1. Lao hệ tiết niệu sinh dục là gì? Nguyên nhân gây bệnh?
Lao hệ tiết niệu sinh dục là do nhiễm khuẩn Mycobacterium tuberculosis ở đường tiết niệu hoặc cơ quan sinh dục. Nhiễm trùng thường bắt đầu từ nhiễm trùng tại phổi mạn tính, lây lan qua đường máu rồi đi đến thận, mào tinh hoàn hoặc ống dẫn trứng. Các cơ quan thuộc hệ tiết niệu sinh dục khác bị ảnh hưởng bởi sự lây lan tại chỗ: Lao thận, niệu quản và bàng quang.
Lao hệ tiết niệu sinh dục đứng thứ hai sau lao phổi, có khoảng 1/6 các bệnh nhân lao phổi có lao các cơ quan khác ngoài phổi như lao hạch, ruột, xương, thận. Nguy cơ này tăng gấp 2 ở những bệnh nhân bị suy giảm miễn dịch, dinh dưỡng hoặc điều kiện sống kém.
Tác nhân gây bệnh lao hệ tiết niệu sinh dục phổ biến nhất liên quan đến bệnh lao là Mycobacterium tuberculosis. Vi khuẩn này có thể tồn tại bên trong cơ thể người trong rất nhiều tháng, thậm chí nhiều năm nhưng thường gây bệnh khi cơ thể suy nhược hoặc khi suy giảm hệ miễn dịch và sức đề kháng. Vi khuẩn lao có thể phát triển và gây bệnh tại phổi hoặc các cơ quan khác như hạch, xương khớp, hệ tiết niệu, hệ sinh dục, hệ tiêu hóa,...
Nguyên nhân chính gây ra bệnh lao hệ tiết niệu sinh dục là do vi khuẩn lao họ Mycobacterium tuberculosis.
Đối với lao hệ tiết niệu sinh dục, vi khuẩn lao sẽ gây bệnh sau một thời gian dài tiềm ẩn không triệu chứng. Ban đầu, chúng sẽ tồn tại ở phần vỏ thận và dần dần xâm nhập các tổ chức trong thận. Tiếp đó chúng sẽ di chuyển xuống niệu quản, bàng quang và gây bệnh. Vi khuẩn lao cũng có thể lây lan và gây bệnh tại tuyến tiền liệt, tinh hoàn, ống dẫn tinh ở nam giới hay tử cung và buồng trứng ở nữ giới.
Người bệnh được điều trị lao hệ tiết niệu sinh dục sớm thì sẽ tránh được sự lây nhiễm đến các cơ quan khác trong cơ thể.
2. Các loại lao hệ tiết niệu sinh dục
Lao thận: Ở thận, nhiều u hạt tích tụ và hình thành các ổ lao, thường ở cả hai bên, vỏ thận và cấu trúc nằm cạnh cầu thận, chúng có thể ở trạng thái không hoạt động trong nhiều thập kỷ. U hạt phát triển có thể ăn mòn vào hệ thống đài thận, từ đó lây lan trực khuẩn đến bể thận, niệu quản, bàng quang và các cơ quan khác của hệ tiết niệu sinh dục.
Lao niệu quản: Là một phần mở rộng của bệnh từ thận, thường là đến điểm nối giữa niệu quản - bàng quang và phát triển ở khoảng một nửa số bệnh nhân bị lao thận.
Lao bàng quang: Là lao thứ phát sau lao thận,thường bắt đầu ở lỗ niệu quản. Các trường hợp nặng thường xâm lấn đến toàn bộ thành bàng quang, các lớp cơ dưới cùng được thay thế bằng mô xơ, do đó tạo ra bàng quang xơ dày.
Lao mào tinh hoàn và tinh hoàn: Ở trẻ em thường gặp lao mào tình hoàn do nhiễm trùng đi từ phổi qua máu đến tinh hoàn và mào tinh hoàn, trong khi ở người lớn, viêm mào tinh hoàn do lao thường do lây lan trực tiếp từ đường tiết niệu.
Bệnh lao tuyến tiền liệt: Cũng lây lan qua đường máu, nhưng tình trạng này rất hiểm; tuy nhiên, trong số những người bị ảnh hưởng, 85% cũng bị lao thận.
Lao sinh dục và niệu đạo: Lao niệu đạo là thứ phát sau lao sinh dục. Bệnh nhân lao sinh dục và niệu đạo có vết loét lao nông trên dương vật hoặc ở đường sinh dục nữ thứ phát do tiếp xúc với vi khuẩn lao trong khi giao hợp. Loét dương vật có thể gây viêm hang lan đến niệu đạo. Dạng lao này có thể liên quan đến tử cung và ống dẫn trứng, gây ra hẹp.
Bệnh lao sinh dục nữ: Lao sinh dục nữ thường là thứ phát và là kết quả của sự phát tán qua đường máu, lan truyền theo đường bạch huyết hoặc lan truyền trực tiếp của vi khuẩn lao từ vị trí nhiễm trùng ban đầu.
