Lão hóa có đáng sợ như ta nghĩ?

14-12-2020 09:13 | Dinh dưỡng
google news

SKĐS - Lão hoá ở con người là quá trình không thể chống lại, nhưng chúng ta có thể làm chậm lão hóa nếu hiểu đúng và trang bị cho mình những kiến thức về quá trình này.

Hiểu đúng về lão hóa

Mọi người thường nghe nhiều đến cụm từ lão hoá, nhưng không phải ai cũng hiểu “lão hóa là gì”. Theo đó, lão hoá là quá trình sinh lý bình thường nhưng diễn tiến trong cơ thể con người khác nhau. Nhắc đến lão hóa, đa số mọi người xem đó là một hiện tượng đáng sợ bởi bước tới quá trình này chức năng của các cơ quan cơ thể yếu dần, da nhăn nheo, hệ miễn dịch, hệ tim mạch, hô hấp đều suy giảm...

Ảnh minh họa.

Lão hoá chia thành 2 loại: lão hóa bình thường và lão hoá bệnh lý. Quá trình lão hoá bình thường là các bộ phận các cơ quan của cơ thể đều già đi và đáp ứng với môi trường xấu hơn, chậm hơn. Ví dụ tim mạch co bóp chậm hơn, yếu hơn so với tuổi trẻ, hoặc khi thể dục vận động tuổi 40 – 50, sự thay đổi nhịp tim khi trẻ sẽ tốt hơn là khi chúng ta già. Điều này cho thấy chúng ta phải có quá trình khởi động, thích nghi. Hay cơ quan hô hấp, nếu như khi trẻ, phổi chúng ta nở tối đa phù hợp cơ thể nhưng khi lão hoá thì phổi kém đi. Đặc biệt trong quá trình lão hoá là hệ cơ xương khớp, thoái hoá khớp. Khi trên 40, 50 tuổi thì tình trạng loãng xương sẽ nhiều hơn….

Những ảnh hưởng tích cực, tiêu cực đến lão hoá làm đẩy nhanh quá trình lão hoá, đó là môi trường sống không thuận tiện, thói quen sinh hoạt không hợp lý. Đặc biệt nếu không tập thể dục, có bệnh lý đái tháo đường, tăng huyết áp sẽ đẩy nhanh quá trình lão hoá.

Lão hoá ở nam và nữ có mốc thời điểm khác nhau. Đối với nữ giới, dấu mốc nhận rõ ràng hơn là giai đoạn mãn kinh và xung quanh giai đoạn tiền mãn kinh, liên quan đến nội tiết, buồng trứng giảm không phóng noãn nữa, không hoạt động. Dấu hiệu của lão hoá ở phụ nữ là da sạm, nhăn nheo, bốc hoả, khó thích nghi hoà nhập. Trong khi đó, đối với nam giới, lão hóa thể hiện việc giảm hocmon sinh dục. Có người không biểu hiện rõ ràng, có người giảm tập trung, ham muốn chuyện chăn gối, cáu kỉnh tương tự như phụ nữ ở giai đoạn tiền mãn kinh và mãn kinh.

Làm gì để “hãm” quá trình lão hóa?

“Lão hoá không có gì đáng sợ” - đó là khẳng định của các chuyên gia y tế. Để không bị lão hóa sớm, ngay từ tuổi 30 trở đi, mỗi người cần phải có ý thức chống lão hoá. Chế độ ăn uống, tập luyện cần khoa học và hợp lý, tránh kích thích căng thẳng, hoạt động công việc đúng mức.

Bên cạnh đó, chúng ta có thể làm chậm lại lão hóa bằng chế độ dinh dưỡng khoa học, ăn cân bằng chất bột đạm béo, đủ vitamin khoáng chất theo nhu cầu khuyến nghị, giàu chất chống oxy hóa giảm bớt sự lão hoá của tế bào. Chế độ ăn nhiều rau xanh giúp ích sức khỏe, chống lão hóa tốt.

Tập luyện thể dục thể thao cũng là chìa khóa giúp tăng cường miễn dịch; ngủ đủ giấc, cuộc sống vui vẻ hạnh phúc giúp chúng ta làm chậm quá trình lão hoá…

Theo khảo sát nhóm nhỏ mới được công bố gần đây tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương năm 2020 của Công ty dinh dưỡng Herbalife Nutrition, người châu Á có cái nhìn rõ ràng về tầm quan trọng của lão hóa lành mạnh đối với bản thân. 7/10 người được hỏi cho biết họ có thói quen lựa chọn dinh dưỡng, tham gia nhiều hoạt động... để bản thân lão hóa lành mạnh. Các biện pháp đưa ra gồm có: Tạo ra các lựa chọn dinh dưỡng tốt hơn (73%); tham gia vào nhiều hoạt động thể chất thường xuyên hơn (69%); tham gia vào các hoạt động hoặc sở thích nâng cao sức khỏe tinh thần (50%); sử dụng thực phẩm dinh dưỡng bổ sung để thúc đẩy lão hóa lành mạnh (46%); đi khám sức khỏe định kỳ thường xuyên hơn (42%).


Ý kiến của bạn