Lão hóa sớm do bệnh mạn tính và cách phòng ngừa

28-06-2023 06:39 | Khỏe - Đẹp

SKĐS - Lão hóa là một tiến trình tự nhiên tăng dần theo tuổi tác. Thông thường, chúng ta nhận biết lão hóa từ tuổi 35, nhưng quá trình này có thể đến sớm hay muộn hơn tùy thuộc vào mỗi người. Đặc biệt với người mắc bệnh mạn tính, tình trạng lão hóa xảy ra sớm hơn rất nhiều.

1. Bệnh mạn tính ngày càng gia tăng

Bệnh mạn tính gia tăng chủ yếu liên quan đến lối sống không lành mạnh. Tại Việt Nam, các yếu tố khiến bệnh mạn tính ngày càng gia tăng bao gồm:

  • Hút thuốc lá quá nhiều.
  • Sử dụng đồ uống có cồn với lượng lớn.
  • Thiếu vận động.
  • Chế độ dinh dưỡng không phù hợp.
  • Ô nhiễm không khí và các nguồn ô nhiễm khác từ môi trường

Trên thế giới, hút thuốc lá và hít khói thuốc lá thụ động là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu, với khoảng 7,2 triệu ca tử vong mỗi năm. Hơn 3,3 triệu ca tử vong có liên quan đến việc sử dụng đồ uống có cồn. Thiếu vận động thể thao cũng là một nguyên nhân gián tiếp gây ra khoảng 1,6 ca tử vong mỗi năm.

Lão hóa sớm do bệnh mạn tính và cách phòng ngừa - Ảnh 1.

Lão hóa là tiến trình tự nhiên của cơ thể.

Tại Việt Nam, theo ước tính của Bộ Y tế, ở thành thị, tỉ lệ trẻ em mắc bệnh béo phì đang ngày càng tăng. Tình trạng béo phì sẽ làm gia tăng các bệnh mạn tính như: Đái tháo đường type 2, tăng huyết áp, tim mạch, khớp… Đây là những bệnh làm gia tăng tình trạng lão hóa sớm và tỉ lệ tử vong sớm cũng tăng.

2. Vì sao bệnh mạn tính khiến cơ thể lão hóa sớm?

Đặc tính của quá trình lão hóa sớm là các bộ phận trong cơ thể lão hóa không cùng lúc. Tốc độ lão hóa cũng khác nhau. Ví dụ một người có thể bị đục thủy tinh thể sớm nhưng tim vẫn hoạt động tốt; thoái hóa khớp sớm, nhưng phổi vẫn hoạt động bình thường... Hoặc một người 50 tuổi nhưng nhìn chỉ như 40, nhưng có người mới ngoài 30, nhìn như đã như ngoài 40 tuổi... Những điều này xảy ra là do bệnh mạn tính làm cho các bộ phận mắc bệnh đó suy yếu và ảnh hưởng tới tốc độ lão hóa nhanh ở bộ phận đó.

Cụ thể: Người béo phì, mắc các bệnh tim mạch, tăng huyết áp… sẽ khiến hệ tuần hoàn lão hóa sớm. Người mắc bệnh về xương khớp sẽ khiến hệ vận động lão hóa sớm; người mắc đái tháo đường sẽ khiến các bộ phận, cơ quan, toàn bộ hệ thống của cơ thể lão hóa sớm.

Lão hóa sớm do bệnh mạn tính và cách phòng ngừa - Ảnh 2.

Mắc bệnh đái tháo đường khiến cơ thể lão hóa sớm.

3. Dự phòng lão hóa do bệnh mạn tính

Khi cơ thể lão hóa, không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe mà còn khiến dung nhan kém sắc. Chẳng hạn, với người mới ngoài 30 mà nhìn già như sắp 50 sẽ thấy thiếu tự tin. Người mới 50 mà toàn bộ hệ vận động suy yếu do mắc bệnh xương khớp, nhìn sẽ tiều tụy… Điều này làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng sống, cả về thể chất, lẫn tinh thần.

Lão hóa tự nhiên là điều không thể tránh khỏi, cũng không có thuốc "cải lão hoàn đồng". Dù vậy vẫn có cách để duy trì sức khỏe, tránh lão hóa sớm. Với người lão hóa sớm do mắc bệnh mạn tính, điều đầu tiên là cần phòng bệnh mạn tính không lây ngay từ khi còn trẻ (với người có yếu tố nguy cơ cao càng cần chú ý) và kiểm soát tốt bệnh nếu đã mắc.

4. Các biện pháp phòng bệnh mạn tính bao gồm:

- Có chế độ ăn cân bằng dinh dưỡng khoa học: Bổ sung đủ dinh dưỡng, tăng cường rau xanh, quả tươi và ngũ cốc nguyên hạt. Sử dụng chất béo không bão hòa. Uống đủ nước mỗi ngày. Giảm ăn muối và đường. Không dùng các chất kích thích như rượu bia, thuốc lá...

- Tăng cường vận động phù hợp với thể lực: Trung bình mỗi ngày nên luyện tập 30 phút, ít nhất 5 lần mỗi tuần.
- Duy trì cân nặng khỏe mạnh: Không để thừa cân béo phì, cũng không để cơ thể suy nhược vì chế độ ăn kiêng.
- Sàng lọc các bệnh mạn tính định kỳ và điều trị, kiểm soát tốt các bệnh mạn tính để tránh bệnh tiến triển gây ra các biến chứng

5. Chăm sóc dung nhan từ bên ngoài

Với người mắc bệnh mạn tính có dấu hiệu lão hóa sớm, việc điều trị bệnh từ bên trong, kết hợp với dưỡng nhan từ bên ngoài là hết sức cần thiết. Trong đó việc chăm sóc da, tóc để có một vẻ ngoài chỉn chu, tươi tắn cũng giúp trẻ ra nhiều tuổi.

- Với tóc: Có thể lựa chọn kiểu phù hợp với khuôn mặt, tính chất cũng như độ dày mỏng… của tóc. Điều này có thể tham khảo ý kiến của chuyên gia làm tóc. Tuy nhiên nên tránh tối đa sử dụng hóa chất.

Chẳng hạn với người làm tóc thời trang, chỉ nên uốn, nhuộm 1-2 lần mỗi năm. Với người xuất hiện tóc bạc quá sớm, nếu không nhuộm tóc nhìn sẽ già nua trước tuổi, nhưng nếu mỗi tháng đi phủ bạc 1 lần cũng vô cùng nguy hiểm, trong đó có yếu tố nguy cơ dẫn đến ung thư do hóa chất từ thuốc nhuộm tóc.

Nên lựa chọn cách dùng tóc giả để che phủ phần tóc bạc khi cần thiết. Hiện nay, có nhiều kiểu tóc giả, với nhiều màu, nhiều lựa chọn và việc sử dụng khá thuận tiện, có thể giúp người dùng làm đẹp tự nhiên.

- Với da: Việc chăm sóc da là yếu tố không thể thiếu trong quá trình ngăn ngừa lão hóa sớm. Quy trình chăm sóc da vẫn theo các bước: Làm sạch - dưỡng da - chống nắng. Lựa chọn sản phẩm nào, cách dùng ra sao có thể tư vấn bác sĩ da liễu hoặc chuyên viên về chăm sóc da.

Mời độc giả xem thêm video:

Chủ cơ sở làm đẹp bị biến dạng mũi sau 9 lần “sửa chữa” trong 10 năm - SKĐS

Quỳnh Hương
Ý kiến của bạn