Thời gian vừa qua, trên các mặt báo bỗng nóng lên sự kiện dân làng cổ Ðường Lâm đua nhau làm đơn “xin trả lại danh hiệu làng cổ”. Ðó cũng là một cái cớ để họa sĩ Phan Kế An đưa chúng tôi về thăm lại làng quê của ông. Bình thường, không có cớ gì thì ông tự “sáng tác ra cớ” để về, về một mình thì vô duyên, thế nào cũng phải kéo một vài bạn tâm đầu ý hợp để có nhắc nhớ những kỷ niệm về làng quê còn có người nghe…
Lần về này, ông chỉ muốn cho chúng tôi thăm những di tích, cảnh quan chủ yếu của ngôi làng cổ, vì ông bảo: “Tuần trước về tôi đã “chịu trận” với các ông bà hàng xóm. Nhiều ông bà cứ tưởng tôi ở Hà Nội quen biết các vị quan chức thành phố nhiều, nói là họ nghe ra. Đặc điểm di sản Đường Lâm là “di sản sống”. Mỗi gia đình chỉ cần trong hai chục năm là một thế hệ trẻ con đã thành người lớn, phải lo dựng vợ gả chồng cho chúng. Nếu không được lên tầng thì cơi nới vào đâu cho vợ chồng con cái chúng ở khi đất xây dựng trong khu bảo vệ chỉ có vậy! Cho nên vấn đề lớn nhất hiện nay là thực hiện được khu giãn dân với bao nhiêu điều liên quan đến chế độ chính sách về nó...”.
Ông cho dừng xe ngay cổng làng, đưa chúng tôi đi ven con đường cạnh một hồ sen lớn. Chưa vào đến căn nhà của chủ hồ, một người đàn ông trạc tuổi 50 đã vồn vã ra đón chúng tôi: “Bác An hôm nay sao về quê muộn vậy? Mời các vị vào trong nhà xơi nước!”. Ông An ôm lấy vai chủ nhân: “Lần trước tôi về với các nhà báo, cần đi sớm để các chú ấy còn xục xạo, phỏng vấn bà con. Hôm nay là các nhà thơ, nhà nhiếp ảnh...chỉ cần cảnh đẹp, tôi cũng cần thư giãn đầu óc, nên ông cho bộ chõng tre ra đây là hay nhất!”.
Quả là con mắt họa sĩ chọn góc độ rất đắt, ông lại là thổ công đất này. Chúng tôi ngồi trên những chiếc ghế tre có tựa mà ngắm cái cổng làng cổ, một góc ngắm thật tuyệt, có lẽ cái cổng làng đó có thể tiêu biểu cho cả vùng Bắc Bộ với cây đa hàng vài trăm tuổi xum xuê...
Tác giả và họa sĩ Phan Kế An tại vườn nhà cụ Phan Kế Toại. |
Chúng tôi giải nhiệt với vài lon bia ướp lạnh chủ nhân mang ra. Họa sĩ không quên căn dặn chủ nhân chuẩn bị cho bữa nhắm trưa nay. Hóa ra người chủ hồ đã biết tận dụng ưu thế cảnh quan nơi đây với mặt hồ nếu không mùa sen nở thì lá sen cũng xanh mát mắt, chỗ ngồi dưới rặng tre đầy bóng mát, cá nuôi dưới hồ sẵn sàng đáp ứng khẩu vị của mọi thực khách sành ăn - Một điểm dừng chân lý tưởng cả trước và sau khi du khách thăm làng.
Chúng tôi lên xe vào viếng lăng Ngô Quyền và đền thờ Phùng Hưng, nhà thờ Thám hoa Giang Văn Minh giữa thôn Mông Phụ vẫn còn giữ được nguyên vẹn sau bao biến thiên của giông bão, chiến tranh... sau đó chúng tôi đi thăm đình Mông Phụ, ngôi đình từ đời Lê rất đẹp, sạp gỗ quý còn giữ được nguyên lành. Chúng tôi đến khi mấy bô lão đang treo đôi câu đối của GS. Vũ Khiêu từ Hà Nội gửi tặng. Nhà thờ cụ Phan Kế Toại ở ngay gần đình, mà con cháu đều lập nghiệp ở thành phố, chỉ khi cúng giỗ mới về tề tựu.
Được ngồi trên sạp gỗ đời Lê mà bàn chuyện đời nay là một cái thú hiếm có!
Gợi đến chuyện dân làng xin “trả lại danh hiệu” làng cổ, không biết lão họa sĩ Phan Kế An nghĩ thế nào? Và không biết ông có nắm được tình hình làng quê, khi tai ông đã có vấn đề, phải đeo máy trợ thính mà vẫn phải bút đàm ông mới hiểu chuyện.
Cổng một ngôi nhà cổ hơn 300 năm ở Đường Lâm. |
Rút từ trong túi dết ra một xấp báo có những bài viết về Đường Lâm, chúng tôi thấy bài nào ông cũng có đánh dấu những ý quan trọng, có lúc đánh dấu hỏi, có lúc dấu chấm than rất đậm. Như thói quen, đụng đến vấn đề quan trọng đến đâu, ông cũng bông phèng được: Ngoài tuổi 90 rồi! “lão giả an chi” được rồi! Các cậu tưởng mình không nghe được là không cập nhật được tình hình ư? Sai rồi! Chỉ có điều...mỗi khi nảy ra một ý tưởng ngỡ như chưa ai nghĩ đến, chưa kịp đề xuất thì đã thấy báo chí đề cập đến rồi. Tỷ như ai cũng rõ việc giãn dân là quan trọng nhất, nhưng dân không có tiền thì giá đất phải ưu đãi thế nào để không trở thành món nợ cả đời dân không trả được thì đọc báo, đã thấy ông Phó Chủ tịch UBND xã mình lên tiếng: “Do thu nhập của người dân còn thấp, thành phố nên tạo điều kiện miễn tiền đất giãn dân cho các hộ dân...”. Khi tôi định có ý kiến về quy hoạch thì ông Cục trưởng Cục Di sản cho biết: “...Hiện nay, quy hoạch tổng thể đã làm khá chi tiết, phân loại rõ 4 loại nhà ở làng cổ... Cũng dễ hiểu, các cô chú ấy ăn lương Nhà nước, ở những cương vị phải có chuyên môn sâu từng vấn đề... mình có góp ý may chăng là trong lĩnh vực hiểu biết của mình: thí dụ góp ý cho những mẫu nhà khu giãn dân và sửa chữa những ngôi nhà cổ đang bảo tồn sao cho phù hợp với phong cách truyền thống...”.Phan Kế An ngưng một chút, rồi nhấn giọng như những lúc ông phải nói lời tâm huyết: “Nhưng làm gì thì làm, các nhà chức trách nên nghĩ đến dân, đến đời sống của người dân trước hết. Họ đã có công giữ gìn di sản, nay lại phải rời nơi cha sinh mẹ đẻ để lập cư nơi khác... Tiền để hỗ trợ ư? Thì nguồn thu du lịch đó, mỡ nó rán nó... Tôi tán thành với nhan đề bài báo của nhà báo Chí Dũng (Nhân dân 23/5/2013): Cần có cơ chế đặc thù với làng cổ Đường Lâm. Nhà báo đã tóm lược được ý kiến của vị Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị, phải giải quyết mọi vấn đề sao cho “người dân sống trong nhà cổ nhưng vẫn đáp ứng yêu cầu của cuộc sống hiện đại”.
Vân Long