Thế nên kỳ này lão già quyết “đổi gió”. Lão chỉ hầu bạn đọc. Mà toàn những chuyện lặt vặt. Chuyện hàng ngày.
Chú Khoa ơi, cháu ở Nam Định ra Hà Nội học, cháu ở dãy trọ cùng mấy anh chị khóa trước và thấy các anh chị góp gạo thổi cơm chung lâu lắm rồi. Có 2 cặp anh chị, sống với nhau như hai gia đình trẻ. Có những lúc họ rất nhí nhảnh, đáng yêu, nhưng lúc cãi cọ thì không ai bằng. Ầm ĩ cả một góc trọ, có chị còn bị đánh đuổi ra khỏi phòng cơ. Sống thử hình như đang là phong trào phổ biến ở các bạn trẻ nước ta. Theo chú, sống thử có xấu không? Ở hoàn cảnh nào, điều kiện nào thì việc sống thử là phù hợp?
Vũ Thị Loan (Mỹ Lộc, Nam Định)
Nhà thơ Trần Đăng Khoa: Sống thử không xấu. Thậm chí còn rất khoa học và văn minh. Nhưng đó là khoa học, văn minh của các nước Phương Tây. Nó rất phù hợp với phong tục, tập quán và quan niệm sống của người nước ngoài. Như lão cũng đã nói, trong đạo vợ chồng, chuyện giường chiếu quan trọng lắm. Hầu hết các cặp uyên ương bỏ nhau đều từ đó mà ra. Nhưng đến tòa thì họ nói dối. Họ viện ra hàng trăm lý do khác nhau khiến họ không thể duy trì đời sống gia đình. Ở các nước Phương Tây, yêu nhau là họ sống với nhau như vợ chồng. Có người sống thử đến mấy chục năm rồi mới làm lễ cưới. Khi cưới, họ đã là ông bà nội ngoại. Nhà báo nổi tiếng Hoàng Anh Sướng đã dự một đám cưới như thế và lão cũng đã tổng thuật việc này trong loạt bài bàn về chuyện cưới. Như lão cũng đã kể, hồi còn là sinh viên, lão học ở nước Nga, ở chung phòng với ông bạn Nga Ivan Navichxki. Lão cũng đã viết khá nhiều về ông bạn vàng này. Khi yêu đương, Ivan cũng sống thử. Anh bạn có cô người yêu trẻ. Chàng cứ băn khoăn. Lão bảo bạn, nếu cần phải có một phòng riêng thì người phải ra khỏi phòng là Ivan chứ không phải mình đâu, vì mình là khách ngoại quốc. Vì thế, các bạn cứ thoải mái. Đừng quan tâm đến mình làm gì. Mất vui. Cứ coi như không có mình ở đây. Thế là họ... lên tiên. Còn lão nằm quay mặt vào tường và... đọc sách. Hai cái giường kê sát nhau trong căn phòng 18m2. Nhưng đó là hai thế giới hoàn toàn riêng biệt. Cả hai xứ sở đều tự do tuyệt đối. Ở các nước Phương Tây, họ không nặng nề về chuyện trinh tiết, miễn là yêu nhau, hợp nhau là đến với nhau. Không hợp thì chia tay. Tất cả đều nhẹ nhàng. Khi chia tay, vẫn dành cho nhau những lời tốt đẹp. Gần đây, báo chí xôn xao chuyện một ca sĩ rất nổi tiếng và xinh đẹp. Chị chuẩn bị lên xe hoa với một chàng trai kém chị khá nhiều tuổi. Anh chưa từng lấy vợ. Còn chị có hai con khá lớn và cũng đã bỏ chồng từ rất lâu rồi. Lão tin họ sẽ rất hạnh phúc. Họ là người Việt, nhưng chàng trai sống ở nước ngoài, cũng có thể xem như người Phương Tây. Người Phương Tây là thế đấy. Rất thoải mái. Họ không câu nệ, không nặng nề về quá khứ của vợ. Nhưng ở ta thì không có chuyện thế đâu. Ở ta, sống thử nguy hiểm lắm. Hầu hết rủi ro. Và rủi ro thì chỉ có phụ nữ phải gánh chịu. Đàn ông Việt rất ích kỷ. Ngay cả những gã phóng khoáng nhất, thậm chí sống rất trác táng, nhưng trong tình yêu, họ vẫn ích kỷ, vẫn đòi hỏi người vợ phải tinh khôi, trinh tiết. Khi “hiểu hết” người yêu rồi, họ lại nghi ngờ và rẻ rúng người tình ngay. Vì thế, ở Việt Nam, sống thử nguy hiểm lắm cháu ạ. Cần hết sức thận trọng. Lão không khuyên cháu sống khép mình như các bà, các chị thời phong kiến, nhưng cũng không thể buông tuồng được đâu. Cầu mong cháu hạnh phúc và sớm tìm được “một nửa” đích thực của mình.
