Theo nội dung video, thời điểm tàu đến kéo còi cảnh báo, người dân và các chủ kinh doanh đã yêu cầu du khách đứng vào vùng an toàn. Tuy nhiên, cô gái bất ngờ lao ra, đứng trên đường ray định tạo dáng chụp ảnh. Lúc này, một người đàn ông đã lao ra kéo nữ du khách vào bên trong.
Hình ảnh cắt từ video lan truyền trên mạng xã hội.
Nhiều ý kiến cho rằng, hành động của cô gái nêu trên vô cùng nguy hiểm, chỉ một sơ suất nhỏ cũng có thể làm mất đi cả sinh mạng của mình. Tuy nhiên, đáng lo khi một số người lại "hùa theo" vì muốn có bức hình bắt được khoảnh khắc đẹp cũng cần phải mạo hiểm. Hay có người còn cho rằng, hành động của cô gái nêu trên cũng chỉ giống như chơi những trò chơi mạo hiểm như leo núi, lướt ván…
Lao ra đường ray để chụp ảnh khi tàu hỏa đang đến được xếp vào mục "Cấm - không lý do"
Trao đổi với PV Báo Sức khỏe và Đời sống, TS. Vũ Thu Hương, nguyên giảng viên khoa Giáo dục tiểu học, Đại học Sư phạm Hà Nội cho rằng, hành động của cô gái trong sự việc nêu trên vô cùng nguy hiểm, được xếp vào mục "Cấm - không lý do". Bất kể hành vi nào uy hiếp an toàn giao thông cũng cần được xếp vào loại cấm thực hiện ở bất kể nơi đâu, dù ở Việt Nam hay các nước khác trên thế giới.
"Những hành động này không chỉ thể hiện sự coi thường pháp luật, coi thường tính mạng bản thân mà còn gây nguy hiểm cho rất nhiều người khác. Do vậy, không lý do gì có thể bao biện cho những hành vi này", TS. Vũ Thu Hương nêu quan điểm.
Theo TS. Vũ Thu Hương, hành động của cô gái nêu trên cũng không thể "đứng chung" với các trò chơi mạo hiểm, bởi các trò chơi mạo hiểm sẽ được tổ chức với sự đảm bảo an toàn ở mức tối đa. Hơn nữa, hầu hết các trò chơi mạo hiểm đều đã được tính toán đến các rủi ro, có những thiết bị phòng vệ để giảm thiểu nguy cơ cho người chơi.
Đặc biệt, các trò chơi mạo hiểm luôn được thiết kế và xây dựng thế nào để tránh gây ảnh hưởng đến người khác. Chỉ duy nhất người chơi sẽ phải đối mặt với 1 số rủi ro nhất định để tạo cảm giác mạnh cho người chơi, còn những người xung quanh đều phải được an toàn tối đa và không bị làm phiền dưới mọi hình thức.
Cà phê phố đường tàu là một điểm được nhiều du khách yêu thích. Ảnh: Phúc Đức.
"Có thể thấy rõ, đùa nghịch nơi đường ray tàu hỏa khi tàu đang tới không phải là 1 trò chơi mạo hiểm, bởi vì không hề được tính toán đảm bảo an toàn cho người chơi. Ngoài ra, hành vi này cũng gây nguy hiểm cho hàng ngàn người đang ở trên con tàu này", TS. Vũ Thu Hương khẳng định.
TS. Vũ Thu Hương cũng cho rằng, để đảm bảo an toàn đường sắt, những quán xá khu vực này cần được xử lý nghiêm. Đồng thời kiến nghị các cơ quan chức năng cần có những chế tài xử lý hình sự đối với những cá nhân gây nguy hiểm cho các chuyến tàu.
Đồng quan điểm, nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Hùng Vĩ, nguyên giảng viên khoa Văn học, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQG Hà Nội) khẳng định: "Chụp ảnh trên đường ray khi đoàn tàu đang đi đến là hành vi phản văn hóa".
Theo ông Nguyễn Hùng Vĩ, một số người trẻ hiện nay có những hành động bất chấp sự nguy hiểm của bản thân và những người xung quanh, hay cố tình bỏ qua những quy định của chính quyền, của pháp luật để hành động theo sở thích của mình.
"Ai cũng muốn ghi lại những kỷ niệm, những dấu ấn trong cuộc đời, nhưng cần phải nghĩ "dài" hơn. Đừng chỉ vì một bức ảnh để đăng lên mạng xã hội, để đâu like…, mà mạo hiểm cả tính mạng hay để ảnh hưởng đến những người xung quanh.
Để có dấu ấn trong cuộc đời thì cứ làm việc thật tốt, làm những việc thiện…, trở thành một người được tôn trọng trong xã hội thì chắc chắn sẽ đáng quý hơn rất nhiều", nguyên giảng viên khoa Văn học, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn nói thêm.
Phố cà phê đường tàu, đoạn từ Trần Phú đến Phùng Hưng (quận Hoàn Kiếm) là địa điểm thu hút đông du khách trong nước và quốc tế. Nơi đây xuất hiện trên nhiều trang tin, báo chí thế giới vì sự độc đáo, mới lạ.
Tuy nhiên, từ ngày 15/9/2022, cơ quan chức năng tiến hành lập rào chắn, chốt chặn hai đầu lối vào xóm cà phê đường tàu nằm trên đường Trần Phú và Phùng Hưng sau văn bản yêu cầu "xử lý dứt điểm tình trạng buôn bán, chụp ảnh tại các tụ điểm cà phê đường tàu" của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam.
Dù có rào chắn, biển cảnh báo và lực lượng bảo vệ an toàn đường sắt túc trực song du khách vẫn dễ dàng vào phía trong nhờ sự hỗ trợ của chủ hay nhân viên quán cà phê.
Năm 2023, quận Hoàn Kiếm từng yêu cầu các phường Hàng Bông, Cửa Nam, Cửa Đông, Hàng Mã, Đồng Xuân tuyên truyền, vận động các hộ dân sinh sống tại khu vực hành lang giao thông đường sắt chấp hành nghiêm Luật Đường sắt, đảm bảo an ninh, an toàn hành lang giao thông đường sắt.
Công an quận chỉ đạo công an phường tiếp tục lập rào chắn, biển cảnh báo và tổ chức lực lượng chốt trực, không để du khách đi vào, ăn uống, quay phim, chụp ảnh... tại khu vực hành lang an toàn giao thông đường sắt.