Những người có hệ thống miễn dịch suy giảm như HIV/AIDS, ung thư, suy dinh dưỡng, mang thai... đều có khả năng bị lao kê.
1. Nguyên nhân gây lao kê
Lao kê vốn là bệnh lý đường máu nên rất nghiêm trọng. Nếu lao kê gây tổn thương ở nhiều cơ quan và bệnh nhân không được điều trị cũng như chăm sóc cẩn thận thì nguy cơ tử vong là rất lớn. Đây là thể cấp tính của lao tản mạn - thể hiện qua việc trực khuẩn lao lan tràn từ một tổn thương lao có trước, lây theo đường máu hoặc bạch huyết với số lượng lớn. Vi khuẩn lao càn quét tới đâu sẽ để lại nhiều tổn thương ở nơi đó: Phổi, màng phổi, màng não, màng bụng, gan, hạch, tủy xương, lá lách...
Tác nhân chính gây ra lao kê là vi khuẩn lao Mycobacterium tuberculosis hominis. Khi hệ miễn dịch suy yếu thì vi khuẩn có thể bùng phát mạnh, xâm nhập vào máu và phát tán đến nhiều cơ quan.
Lao kê xảy ra khi vi khuẩn lao từ một ổ nhiễm nguyên phát (thường là lao phổi) xâm nhập vào máu và lan rộng toàn cơ thể. Đây là điểm khác biệt so với lao phổi thông thường (chủ yếu giới hạn ở phổi) hay lao xương (chủ yếu ảnh hưởng đến hệ xương khớp).
Khi các tế bào bị nhiễm vi khuẩn lao, phương thức đáp ứng miễn dịch chống lại những tế bào bị bệnh được kích hoạt, thông qua tác động của tế bào trung gian - Lympho T. Nơi bị nhiễm bệnh sẽ nhanh chóng bị đại thực bào bao vây, từ đó hình thành nên những u hạt cho thấy sự hiện diện đặc trưng của lao kê.
Đặc biệt sau khi cơ thể đã hoặc đang phải trải qua những bệnh như sởi, viêm phổi, suy dinh dưỡng, mang thai, đái tháo đường, nhiễm HIV/AIDS... thì thường dễ nhiễm lao kê. Thông thường trẻ em, đặc biệt là trẻ nhỏ dưới 4 - 5 tuổi là đối tượng dễ mắc bệnh lao kê, tỷ lệ này ở người lớn sẽ ít hơn.

Lao kê vốn là bệnh lý đường máu nên rất nghiêm trọng.
2. Triệu chứng của lao kê
Sự khởi phát của các tổn thương lao kê trên da chính là giai đoạn vi khuẩn phát triển mạnh mẽ và gây ra các triệu chứng sau:
- Sốt cao kéo dài khoảng vài tuần, càng về chiều càng dễ sốt.
- Ớn lạnh.
- Vã mồ hôi trán, lưng.
- Mệt mỏi.
- Rối loạn hô hấp gây ho, ho có đờm hoặc ho ra máu, cơn ho kéo dài > 3 tuần hoặc lâu hơn.
- Mệt mỏi, suy nhược.
- Chán ăn, sụt cân.
Ngoài các triệu chứng chung trên, khi lao kê lây lan sang các cơ quan khác có thể phát sinh kèm theo các triệu chứng khác sau:
Viêm màng não: Dạng lao này xảy ra khi trực khuẩn lao tấn công sang các mô màng não và xung quanh não gây viêm nhiễm. Thể bệnh này đặc trưng với các triệu chứng như sốt cao, đau đầu, nôn ói, cứng cổ. khó chịu, lú lẫn, mơ hồ và thay đổi hành vi.
Lao màng đệm: Thể lao kê này là kết quả của sự tăng trưởng bất thường bên trong màng đệm. Tổn thương lao màng đệm gây ảnh hưởng đến mắt, suy giảm thị lực.
Tổn thương da: Xảy ra khi có các ổ khuẩn lao xuất hiện trên làn da do lây lan từ các cơ quan khác. Tổn thương da điển hình là sưng đỏ, vàng, hình thành các nốt sần, dễ vỡ và gây đau ngứa, hình thành vết loét, sẹo.
Lao tủy xương: Trực khuẩn lao lây lan đến các mô bên trong tủy xương, thường không có triệu chứng trong giai đoạn đầu. Nhưng đến giai đoạn nặng, bệnh tiến triển nặng gây đau nhức cột sống dữ dội, sưng cứng khó chịu, hạn chế cử động, hình thành áp xe cột sống và nhiều biến chứng nguy hiểm khác.