Ở nước ta, sống thử vẫn ẩn chứa nhiều rủi ro.
Cháu và người yêu cũng yêu nhau được hơn 2 năm rồi. Cả hai đứa đều đã đi làm, dự định năm sau sẽ cưới. Chúng cháu yêu nhau lâu lắm rồi nhưng anh ấy chưa bao giờ tặng cháu bất cứ thứ gì, kể cả những ngày lễ tình yêu hay sinh nhật hoặc tết nhất. Cháu buồn lắm, nói với anh ấy rằng: “Anh tặng quà cho em đi, em thấy tủi thân lắm”. Người yêu cháu bảo: “Nếu em cảm thấy yêu anh tủi thân thì em chọn lại đi, vẫn còn kịp đấy”. Người yêu cháu không phải dạng keo kiệt, tụi cháu vẫn đi ăn, đi chơi mà. Nhưng cháu buồn vì cách phản ứng của anh ấy. Cháu đòi hỏi có quá đáng không thưa chú?
Thùy Dương (Tây Ninh)
Nhà thơ Trần Đăng Khoa: Những món quà tặng, nhiều khi không phải là vật chất đâu cháu ạ. Nó là cụ thể hóa của tình cảm. Ngay cả những anh chàng bủn xỉn, keo kiệt, khi yêu cũng rất lãng tử, phóng khoáng và hào hoa. Anh bạn của cháu không keo kiệt, mà lại không hề tặng cháu bất kỳ một món quà gì, kể cả trong dịp sinh nhật hay ngày lễ tình yêu, hoặc tết nhất thì lão thấy hơi lạ đấy, thậm chí là rất lạ. Cháu hãy lặng lẽ và tế nhị xem anh ấy có thật yêu mình không. Cháu có thể không cần quan tâm đến những món quà, nhưng rất cần biết tình cảm thực của anh ấy dành cho mình.
Biết đâu, anh ấy cũng đã từng yêu cháu thật lòng, nhưng bây giờ thì đã khác, nên có thể rất nhẹ nhàng và đơn giản tìm những lý do rũ bỏ: “Nếu em cảm thấy yêu anh tủi thân thì em chọn lại đi, vẫn còn kịp đấy”. Tình cảm con người ta, nhất là những người đang yêu không lạnh lùng và đơn giản như thế đâu. Cũng có thể anh ấy yêu cháu thật. Yêu cháu chân thành. Nhưng con người anh ấy thế. Nghĩa là rất khác người. Không giống với bất kỳ ai cả. Như thế thì cũng tốt. Nhưng cháu hãy cứ thử tưởng tượng xem, cháu có một người chồng. Anh ấy rất tốt, không bủn xỉn, keo kiệt. Không lăng nhăng trai gái. Rất thủy chung. Nhưng cũng chẳng bao giờ quan tâm đến vợ. Tiền em em tiêu. Tiền anh anh tiêu. Thế thì sao nhỉ? Tự dưng, lão thấy lạnh quá. Có lẽ lão cũng là kẻ lạc lõng, là kẻ khác người chăng?...
Tôi rất ghét những người phụ nữ đòi quà. Thật đấy! Tôi đang muốn nói tới những phụ nữ coi ngày 8/3 hay ngày Tết như một cơ hội để đòi hỏi, vòi vĩnh những món quà vật chất mà quên đi giá trị tinh thần của ngày này, anh Khoa ạ. Cái sự đòi hỏi thái quá ấy vô tình đã làm giảm giá trị của phụ nữ, là hành động tự hạ thấp mình và làm mất đi ý nghĩa của ngày Quốc tế Phụ nữ hay ngày Tết.