3. Các triệu chứng của lao hệ tiết niệu sinh dục
Triệu chứng của lao hệ tiết niệu sinh dục thường kín đáo. Biểu hiện đầu tiên thường gặp là mệt mỏi, sốt về chiều, đổ mồ hôi ban đêm. Nếu bị ở bàng quang, bệnh nhân sẽ có hội chứng viêm bàng quang, như đái khó, đái dắt, đôi khi đái ra máu đại thể ở cuối bãi. Khám lâm sàng thường âm tính, vùng thận có thể đau khi sờ nắn.
Lao hệ tiết niệu sinh dục thường được phát hiện muộn sau khi đã được chẩn đoán và điều trị các nguyên nhân như nhiễm khuẩn tiết niệu, sỏi thận, ung thư thận... Tuy nhiên, vẫn có một số triệu chứng thường gặp sau đây:
Rối loạn bài tiết nước tiểu: Biểu hiện bằng các triệu chứng của viêm bàng quang (60 - 70% trong lao tiết niệu) như đái dắt, nhất là về đêm, đái buốt cuối bãi. Những triệu chứng này có khi thường xuyên, có khi không rõ. Bệnh diễn biến từng đợt thường giảm rồi lại xuất hiện trở lại. Những triệu chứng này giống với triệu chứng của bệnh nhiễm trùng tiết niệu.
Tiểu ra máu: Là dấu hiệu thường gặp thường là số lượng ít, đái ra máu nhưng không đau, hay tái đi tái lại, hay gặp đái ra máu toàn bãi, có thể chỉ đái ra máu vi thể, chỉ xác định được bằng xét nghiệm nước tiểu.
Tiểu ra mủ: Bệnh nhân có thể chỉ tiểu ra mủ, dịch mủ này nuôi cấy âm tính với vi khuẩn thông thường.
Đau vùng thắt lưng: Bệnh nhân có cảm giác nặng hoặc đau nhẹ vùng thắt lưng, đôi khi gặp cơn đau quặn thận do tổn thương gây chít hẹp đường bài tiết nước tiểu, hoặc mảng bã đậu di chuyển theo đường bài tiết nước tiểu gây tắc tạm thời, gây co thắt niệu quản.Các triệu chứng khác: Có thể sẽ phát hiện lao khi có viêm bàng quang, thăm dò trực tràng đôi khi thấy lao lan tới các túi tinh và tuyến tiền liệt (có những chỗ rắn lại). Nếu bị lao, mào tinh hoàn to lên và rắn, có thể có các lỗ rò do lao ở tầng sinh môn.
Ở phụ nữ có thể bị viêm phần phụ, bị vô sinh, kinh nguyệt không đều và có khi bị viêm phúc mạc, cần phải khám lâm sàng thật kỹ để phát hiện ổ lao ngoài thận, nhất là lao phổi, lao bạch huyết hay lao xương.
4. Lao hệ tiết niệu sinh dục có lây không?
Bệnh lao là một bệnh có khả năng lây nhiễm cao. Lao hệ tiết niệu sinh dục cũng không ngoại lệ, khả năng lây lan bệnh cũng có thể xuất phát từ lao phổi trước đó qua đường hô hấp. Hầu hết những người có tiếp xúc gần với bệnh nhân lao sẽ có thể hít phải các vi khuẩn lao vào cơ thể. Các vi khuẩn lao sẽ theo đường hô hấp tới phổi và phế quản, sau đó sẽ theo đường máu để di chuyển đến các vùng cơ quan khác nhau.
Mặc dù việc lây nhiễm lao trực tiếp qua đường quan hệ tình dục với người mắc lao hệ tiết niệu sinh dục cũng có khả năng, nhưng không mạnh bằng lây truyền gián tiếp qua đường hô hấp khi tiếp xúc với người mắc lao phổi tiến triển.
Vi khuẩn lao cũng có thể lây trực tiếp từ cơ quan sinh dục người mắc lao hệ tiết niệu sinh dục sang cơ quan sinh dục của đối tác. Vì vậy, cần bảo vệ bản thân bằng cách sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục.
Hầu hết những trường hợp bệnh nhân bị mắc lao hệ tiết niệu sinh dục đều bắt nguồn từ bệnh lao phổi. Chính vì vậy, ngay khi phát hiện những triệu chứng đầu tiên có liên quan đến lao phổi, người bệnh cần tìm tới các cơ sở y tế uy tín để điều trị kịp thời, tránh nguy cơ bệnh lây lan rộng hơn.
5. Phòng bệnh lao hệ tiết niệu sinh dục
Lao hệ tiết niệu sinh dục có thể gây ra nhiều ảnh hưởng đến đời sống và sức khỏe của người bệnh. Bệnh nhân cần chủ động thăm khám và điều trị ngay khi nhận thấy cơ thể có dấu hiệu nghi ngờ. Với người chưa nhiễm bệnh, cần tập trung phòng bệnh như sau:
- Trường hợp bệnh nhân được chẩn đoán lao phổi, cần điều trị theo đúng phác đồ để tránh nguy cơ vi khuẩn lao lan rộng gây bệnh lao ngoài phổi, trong đó có tình trạng lao hệ tiết niệu sinh dục.