Nhiễm trùng gan: Sự lây lan của vi khuẩn lao đến gan khiến gan bị suy giảm chức năng, dẫn đến vàng da, vàng mắt, viêm gan và nặng nhất là suy gan. Các triệu chứng điển hình như đau bụng, nôn ói, thay đổi màu sắc phân và nước tiểu.
Ngoài ra lao kê có thể nhiễm trùng lây lan sang tuyến thượng thận, phát sinh các triệu chứng về bệnh suy thượng thận. Chẳng hạn như buồn nôn, nôn ói, mệt mỏi, sạm da, tụt huyết áp... cùng một số triệu chứng khác.
3. Lao kê có lây không?
Lao kê là tổn thương nhiễm trùng phổi do nhiễm trực khuẩn BK (Bacillus Koch) thuộc chủng Mycobacterium Tuberculosis. Vi khuẩn lây lan vào cơ thể theo đường máu đến phổi và lây lan sang các cơ quan khác như não, màng não, hạch, hệ tiết niệu... Hậu quả gây hình thành các ổ lao có kích thước khoảng 1 - 2mm như hạt kê. Đây là lý do vì sao dạng lao này được gọi là lao kê.
Bệnh lao kê thường lây qua đường hô hấp: Trong không khí có vi khuẩn lao, lây qua đường máu hoặc qua sữa mẹ. Nếu người bệnh không sớm được chẩn đoán và có biện pháp phòng ngừa thì rất dễ lây lan cho gia đình và cộng đồng.
4. Phòng ngừa lao kê
Việc tiêm phòng vaccine phòng lao BCG cho trẻ sơ sinh là biện pháp quan trọng giúp trẻ tránh nguy cơ mắc phải căn bệnh nguy hiểm này, từ đó ngăn chặn những ảnh hưởng tiềm ẩn đến hệ hô hấp và thậm chí là nguy cơ tử vong.
Vaccine phòng lao BCG đặc biệt hiệu quả trong việc ngăn chặn bệnh tiến triển thành các thể lao nguy hiểm, trong đó phòng ngừa lao kê.
Ngoài ra, để phòng ngừa bệnh hiệu quả cần thực hiện nghiêm túc khuyến cáo của ngành y tế về vệ sinh, phát hiện sớm trong cộng đồng, cụ thể: Giữ vệ sinh cá nhân: Cổ họng, răng miệng và cơ thể luôn sạch sẽ. Tránh tiếp xúc với người bị lao phổi, nếu tiếp xúc cần phải có biện pháp tránh lây nhiễm.
Nhà cửa và môi trường sống cần được vệ sinh sạch sẽ, thoáng mát. Chế độ ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng. Bỏ thuốc lá hoặc tránh khói thuốc lá. Duy trì lối sống tích cực, tránh căng thẳng, áp lực, stress. Tập thể dục thường xuyên để nâng cao sức đề kháng. Kiểm tra sức khỏe định kỳ để kịp thời phát hiện và điều trị.
5. Điều trị lao kê
Đến nay, việc điều trị lao kê cần tuân thủ một số nguyên tắc và phác đồ điều trị lao của chương trình phòng chống lao quốc gia.
Theo khuyến cáo của tổ chức Y tế Thế giới phác đồ điều trị bệnh lao kê tiêu chuẩn là sử dụng isoniazid và rifampicin trong 6 tháng, ethambutol và pyrazinamid ở hai tháng đầu tiên.
Nếu người bệnh có bằng chứng của viêm màng nào, thì việc điều trị kéo dài lên 12 tháng.
Nguyên tắc điều trị lao kê tương tự như những bệnh lao khác: Cần phải phối hợp các thuốc chống lao với nhau; Dùng thuốc đúng liều; Dùng thuốc đều đặn; Dùng thuốc đủ thời gian, qua 2 giai đoạn: Tấn công: 2 – 5 tháng và duy trì 12 – 18 tháng.
Ngoài việc sử dụng thuốc điều trị lao theo phác đồ, bệnh nhân còn được dùng thuốc triệu chứng, vitamin, nhất là phải tăng cường đầy đủ chất dinh dưỡng, đảm bảo năng lượng cho cơ thể.
Khi màng não, tim hoặc phổi bị tổn thương nặng nề, bác sĩ có thể chỉ định tiêm corticoid. Phẫu thuật được thực hiện khi xuất hiện các biến chứng như áp xe.