Thể bã đậu hóa: Thường là giai đoạn tiếp theo của thể cổ trướng. Khá nhiều bệnh nhân đến điều trị ở giai đoạn này vì giai đoạn cổ trướng diễn biến kín đáo.
Cũng như thể cổ trướng, bệnh nhân thường sốt nhẹ về chiều hoặc không sốt; nhiều người thì bị sốt liên tục kéo dài, có những đợt sốt 39- 40oC. Tuy nhiên, ở thể bã đậu hóa, các triệu chứng rối loạn tiêu hóa rầm rộ hơn: cơ thể suy sụp, mệt mỏi, mạch nhanh nhỏ, huyết áp hạ; đau bụng từng cơn, có khi dữ dội; buồn nôn, nôn; bụng trướng to nhưng không đối xứng, hình bầu dục, sôi bụng; đi ngoài phân lỏng, màu vàng, xen kẽ những đợt táo bón, phân có thể lẫn máu; ở nữ giới có thể rối loạn kinh nguyệt: thống kinh, rong kinh, vô kinh. Khi thăm khám có thể thấy vùng cứng xen kẽ vùng mềm, ấn tay vào vùng cứng có thể nghe thấy tiếng lọc sọc của hơi di động trong ruột. Ấn tay vào thành bụng rồi bỏ tay đột ngột, bệnh nhân có cảm giác tăng đau. Ở thể này, đôi khi có vùng dính cứng lớn ở các vị trí đặc biệt như hạ sườn phải, vùng hạ vị thì dễ nhầm với gan to hoặc khối u trong ổ bụng.
Lao màng bụng thể bã đậu hóa là một thể nặng, có thể gây ra những ổ áp-xe địa phương và có thể vỡ gây rò mủ ra thành bụng hoặc rò vào đại tràng, chất bã đậu theo phân ra ngoài. Bệnh nhân có thể tử vong do suy mòn, do các biến chứng nặng ở đường tiêu hóa. Bệnh nhân càng trầm trọng hơn khi có dấu hiệu lao phổi, lao các cơ quan khác.
Thể xơ dính: Đây là thể nặng nhất của lao màng bụng mạn tính, là giai đoạn tiếp theo của lao màng bụng cổ trướng hoặc loét bã đậu.
Khi bị lao màng bụng thể xơ dính, bệnh nhân thường có hội chứng nhiễm trùng, nhiễm độc mạn tính. So với thể cổ trướng và thể loét bã đậu, ở thể này các dấu hiệu sốt, mệt mỏi... có xu hướng thuyên giảm. Tùy thuộc vào mức độ tổn thương xơ hóa màng bụng mà dẫn đến tình trạng có khi triệu chứng cơ năng rất ít như bụng trướng, đau, bí trung đại tiện, trung tiện được thì đỡ đau; nhưng cũng có thể có triệu chứng của tắc ruột: đau bụng, trướng hơi... Khi thăm khám thấy bụng lõm lòng thuyền do xơ dính co kéo các cơ thành bụng, khi sờ khó xác định được các tạng trong ổ bụng, chỉ thấy các khối cứng, dài, nằm ngang như những sợi thừng do mạc nối lớn xơ cứng lại (còn gọi là dấu hiệu thừng phúc mạc).
Hình ảnh vi khuẩn lao trên kính hiển vi. |
Chẩn đoán và điều trị thế nào?
Bệnh nhân cần hết sức lưu ý: Muốn bệnh khỏi, không tái phát, không bị kháng thuốc… cần phải dùng thuốc theo đúng phác đồ của bác sĩ chuyên khoa lao. Không nên tự ý uống thuốc, dùng thuốc theo đơn của người khác, hay dừng thuốc khi thấy các triệu chứng bệnh thuyên giảm. Ngoài chế độ dùng thuốc, bệnh nhân cần nghỉ ngơi tĩnh dưỡng tốt, không nên lao động nặng, kết hợp chế độ ăn giàu đạm và vitamin. |
Trong các xét nghiệm trên thì soi màng bụng có giá trị rất cao trong chẩn đoán: khi soi ổ bụng có thể thấy các hạt lao như hạt kê trên phúc mạc thành và phúc mạc tạng, trắng đục, bóng sáng, rải rác hoặc tụ thành đám. Đám dính che lấp các tạng, dải dính ở hố chậu hoặc quai ruột với thành bụng. Sung huyết nhiều ở quai ruột và phúc mạc.
Quá trình thăm khám và làm các xét nghiệm giúp các bác sĩ chẩn đoán phân biệt giữa bệnh lao màng bụng với viêm màng bụng cấp tính, viêm ruột thừa, xoắn ruột, tắc ruột ở thể cấp tính. Ở thể cổ trướng, ngoài lao còn có thể gặp cổ trướng trong ung thư gan, dạ dày, đại tràng, buồng trứng...; cổ trướng kết hợp tràn dịch màng phổi, u nang buồng trứng; viêm dính màng ngoài tim gây suy tim phải. Ở thể bã đậu hóa nhằm loại trừ ung thư nguyên phát hay di căn trong ổ bụng hay các khối dính cả hạch trong bệnh lymphosarcom.
Trước kia, khi chưa có thuốc chống lao đặc hiệu, tiên lượng của lao màng bụng rất xấu. Việc điều trị chủ yếu là nghỉ ngơi tĩnh dưỡng và liệu pháp ánh nắng. Từ khi có các thuốc lao đặc hiệu như streptomycin, rimifon và đặc biệt là rifampicin, diễn biến lâm sàng của lao màng bụng đã có những thay đổi, kết quả điều trị tốt hơn, những thể loét bã đậu, xơ dính rất hiếm gặp trên lâm sàng.
Sau khi thăm khám và xác định thể bệnh, mức độ của bệnh, các bác sĩ sẽ cho bệnh nhân dùng các thuốc lao đặc hiệu kết hợp với các thuốc điều trị triệu chứng phù hợp. Với bệnh lao màng bụng, chủ yếu vẫn là điều trị nội khoa với những nguyên tắc và phác đồ như trong điều trị lao phổi. Khi trong ổ bụng có nhiều dịch, ép lên ngực làm cho người bệnh khó thở phải chọc hút để giảm áp lực thì triệu chứng khó thở sẽ cải thiện. Nếu người bệnh có các dấu hiệu tắc ruột như đau bụng nhiều, nôn, có dấu hiệu rắn bò... do dính cần phải được sớm can thiệp ngoại khoa...
BS. Trần Hạnh Hoa