn đi vãn cảnh đền Đô. Tài chụp ảnh của Trần Đăng Khoa - trong bài này tôi sẽ gọi với cái danh xưng mà nhà thơ ưa dùng là lão Khoa - thì bạn văn nhiều người biết nên trao gửi… tấm thân cho lão thì lấy làm tin cậy lắm. Hôm đó, lão để chế độ âm bản chứ không phải là đen trắng đơn thuần nên khi nhìn qua ống kính khá lạ và đẹp mắt. Chẳng ngờ, Y Ban hôm đó mặc cái quần xanh bó sát nên khi chụp chế độ đó thì lên ảnh cứ như là… cởi truồng vậy.
Chả hiểu lúc chụp lão Khoa đã biết điều đó chưa, nhưng tối về post lên facebook, lão nắc nỏm bình luận: Bây giờ nhìn kỹ mới biết nhà văn nổi tiếng Y Ban giờ đã thành Bà Từ giữ đền lại không mặc quần. Y Ban: Nhà cháu cũng đang định bắt đền nhà bác đấy, rõ ràng có mặc quần mà lại thành không mặc quần, ơi anh Trần Đăng Khoa ơi. Lão Khoa: Lão rất nghiêm túc nhưng cái máy ảnh của lão nó hư thân mất nết quá.
Sau đó, lão ấy cứ thắc thỏm tự khen lão ấy tài, là tài chụp ảnh đẹp chứ không phải tài… lột… Y Ban bằng ánh sáng. Lão ấy còn hứa in ra ảnh gỗ cho chị. Nhưng phải công nhận ngoài cái sự cố ấy ra thì ảnh lão đẹp thật, trông cứ như ở cố Cung Hàn Quốc - Nhà văn Y Ban kết luận.
***
Trần Đăng Khoa mê chụp ảnh cũng như mê công nghệ. Chẳng hạn như vi tính, lão kinh ngạc khi có những nhà văn dị ứng với công nghệ, bảo rằng nhìn chữ viết tay mới có xúc cảm. Nó chả khác gì câu chuyện Tất cả chỉ tại con ruồi của Aziz Nesin, kiểu như cái anh lúc nào cũng chỉ biết đổ lỗi cho bên ngoài về những thất bại hay là sự kém thích ứng của bản thân ấy mà. Ảnh thì lão ham hố đã hơn 10 năm nay.
Nhưng nhà thơ cho biết: Mình đam mê thực dụng lắm. Máy ảnh đời mới ra liên tục, nhiều cải tiến, cũng bị hấp dẫn lắm nhưng không chạy theo. Máy ảnh cũng như vi tính chỉ là phương tiện chuyển tải cái ở trong đầu mình. Người sử dụng thành thạo vi tính không có nghĩa là thông minh hơn kẻ viết bút máy. Nguyễn Du viết Kiều bằng bút lông, bây giờ vi tính đọ sao được. Tóm lại là công nghệ rất cần thiết cho chúng ta, không nên từ chối nó. Nhưng nó không thay thế được con người, mãi mãi là như thế.
Chùa Thầy qua ống kính lão Khoa.
Lão Khoa bảo mình chỉ là người chụp chơi, tiện đâu chụp đấy. Lão không có ý thức đi chụp ảnh mà là đi chơi mang theo máy ảnh. Buông hết mình khi cầm máy - cái gì cũng chụp miễn là cảm thấy có hứng. Có khi ngồi giữa hội nghị, lão giơ máy lên tỉa mấy vị chủ tịch đoàn mà chả ai hay biết. Mà ảnh lại đẹp hẳn hoi, ra cái thần thái của nhân vật. Nhiếp ảnh mà đạt tới cảnh giới đó, không dễ. Hơn chục năm cầm máy chụp chơi, nhà thơ thần đồng ngày nào chắc đã phải xây kho đựng ảnh. Ảnh chụp chân dung của tôi ra chất hơn một số vị nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp, lão tự tin. Sục vào kho ảnh của lão, tôi cũng tự tin công nhận điều này, bởi vì do đặc thù công việc, tôi đã xem số lượng ảnh không đếm được của rất nhiều nhà nhiếp ảnh trong nước và thế giới. Ảnh Khoa chụp cũng duyên như con người lão vậy.
Xem ảnh thấy người chụp nắm bắt được tâm lý con người, chớp được những biểu cảm trong thoáng chốc. Ảnh phong cảnh được lão đưa lên facebook từng chùm với tên chung giản dị. Như là: Lão Khoa ngắm làng Đôn Thư qua ống kính đen trắng, Chùa Thầy trong mắt lão Khoa, Căn nhà quê của lão Khoa - thử chụp đen trắng… Sắc độ tinh tế của ảnh đen trắng và chắc là còn cả do con mắt thơ khiến những bức ảnh cứ như là được chụp trong một đêm trăng thơ mộng. Hỏi thì mới biết, toàn bộ ảnh được chụp vào ban ngày, nắng chói nắng chang, chả có gì là lãng với mạn như tưởng tượng của người xem.
