Lão nghệ sĩ của đường phố

31-01-2015 8:00 AM | Thời sự

SKĐS - Một lần về lại Hải Phòng - thành phố hoa phượng đỏ, thăm bạn tôi, nhà thơ Phạm Ngà, ông vốn là nhà giáo dạy ngữ văn...

Một lần về lại Hải Phòng - thành phố hoa phượng đỏ, thăm bạn tôi, nhà thơ Phạm Ngà, ông vốn là nhà giáo dạy ngữ văn, rồi giữ chức Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật, kiêm Giám đốc Nhà xuất bản Hải Phòng cho đến lúc nghỉ hưu. Nhà thơ Phạm Ngà rủ tôi ra ngã tư đường Trần Nguyên Hãn - Nguyễn Ðức Cảnh để xem lão nghệ sĩ violin Ðỗ Bá Lý đã bước đã sang tuổi bát tuần, vẫn lặng lẽ ngồi dựa cột đèn suốt từ 6 giờ sáng đến 22 giờ đêm phục vụ người nghe đủ các lứa tuổi.

Cụ Đỗ Bá Lý phó mặc cho dòng đời náo nhiệt xung quanh, thả hồn vào tiếng đàn, buông những nốt nhạc tha thiết về quê hương, về hiếu đạo làm người. Có không ít thanh niên nép xe bên vỉa hè, say mê tận hưởng tiếng nhạc, không để ý rằng đã mấy lần đèn chuyển đỏ lại sang xanh...

Cụ Đỗ Bá Lý dạy các em nhỏ chơi vĩ cầm.

Từ những tháng ngày buồn...

Nhà thơ Phạm Ngà kể cho tôi nghe về cuộc đời như cuốn tiểu thuyết buồn của người nghệ sĩ già Đỗ Bá Lý. Cụ Lý là con út trong một gia đình có 4 anh em trai. Từ nhỏ cụ được cha tạo mọi điều kiện theo học ông thầy người Campuchia tên là Chây Sa Khôn dạy chơi đàn violon. Nhưng rồi cha mất do bệnh tật, ba anh trai cùng tử vong trong một trận bom của giặc Pháp thả trúng nhà ông trong bữa cơm chiều, rất may cụ và mẹ về quê thăm ông bà ngoại nên thoát nạn. Bà mẹ quyết tâm thực hiện tâm nguyện của chồng, cố gắng vượt qua mọi khó khăn cho con theo học đến nơi đến chốn. Cụ Đỗ Bá Lý sáng dạ, cần cù chăm chỉ nên tiếp thu bài giảng cũng như kỹ thuật chơi violin rất nhanh. Khi cụ 16 tuổi, chưa thực sự thành tài thì thầy Chây Sa Khôn phải về nước.

Đang bơ vơ thất nghiệp, thì may mắn gặp ông Trưởng đoàn Nghệ thuật kịch nói Hải Dương, phát hiện khả năng chơi đàn của cụ đã nhận cụ về đoàn và cụ chính thức được ăn lương “biên chế” Nhà nước, đi biểu diễn phục vụ nhân dân, bộ đội ở nhiều tỉnh thành phía Bắc. Cụ xây dựng gia đình, sinh hạ được 2 trai, 1 gái. Kể từ đây, cơm áo gạo tiền không đùa với người nghệ sĩ. Gánh nặng gia đình đè nặng trên vai đôi vợ chồng trẻ. Song vì các con, họ sớm tối bảo ban, động viên nhau bươn chải đủ nghề, kể cả rửa bát thuê cho các hàng phở. Những tưởng cuộc sống nhọc nhằn bình yên sẽ trôi qua, ai dè, cả ba người con của cụ lần lượt bỏ bố mẹ ra đi. Vợ cụ không chịu được nỗi đau mất con, lại mắc phải căn bệnh hiểm nghèo, cụ bán hết tài sản và cả căn nhà trên đường Tô Hiệu, quận Lê Chân (Hải Phòng) mà cha mẹ để lại, lo chạy thuốc thang cứu chữa cho vợ hiền. Mọi cố gắng của cụ đổ hết xuống sông, xuống biển, cụ bà vẫn bỏ ông để trở về với lòng đất mẹ. Thế là cụ thành trắng tay: không nhà cửa, không gia đình.

Mãi đến năm 1989, bà Lâm Thị Hải, trú tại quận Lê Chân, dù biết cụ Lý, không nhà cửa, không việc làm ổn định, nhưng bà cảm phục sự chân thành trong tình cảm cụ dành cho bà qua tiếng đàn violin da diết, bà quyết gắn bó cuộc đời còn lại của mình với cụ. Đôi vợ chồng già thuê ngôi nhà cấp 4 kế bên chợ Sắt vừa để ở, vừa bán quà sáng sinh sống qua ngày. Nhưng định mệnh cuộc đời vẫn không buông tha cho họ. Năm 2002, cụ Lý bị ung thư dạ dày, phải lên Bệnh viện Xanh Pôn Hà Nội điều trị hàng tháng trời. Ở nhà, bà Hải phải chạy vạy gom từng đồng tiền lẻ gửi lên cho cụ chữa bệnh. Bệnh chưa khỏi hẳn, thương vợ vất vả, cụ xin bệnh viện cho về nhà chữa trị. Bất hạnh vẫn chưa dừng lại, năm 2013, bà Hải bị tai nạn gãy chân, phải phẫu thuật tại Bệnh viện Việt Tiệp (Hải Phòng) ròng rã 3 tháng trời. Đi bệnh viện chăm vợ, không làm gì ra tiền, đến tháng không có tiền trả cho chủ nhà trọ, họ đuổi hai vợ chồng già ra khỏi nhà.

