Lao ở mắt: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng bệnh

23-09-2024 13:36 | Tra cứu bệnh

SKĐS - Lao ở mắt là một biểu hiện ngoài phổi hiếm gặp của nhiễm trực khuẩn lao Mycobacterium tuberculosis. Bệnh lao ở mắt có thể ảnh hưởng đến bất kỳ bộ phận nào của mắt nên các triệu chứng rất đa dạng và dễ nhầm lẫn với các bệnh lý khác của mắt.

Lao ở mắt là một bệnh do trực khuẩn lao Mycobacterium tuberculosis gây ra. Bệnh có nhiều cách lây truyền khác nhau và có thể lây nhiễm hầu như mọi mô mắt. 

Bệnh lao ở mắt có triệu chứng rất da dạng rất giống với các bệnh lý khác về mắt, do đó việc chẩn đoán bệnh lao ở mắt tương đối khó khăn nên điều trị thường muộn khi các tổn thương lan tỏa. Việc chẩn đoán kịp thời có thể giúp áp dụng sớm liệu pháp chống lao và ngăn ngừa hậu quả xấu cho bệnh nhân.

1. Nguyên nhân gây lao ở mắt

Nguyên nhân phổ biến gây lao ở mắt là sự lây lan trực khuẩn lao người (Mycobacterium tuberculosis) qua đường máu từ lao phổi. Ngoài ra, từ chất dịch mà bệnh nhân lao phổi ho khạc bắn ra, trực khuẩn lao có thể đi vào mắt người lành.

Sự lây lan theo đường máu của bệnh lao từ các vị trí phổi hoặc ngoài phổi thường ảnh hưởng nhất đến màng bồ đào, bao gồm mống mắt và thể mi (phía trước) và màng mạch (phía sau). 

Tác động của trực khuẩn lao lên mắt có thể được đặc trưng bởi phương thức nhiễm trùng. Những bệnh nhân có biểu hiện liên quan đến ngoại nhãn (mí mắt, tuyến lệ, củng mạc, kết mạc hoặc giác mạc) có khả năng bị nhiễm trùng mắt nguyên phát do tiếp xúc. 

Theo một số nghiên cứu, trong những năm gần đây, những người có nguy cơ mắc bệnh lao ở mắt cao nhất là những người bị tình trạng suy giảm miễn dịch. Tổn thương ngoài phổi được thấy ở hơn 50% số bệnh nhân mắc đồng thời cả AIDS (hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải) và bệnh lao. 

Lao ở mắt: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng bệnh- Ảnh 1.

Nguyên nhân phổ biến gây lao ở mắt là sự lây lan trực khuẩn lao người (Mycobacterium tuberculosis) qua đường máu từ lao phổi.

2. Các triệu chứng của lao ở mắt

Bệnh lao mắt có thể ảnh hưởng đến bất kỳ bộ phận nào của mắt. Biểu hiện lao mắt phổ biến nhất là viêm màng bồ đào dạng hạt, đặc biệt là viêm màng bồ đào sau.

Tình trạng viêm cấp tính hoặc mạn tính có thể xảy ra ở một bên hoặc hai bên mắt. Bệnh nhân cũng có thể xuất hiện triệu chứng đau đầu, chớp sáng, ruồi bay hoặc mắt đỏ. 

Lao mắt là một bệnh lý biểu hiện đa dạng các triệu chứng tương tự như triệu chứng của các bệnh lý về mắt khác nên việc chẩn đoán bệnh gặp nhiều khó khăn. Các triệu chứng có thể bao gồm:

Tổn thương thường ở mặt trong mi trên hoặc mi dưới, vùng cùng đồ mắt. Người bệnh có biểu hiện của viêm kết mạc: mắt sưng, cộm, chảy nước mắt, ra dử mắt nhiều. Khám thấy kết mạc sung huyết, có những nốt màu vàng hoặc loét. Hạch vùng trước tai cùng bên sưng to.

Các tổn thương khác:

  • Lao da mi: Tình trạng lao da ở mi mắt, tổn thương thường gặp như: nốt, sần sùi, có vảy hoặc loét... Tiến triển của bệnh dài ngày gây sẹo, co kéo làm hở mi, lộn mi và lan vào trong nhãn cầu.
  • Lao kết mạc, củng mạc: Người bệnh có triệu chứng đau nhức, cộm mắt, chảy nước mắt,… Khám thấy các đám sung huyết, nốt nhỏ màu vàng hoặc loét. Nặng hơn thì các ổ loét dính với nhau tạo thành những ổ loét lớn hơn, bờ ổ loét nham nhở có mủ hoặc giả mạc xung quanh, có nhiều mạch máu tân tạo.
  • Lao giác mạc: Thường chỉ bị bệnh một bên mắt, biểu hiện đau nhức, chảy nước mắt, lóa ánh sáng, giảm thị lực. Khám thấy giác mạc bị thẩm lậu, cương tụ, có các nốt nhỏ màu vàng hoặc loét, có các mạch máu bò vào.
  • Lao màng bồ đào: Màng bồ đào được chia thành 3 thành phần chính là mống mắt nằm phía trước, thể mi nằm ở giữa và màng mạch (hắc mạc) nằm trong cùng. Nếu lao mống mắt thể mi, người bệnh có dấu hiệu đau nhức mắt, đau tăng lên khi ấn vào mắt, giảm thị lực. Soi thấy ở mống mắt thể mi có các nốt màu vàng hoặc xám và loét. Tổn thương lao lâu ngày ngày sẽ gây sẹo co kéo, dính làm cho đồng tử méo mó và mất phản xạ co giãn khi rọi ánh sáng... Có thể phát hiện u lao mắt ở góc tiền phòng.
  • Lao võng mạc: Tùy theo vị trí và mức độ tổn thương mà người bệnh có các triệu chứng và tổn thương thị lực ở mức độ khác nhau: giảm thị lực, thu hẹp thị trường, nhìn thấy vết đen, nhìn mờ...
  • Lao màng nhện và giao thoa thị giác: Là một trong những dấu hiệu của lao màng não. Người bệnh giảm thị lực, không nhìn thấy ở một phía (bán manh), nhìn thấy hố đen ở giữa thị trường hoặc có thể mù hoàn toàn. Soi đáy mắt thấy gai thị phù hoặc teo gai thị,…
  • Viêm mủ toàn mắt cấp tính: là tổn thương nặng, áp-xe do lao hủy hoại toàn bộ nhãn cầu. Người bệnh đau nhức mắt, khả năng thị giác bị mất dần. Khám thấy toàn nhãn cầu có màu trắng đục. Trong trường hợp khối áp-xe bị vỡ, vùng hố mắt sẽ loét, đỏ, chảy nước vàng, đáy hố có mủ hay giả mạc.

Bên cạnh các triệu chứng do tổn thương lao tại mắt, người bệnh cũng có thể biểu hiện các triệu chứng của nhiễm lao như ho khan và sốt nhẹ, mệt mỏi, gầy sút cân, đổ mồ hôi ban đêm, khó thở, tức ngực nếu kèm theo lao phổi.

3. Phòng ngừa bệnh lao ở mắt

Bệnh lao ở mắt là có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm ảnh hưởng đến thị lực nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Do đó, để phòng ngừa, cần thực hiện các biện pháp sau:

  • Tiêm vaccine phòng lao BCG là biện pháp phòng ngừa hiệu quả nhất, giúp tăng cường miễn dịch chống lại bệnh lao.
  • Nếu bệnh nhân có chẩn đoán lao phổi, cần tuân thủ điều trị theo đúng phác đồ để tránh nguy cơ trực khuẩn lao lan rộng gây ra bệnh lao ngoài phổi, trong đó có lao mắt.
  • Trực khuẩn lao có thể lây lan thông qua tiếp xúc đồ vật có chứa dịch tiết của người bệnh, nên khi tiếp xúc với bệnh nhân lao, cần phải thực hiện các biện pháp phòng lây nhiễm như đồ bảo hộ, khẩu trang, vệ sinh tay,….
  • Giữ gìn môi trường sống sạch sẽ, thông thoáng, đủ ánh sáng mặt trời giúp phòng chống mầm bệnh lây nhiễm.
  • Ăn uống, sinh hoạt lành mạnh giúp tăng sức đề kháng của cơ thể, phòng ngừa các bệnh lý ảnh hưởng sức khỏe.
  • Khám sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm các bệnh lý và điều trị kịp thời, trong đó có bệnh lao.

Khi có bất kỳ triệu chứng nào nghi ngờ mắc bệnh lao, hãy đến cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị kịp thời.

Lao ở mắt: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng bệnh- Ảnh 2.

Tiêm vaccine phòng lao BCG là biện pháp phòng ngừa hiệu quả nhất, giúp tăng cường miễn dịch chống lại bệnh lao, trong đó có lao ở mắt.

4. Biện pháp điều trị lao ở mắt

Bệnh lao ở mắt là bệnh nghiêm trọng đòi hỏi quá trình điều trị dài và phức tạp. Mục tiêu chính của việc điều trị lao mắt là tiêu diệt trực khuẩn lao, ngăn chặn sự tiến triển của bệnh và bảo vệ thị lực.

Nhìn chung, việc điều trị bệnh lao mắt cũng giống như điều trị bệnh lao phổi, tuân theo các nguyên tắc: điều trị phối hợp các thuốc chống lao; dùng thuốc đúng liều lượng; dùng thuốc đều đặn, đúng giờ; điều trị đủ thời gian, không gián đoạn.

Việc điều trị bệnh lao thường chia thành 2 giai đoạn: giai đoạn tấn công (2-3 tháng), giai đoạn duy trì (4-6 tháng). Việc sử dụng chính xác phác đồ điều trị nào trong bao lâu còn phụ thuộc tình trạng nhiễm lao của người bệnh, chủng lao có kháng thuốc hay không,… Chính vì vậy cần tuân thủ chặt chẽ theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.

Câu hỏi thường gặp liên quan đến bệnh lao phổiCâu hỏi thường gặp liên quan đến bệnh lao phổi

SKĐS - Bệnh lao là một bệnh truyền nhiễm gây ra bởi vi khuẩn lao (Mycobacterium tuberculosis). Bệnh có thể ảnh hưởng đến nhiều bộ phận của cơ thể nhưng đặc biệt là ảnh hưởng đến hệ thống hô hấp, gọi là bệnh lao phổi.


BS. Thanh Liêm
Ý kiến của bạn