Ấy thế nhưng ảnh của lão Khoa cho người xem cảm giác thanh tao, yên bình khi trời và đất đều cùng dịu lại. Quê mình đẹp mà, lão Khoa khẳng định, vẻ như không đếm xỉa gì đến sự trầm trồ của người xem ảnh mình. Thật khó giữ bản thân để không bước vào cảnh quan tuyệt đẹp này. Cũng như ở Nga vậy, cảnh vật quá đẹp. Chỉ cần nâng máy, chọn góc độ/khuôn hình là thành tranh Levitan. Đang nói về quê Việt, lão lại ngoắt sang nước Nga. Kể cũng không có gì là vô lý bởi vì đó là nơi lưu giữ cả một thời tuổi trẻ của lão.
Nơi ấy, từ những năm tám mươi, lão ở cùng với nhà nhiếp ảnh nổi tiếng Dương Minh Long. Hai người thân nhau. Long sống được bằng tiền bán ảnh. Hắn mua tranh cổ 5 rub một bức, rồi vứt tranh đi nhét ảnh phong cảnh Nga vào bán 50 rub một bức. Lãi lớn. Hắn bán ở phố Arbat. Còn tôi không bao giờ nghĩ chuyện chơi ảnh. Chỉ ngửi mùi thuốc tôi đã thấy mệt - Lão Khoa hồi nhớ. Thời bấy giờ, người ta đa số chụp ảnh đen trắng, chụp xong còn phải tự tay làm ảnh trong buồng tối, nào tráng, nào rửa. Lúc đó lão Khoa đã có một chiếc Zenit của Nga rồi nhưng cũng chả nghĩ đến việc chụp choẹt như sau này. Bây giờ thì mê quá rồi, trong nhà lão có hẳn 4 tủ đựng máy ảnh. Nào là Pentax, Sony, Fujifilm, Olympus, Leica…
Nhiếp ảnh say hơn ma túy. Ảo diệu lắm. Lão Khoa khẳng định như vậy. Rồi phân tích, có 3 cấp độ: Máy chụp/ Người chụp/Nghệ sĩ chụp. Vẻ như lão đã đạt cấp độ Nghệ sĩ chụp, dù lão trước sau vẫn khăng khăng chụp chơi đấy chứ. Mà lão đang “dính chưởng” của nhiếp ảnh thật, có thể nói hàng giờ không biết chán chỉ với một chủ đề này. Nào là máy móc đời mới bây giờ nó ra làm sao, tốc độ/ánh sáng/chống rung... kỳ bí như thế nào. Nào là chụp chân dung thì phải chú ý những gì, chụp ông lão khác mà chụp các cô các chị đang độ xuân tình lại phải sử dụng kỹ thuật gì. Hỏi lão không có ảnh nới thơ (có mới nới cũ) đấy chứ, lão cười kha kha: Thơ với ảnh song hành mà.
Lão Khoa ngắm làng Đôn Thư qua ống kính đen trắng.
Suy cho cùng, thơ hay ảnh thì cũng vút ra từ một tâm hồn nhạy cảm, dễ rung động hơn người. Công nghệ hiện đại cũng chỉ là bệ phóng cho những xúc cảm tinh tế. Bởi thế, tôi sẽ rút kinh nghiệm, không bao giờ hỏi khó nhà thơ kiểu anh mê thơ hay ảnh hơn nữa. Con người phong phú như lão Khoa, chưa biết chừng cũng không dừng lại ở một loại hình nghệ thuật nào. Như nhà thơ Mai Nam Thắng đã từng dọa: Mai mốt lão Khoa còn ký họa nữa cơ.
Còn tôi, mỗi khi hình dung những bức ảnh có thanh tao/có hồn hậu, duyên như con người lão, không hiểu sao lại nhớ đến một đối thoại rất gần đây giữa chúng tôi: “Em nghe thiên hạ đồn, lão giới tính… không bình thường”. “Mù hết”, lão Khoa khẳng định ngay lập tức, kèm theo một cái vung tay mạnh mẽ, đấm… lên giời.
Tạm thời bây giờ tôi vẫn chưa tự trả lời được câu hỏi “thiên hạ đồn” đó. Nhưng nhìn thân hình choằn choằn của lão mà bắt hình dong thì nói như các cụ, nhiều khả năng là thiên hạ đặt điều thật. Tuy nhiên, tôi vẫn sẽ không bỏ qua vấn đề này. Biết đâu Tết năm sau, tôi lại viết bài: Lão Khoa không thích… đàn bà.
Biết đâu! Biết đâu đấy!