​Lão nghệ sĩ đường phố Đỗ Bá Lý vẫn cần mẫn với công việc thường ngày nơi ngã tư đường phố.

​Lão nghệ sĩ đường phố Đỗ Bá Lý vẫn cần mẫn với công việc thường ngày nơi ngã tư đường phố.

Ðến tiếng đàn làm vui lòng người

Cụ phải đến ghế đá nơi vợ đang điều trị ăn ngủ vật vờ, tính kế sinh nhai và cụ quyết định sẽ kiếm tiền bằng chính đôi bàn tay bản năng của mình. Hằng ngày, cụ mang cây đàn violin cũ kỹ của mình ra khu vực hồ Tam Bạc, chợ Sắt và những con phố chính trong thành phố biểu diễn những bản nhạc cổ điển, dân ca... Thấy cụ già tuổi bát tuần vất vả với cây đàn phục vụ khách vãng lai, người qua đường đều tỏ lòng thương cảm, ít nhiều đều biếu tiền cụ.

Cụ tâm sự: “Tôi không nghĩ ở lứa tuổi này, tôi sẽ làm được điều đó. Bởi lẽ hằng ngày lê bước hàng chục cây số, hành trang đồ lề trên vai nặng trên 10kg. Hơn nữa tuổi già, chân tay cứng hết, không còn đủ mềm mại để chơi cây đàn “quý tộc” này. Nhưng tôi tự nhủ, mình nghèo nhưng không đi ăn xin, mình phải kiếm tiền chữa bệnh cho vợ. Hai vợ chồng già không thể nhìn nhau mà chết. Đi dần thành quen. Bây giờ tôi thấy chân tay như khỏe ra. Được kiếm tiền để sống bằng chính sức lao động của mình, tôi mừng lắm”.

Tuy cuộc sống của vợ chồng cụ Lý “tứ cố vô thân”, không con cháu, không người thân, không nhà cửa nhưng không phải vì thế mà vợ chồng cụ rơi vào cảnh mặc cảm, bi lụy. Ngược lại hai cụ sống đạm bạc, hòa thuận, vui vẻ, được mọi người chung quanh yêu mến, kính trọng. Cụ Lý bảo: “Tôi chưa có một ngày hưởng trọn niềm vui, đã quen cái cảnh được bữa sớm lo bữa tối. Nhưng trời cho tôi sức khỏe, tôi vẫn làm được. Vẫn có thể mang tiếng đàn làm vui lòng người. Tôi chỉ sợ lúc ốm đau, không làm được thì phải chịu đói. Chịu bệnh”.

Biết được hoàn cảnh khó khăn của cụ Lý, nhóm tình nguyện Trái tim kết nối và nhóm Thiện nguyện niềm tin, những tổ chức nhân đạo Hải Phòng đã có sự chia sẻ, giúp cụ ổn định cuộc sống. Từ đầu tháng 4/2014, đã khai mạc lớp học đàn violin tại Câu lạc bộ Thanh thiếu niên quận Ngô Quyền, mời cụ Lý trực tiếp giảng dạy. Đây là một hoạt động mang ý nghĩa nhân văn, một mặt giúp các học viên ở nhiều lứa tuổi khác nhau tiếp cận, hiểu và chơi được đàn violin, mặt khác học phí do học viên đóng góp, đã giúp phần nào cải thiện cuộc sống cho vợ chồng cụ Lý. Ban ngày cụ là một lão nghệ sĩ đường phố, buổi tối cụ là một thầy giáo cần mẫn, truyền dạy kỹ thuật kéo cây đàn violin cho học viên. Cụ vui vẻ chia sẻ: “Sau này yếu đi, không chơi được violin nữa, tôi hy vọng các cháu sẽ kế cận, phát huy cái hay, cái đẹp của loại nhạc cụ này. Bởi lẽ nhạc cụ này khó chơi và rất kén người chơi. Ngoài việc có tài, phải có tâm huyết mới chơi được”.

Những “nghệ sĩ đường phố”, ngay ở các nước phương Tây giàu có như Pháp, Ý, Tây Ban Nha, Mỹ... đều có, mà còn nhiều hơn ở ta. Họ biểu diễn phục vụ khách du lịch, trước hết, qua các loại hình nhệ thuật, giới thiệu nét văn hóa độc đáo đất nước mình, đương nhiên sau đó mới là kiếm chút tiền thù lao để trang trải cuộc sống. Cụ Lý ở Hải Phòng, hay các nghệ sĩ khác ta bắt gặp trên đường phố Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Đà Lạt... họ cũng đang làm công việc đại loại như vậy. Hãy nhìn họ bằng đôi mắt của những người biết thưởng thức “ngón” đàn hay. Còn bồi dưỡng cho họ ư - mà đã bỏ sức lao động ra phục vụ thì đương nhiên họ có quyền được hưởng - thì tùy tâm. Xin được hoan nghênh nhóm tình nguyện Trái tim kết nối và nhóm Thiện nguyện niềm tim Hải Phòng đã giúp cụ Lý phát huy khả năng nghề nghiệp của mình dạy đàn cho những người thích học đàn, để cụ thêm tự tin “Sống vui, sống khỏe, sống có ích” cho đời. Đây là một mô hình hay cho nhiều địa phương trong cả nước.

Bài, ảnh: Lê Sỹ Tứ

 


Ý kiến của bạn
BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ: HOẠT ĐỘNG CHỈ ĐẠO, ĐIỀU HÀNH THÔNG TIN Y TẾ 63 TỈNH, THÀNH