Nói đâu xa, một chị đồng nghiệp của cơ quan tôi kể, gần đến ngày Tết chị đã nói trước với chồng rằng: “Anh đừng quên quà đấy nhé. Em thích cái lọ nước hoa Channel, thích cái túi hiệu Gucci”. Chị cũng không quên đưa hẳn địa chỉ cửa hàng cho chồng chị đến mua, giá cả hợp lý đã được chị nghiên cứu từ lâu lại đỡ tốn công anh đi tìm. Tôi chỉ muốn qua báo Sức khỏe&Đời sống anh Khoa nói với các chị em phụ nữ rằng đừng để đàn ông cảm thấy sợ ngày Tết hay ngày 8/3. Hãy để họ chỉ tặng quà nếu họ muốn. Đôi khi, chỉ là một lời chúc chân thành tự đáy lòng thì chị em hãy lấy đó làm vinh dự chứ đừng “ra lệnh” và cũng đừng đòi quà một cách phô trương mà dễ làm đàn ông coi thường chị em.
Vũ Đình Tứ (Đà Nẵng)
Nhà thơ Trần Đăng Khoa: Bạn nói đúng quá. Ngày 8/3 là ngày của tình yêu. Ngày Tết cũng một phần thuộc cõi tinh thần. Như tôi cũng đã nói, quà tặng là cụ thể hóa của tình cảm. Nó đâu phải vật chất phàm tục. Và khi đã hóa tinh thần, nó rất trong sáng và thiêng liêng. Bởi thế, trong những ngày thiêng liêng ấy, ta cứ luẩn quẩn trong mấy thứ quà tặng, dù quà quý, như nước hoa Channel hay túi hiệu Gucci, xem ra cũng cứ tủn mủn thế nào. Ông chồng của chị cùng phòng với bạn có vẻ cũng là người kỹ tính. Nếu anh ấy trao thẻ lương cho vợ, để vợ tự rút khi cần chi tiêu trong gia đình, tiền của anh cũng là tiền của em, em là người quản lý. Và rồi trong ngày Tết Phụ nữ, ngày 8/3, anh hào phóng tặng vợ không phải 1 mà 10 lọ nước hoa Channel, 10 túi hiệu Gucci với màu sắc khác nhau “để em đeo đỡ tẻ”, chắc chắn bà vợ sẽ quy đổi thành một bó hoa, thậm chí chỉ một bông hoa. Một bông hồng tinh khôi và siêu thoát.
Hôm rồi em đi họp lớp đại học, gặp hai vợ chồng đứa bạn mà khiếp vía anh ạ. Bằng tuổi nhau mà anh bạn em trông xấu, già và tàn tạ như... ông ngoại. Lũ bạn trêu cô vợ, cũng là bạn của tụi em là: “Sao xài chồng hao dữ vậy”. Bạn em cười hề hề bảo: “Để ổng trẻ hoài, gái cướp mất còn đâu”. Nhớ ngày xưa còn đi học, anh bạn em rất đẹp trai và luôn ăn mặc tươm tất giờ vợ sắm cho toàn hàng vỉa hè, hạ giá, hàng lỗi mốt, màu sắc tối hù như đêm 30. Nhìn cách ăn mặc của anh, bạn bè ai cũng quở, cũng chê, chỉ có cô bạn em là gật gù: “Chồng xấu, chồng tàn mới là chồng mình”. Anh thấy cách bạn em giữ chồng như vậy có đúng không?
Kim Ngân (TP. Hồ Chí Minh)
Nhà thơ Trần Đăng Khoa: Mấy cô bạn em quả là rất thông minh và tinh quái như... yêu tinh. Nhưng giữ chân chồng bằng cách làm cho chồng tàn tạ, già nua như ông lão, như xác ướp Ai Cập, để đàn bà con gái trông thấy khiếp sợ thì vẫn cứ là... hạ sách. Hạ sách vì... nguy hiểm. Bởi mấy mụ hàng xóm chưa sợ thì mình đã sợ trước rồi. Làm sao còn thấy sung sướng khi được... ông lão yêu. Có khi ông ấy yêu rất nồng nàn, mình lại thấy ông ấy đang tra tấn. Mà tra tấn rất... tàn bạo. Phải cải lão hoàn đồng cho ông ấy đi. Biến hồn ma bóng quỷ thành giai... 18, thành “phi công trẻ lái máy bay bà già”. Trẻ thế mà yêu “chị”, đắm đuối “chị”. “Chị” vẫn “trói” được. Thế mới siêu!