Lão nông từ chối 4 tỷ đồng, quyết giữ đồi cò

03-02-2014 08:46 | Thời sự
google news

SKĐS - Gần 30 năm qua, lão nông Phạm Văn Của đã chăm sóc, bảo vệ đồi cò của của gia đình, có người đã trả ông 4 tỷ đồng nhưng ông thẳng thắn từ chối, dù rằng ông vẫn là một nông dân nghèo...

Gần 30 năm qua, lão nông Phạm Văn Của đã chăm sóc, bảo vệ đồi cò của của gia đình, có người đã trả ông 4 tỷ đồng nhưng ông thẳng thắn từ chối, dù rằng ông vẫn là một nông dân nghèo...

Nhiều người đi trên tuyến đường mòn Hồ Chí Minh ngang qua khu vực thôn Thọ Liên, xã Kiên Thọ, huyện Ngọc Lặc (Thanh Hóa) mỗi sáng sớm hay chiều về đều được mãn nhãn với từng đàn cò bay rợp cả một khoảng trời.

Ông Phạm Văn Của, chủ đồi cò cho biết, cò bắt đầu đến ở tại khu đồi trong vườn nhà ông từ năm 1987. Lúc đầu chỉ có năm đến mười con, theo nhận định của ông Của thì có thể do nhiều diện tích rừng đã bị tàn phá, nên ông bắt đầu trồng luồng, vầu và các loại cây tạp để cò có chỗ trú ngụ. Cứ đến mùa sinh sản, cò lại về làm tổ và đẻ trứng.

Khi thấy có cò về, nhiều người đã săn bắn, nhưng ông Của quyết tâm bảo vệ đàn cò. Cùng với đó, ông báo cáo lên chính quyền địa phương nhờ sự can thiệp nên tình trạng săn bắn cũng đỡ đi.

Bắt đầu từ những năm 1999 - 2000, cò về ngày một nhiều hơn. Khu đồi cò ngày trước có diện tích gần 4 ha, nhưng nay chỉ còn lại khoảng 2ha do quá trình mở rộng đường.

Từng đàn cò bay rợp cả một khoảng trời
Từng đàn cò bay rợp cả một khoảng trời

Để có được đồi cò đông đúc như ngày nay không phải là chuyện đơn giản, hàng chục năm qua, gia đình ông Của đã phải bỏ bao công sức gìn giữ và bảo vệ đàn cò. Thời gian đầu, suốt đêm, suốt ngày, mấy bố con ông phải thức để canh không cho người khác săn bắt. Khu đồi rộng không thể đầu tư tiền làm tường rào kiên cố, gia đình ông tận dụng tre, luồng trong vườn để rào lại.

Đã nhiều năm qua, ông đề xuất nhưng chưa nhận được sự quan tâm, ưu đãi của Nhà nước hay các tổ chức trong việc chăm sóc, bảo vệ đàn cò. “Tôi đã làm đề nghị lên tỉnh, Hội nông dân, thậm chí đến cả nhà cán bộ đề nghị, nhưng 'cóc kêu không thấu trời'”, ông Của băn khoăn.

Đã có không ít người, kể cả du khách nước ngoài khi đến thăm đồi cò của gia đình ông đều trầm trồ khen ngợi. Cũng đã có nhiều người đến đặt vấn đề mua lại đồi cò, có người ở tận Hà Nội vào trả giá 4 tỷ đồng, nhưng ông đã thẳng thắn từ chối. “Tiền thì cũng quý thật, mình bán lấy gì mà ở, đồi là của ông cha để lại cho con cháu làm cảnh sau này. Có người vào gạn hỏi hai ba lần, chỉ mua lại mình đồi cò thôi. Tiền thì tôi không có thật, nhưng dù bao nhiêu tôi cũng không bán”.

Theo ông Của, mùa sinh sản của đàn cò vào khoảng tháng 4 đến tháng 6 âm lịch. Với việc chăm sóc bảo vệ đàn cò, chỉ mong bảo tồn sinh thái và làm tăng thêm vẻ đẹp cho thiên nhiên, gia đình ông Của không có thu nhập kinh tế gì từ vườn cò.

Từ sáng sớm, cò đi ăn và đến khoảng 5 giờ chiều mới bắt đầu bay về nghỉ
Từ sáng sớm, cò đi ăn và đến khoảng 5 giờ chiều mới bắt đầu bay về nghỉ

Ngoài đồi cò, gia đình ông có một mẫu đất làm nông nghiệp, còn không có thêm nghề phụ nào khác. Với những cố gắng của ông, sự ghi nhận của các cấp mới chỉ dừng lại ở việc cấp bằng khen người uy tín của thôn, gia đình sản xuất giỏi, đó là niềm vinh dự của ông, nhưng chưa phải là mong muốn lớn nhất của ông bây giờ.

Ngước mắt lên nhìn đồi cò, ông Của thở dài: “Tôi chỉ mong muốn làm sao được sự vào cuộc quan tâm của cấp trên để bảo vệ đồi cò cho thiên nhiên thôi”.


Ý kiến của bạn