Lao màng bụng nếu không điều trị kịp thời bệnh sẽ tiến triển phức tạp với nhiều biến chứng nặng nề có thể đe dọa tính mạng. Nếu phát hiện bệnh sớm và dùng thuốc chống lao theo đúng chỉ định của bác sĩ sẽ cho tiên lượng tốt.
Ai cũng có thể mắc lao màng bụng, nhưng hay gặp hơn cả là độ tuổi dưới 40, đặc biệt nhiều là ở độ tuổi từ 20-30, nữ nhiều hơn nam. Những người nghiện rượu nặng, suy giảm miễn dịch, làm việc quá sức nhất là trong điều kiện thiếu vệ sinh, ăn uống thiếu đạm và vitamin dễ mắc bệnh hơn.
Triệu chứng bị lao màng bụng
Biểu hiện lâm sàng của lao màng bụng rất đa dạng và phong phú. Tùy theo vị trí của tổn thương lao, có lao màng bụng lan tỏa, lao màng bụng khu trú. Các triệu chứng toàn thân của lao màng bụng tùy theo tiến triển và giai đoạn. Tuy nhiên, cũng như các bệnh lao khác.
- Bệnh nhân lao màng bụng cũng có hội chứng nhiễm khuẩn, nhiễm độc với dấu hiệu sốt, thường là sốt nhẹ về chiều, cũng có thể sốt tới 39-40 độ C.
- Đau bụng, đau âm ỉ, có lúc đau từng cơn, kèm theo là buồn nôn, tiêu chảy hoặc táo bón
- Bụng trướng, to dần do trong ổ bụng có dịch.
Những triệu chứng kể trên rất dễ nhầm với các bệnh khác trong ổ bụng như viêm ruột thừa, tắc ruột, viêm màng bụng cấp không do lao, ung thư màng bụng... nên nhiều trường hợp nghi ngờ bụng ngoại khoa, bệnh nhân vẫn phải làm các làm xét nghiệm lao loại trừ.
Phân loại lao màng bụng
Người ta chia lao màng bụng thành 3 thể: Cổ trướng, loét bã đậu, xơ dính.
Thể cổ trướng: Biểu hiện đầu tiên là sốt nhẹ 37oC- 38oC kéo dài, thường từ chiều và đêm. Bệnh nhân thường ăn uống kém, chán ăn, đầy bụng, khó tiêu, mệt mỏi, ra mồ hôi trộm, gầy sút. Đau bụng âm ỉ kéo dài, hoặc đau từng cơn với vị trí đau không rõ ràng, bụng trướng, rối loạn tiêu hóa (đại tiện phân táo lỏng thất thường).
Bụng to dần lên, cảm giác tức nặng, rốn lồi ở tư thế nằm. Da bụng căng, nhẵn bóng, trắng như sáp nến. Vì thế, khi có cổ trướng, phải thăm khám lâm sàng toàn diện để phát hiện tổn thương lao ở các nơi khác để xem có bị lao đa màng.
Thể bã đậu hóa: Đây là giai đoạn tiếp theo của thể cổ trướng. Bệnh nhân cũng thường sốt nhẹ về chiều hoặc không sốt; nhiều người thì bị sốt liên tục kéo dài, có những đợt sốt 39oC- 40oC. Ở thể này, các triệu chứng rối loạn tiêu hóa rầm rộ hơn: Cơ thể suy sụp, mệt mỏi, mạch nhanh nhỏ, huyết áp hạ, đau bụng từng cơn, có khi dữ dội; buồn nôn, nôn, bụng trướng to nhưng không đối xứng, hình bầu dục, sôi bụng, đi ngoài phân lỏng, màu vàng, xen kẽ những đợt táo bón, phân có thể lẫn máu. Ở nữ giới có thể rối loạn kinh nguyệt: thống kinh, rong kinh, vô kinh.
Lao màng bụng thể bã đậu hóa là một thể nặng, có thể gây ra những ổ áp xe địa phương và có thể vỡ gây rò mủ ra thành bụng hoặc rò vào đại tràng chất bã đậu theo phân ra ngoài. Bệnh nhân có thể tử vong do suy mòn, do các biến chứng nặng ở đường tiêu hóa.
Thể xơ dính: Đây là thể nặng nhất của lao màng bụng mạn tính, là giai đoạn tiếp theo của lao màng bụng cổ trướng hoặc loét bã đậu. Vì xơ dính với các đoạn ruột nên có thể làm thắt ruột, gây hội chứng bán tắc hoặc tắc ruột phải can thiệp bằng ngoại khoa. Ngoài ra thể xơ dính còn có thể gây viêm dính quanh gan, mật, viêm tắc vòi trứng. Thể này thường diễn biến nặng, dễ dẫn đến tử vong Tuy nhiên, thể bệnh này ngày càng hiếm gặp. Tùy thuộc vào mức độ tổn thương xơ hóa màng bụng mà dẫn đến tình trạng có khi triệu chứng cơ năng rất ít như bụng trướng đau, bí trung đại tiện.
Chẩn đoán và điều trị
Khi bệnh nhân có các biểu hiện nghi ngờ bị lao màng bụng, sẽ được chỉ định làm các xét nghiệm thường quy như xét nghiệm máu, làm phản ứng Mantoux, xét nghiệm dịch ổ bụng, soi ổ bụng và sinh thiết màng bụng, siêu âm ổ bụng, xét nghiệm đờm và chụp X quang phổi…
Quá trình thăm khám và làm các xét nghiệm giúp các bác sĩ chẩn đoán phân biệt giữa bệnh lao màng bụng với viêm màng bụng cấp tính, viêm ruột thừa, xoắn ruột, tắc ruột ở thể cấp tính. ở thể cổ trướng, ngoài lao, còn có thể gặp cổ trướng trong ung thư gan, dạ dày, đại tràng, buồng trứng...; cổ trướng kết hợp tràn dịch màng phổi, u nang buồng trứng; viêm dính màng ngoài tim gây suy tim phải. Ở thể bã đậu hóa nhằm loại trừ ung thư nguyên phát hay di căn trong ổ bụng hay các khối dính cả hạch trong bệnh lymphosarcom.
Sau khi thăm khám và xác định thể bệnh, mức độ của bệnh, các bác sĩ sẽ cho bệnh nhân dùng các thuốc lao đặc hiệu kết hợp với các thuốc điều trị triệu chứng phù hợp.
Người bệnh muốn bệnh khỏi, không tái phát, không bị kháng thuốc… cần phải dùng thuốc theo đúng phác đồ của bác sĩ chuyên khoa lao. Không nên tự ý uống thuốc, dùng thuốc theo đơn của người khác, hay dừng thuốc khi thấy các triệu chứng bệnh thuyên giảm. Bên cạnh đó, bệnh nhân cần nghỉ ngơi tĩnh dưỡng tốt, kết hợp chế độ ăn giàu đạm và vitamin. Không nên lao động nặng nhọc.
Xem thêm video được quan tâm
Ảnh hưởng không nhỏ khi 16.000 giáo viên nghỉ việc trong năm 2022 | SKĐS