- Nếu phát hiện bị lao thận, cần điều trị triệt để.
- Vi khuẩn lao có thể lây lan giữa người với người thông qua đường hô hấp, qua tiếp xúc với đồ vật có chứa dịch tiết của bệnh nhân,... Nếu trong gia đình có người mắc lao, tốt nhất nên tạm thời ở riêng, hạn chế tiếp xúc, không ăn uống chung, đồng thời tầm soát bệnh lao cho thành viên trong gia đình.
- Không đến những khu vực có dịch bệnh về đường hô hấp, bệnh lao để tránh nguy cơ lây nhiễm bệnh. Ở những nơi có nguy cơ lây nhiễm cao, cần đeo khẩu trang bảo vệ hô hấp đạt tiêu chuẩn.
- Người chăm sóc bệnh nhân lao phải trang bị đồ bảo hộ và vệ sinh tay với xà phòng sát khuẩn thường xuyên.
- Tiêm vaccin BCG nhằm giúp cơ thể hình thành miễn dịch chống lại bệnh lao.
- Khi quan hệ tình dục nên sử dụng bao cao su để tránh lây nhiễm lao hệ tiết niệu sinh dục.
- Ăn uống, sinh hoạt lành mạnh giúp tăng sức đề kháng, phòng ngừa các bệnh lý ảnh hưởng sức khỏe.
- Khám sức khỏe định kỳ, tầm soát bệnh lao nếu có dấu hiệu nghi ngờ.
6. Điều trị bệnh lao hệ tiết niệu sinh dục thế nào?
Khi nghi ngờ mắc lao sinh dục tiết niệu, người bệnh cần đến đi khám để được điều trị kịp thời, tránh biến chứng. (Ảnh minh hoạ).
Lao hệ tiết niệu sinh dục gây ra nhiều triệu chứng khó chịu. Bệnh lý có tính chất lan rộng nhanh, việc tầm soát trên các bộ phận hầu như rất khó thực hiện. Bệnh nhân cần xét nghiệm để tìm vi khuẩn lao, điều trị sớm để giảm thiểu các rủi ro không mong muốn.
Một số ít trường hợp bệnh nhân sau nhiều năm mắc lao hệ tiết niệu sinh dục tự khỏi mà không cần điều trị. Tuy nhiên con số này rất thấp, trong khi đó hầu hết các trường hợp đều gặp phải tình trạng phá hủy thận, vi khuẩn gây hại tấn công đến các cơ quan lân cận.
Hiện nay, để điều trị bệnh lao hệ tiết niệu sinh dục, bác sĩ có thể chỉ định cho người bệnh sử dụng thuốc hoặc áp dụng điều trị ngoại khoa khi cần thiết.
Điều trị nội khoa
Sử dụng thuốc kháng lao cho bệnh nhân, nhằm ngăn chặn sự tấn công lan rộng của chúng trong hệ tiết niệu sinh dục. Thuốc được chỉ định phù hợp với từng bệnh nhân, các loại như:
- Thuốc có tác dụng diệt khuẩn nội bào (Pyrazinamide) và thuốc kháng sinh diệt khuẩn ngoại bào (Streptomycine).
- Thuốc kháng sinh có tác dụng diệt khuẩn sinh sản mạnh dùng kết hợp với thuốc diệt khuẩn sinh sản chậm nhằm tăng cường phòng vệ, loại bỏ vi khuẩn lao gây hại.
Trong tháng đầu tiên, thuốc cần được sử dụng với liều cao. Sau khi có hiệu quả kiểm soát vi khuẩn, liều lượng sẽ giảm dần với mục đích duy trì, củng cố. Một số thuốc khác cũng được kết hợp khi cần thiết.
Thời gian điều trị thông thường:
- Trường hợp nhẹ: Sử dụng thuốc điều trị trong 9 tháng. Lúc này các nhóm thuốc được dùng thông thường là RPM, INH, AMB hoặc PZA, dùng riêng lẻ hoặc kết hợp sử dụng trong 3 tháng đầu. Sau đó sử dụng liều duy trì với liều lượng phù hợp trong 6 tháng tiếp theo.
- Trường hợp nặng: Sử dụng các loại thuốc điều trị lao kéo dài 16 tháng nhằm loại bỏ vi khuẩn lao một cách hiệu quả nhất. Sử dụng liều tấn công mạnh trong 3 tháng đầu, sau đó duy trì điều trị xuyên suốt 13 tháng tiếp theo với các loại thuốc được phân bổ phù hợp.
Những đối tượng bị lao tại thận có dấu hiệu hẹp niệu quản đài thận cần sử dụng thuốc chống lao kết hợp với corticoids. Sau khi niệu quản trở lại trạng thái bình thường thì ngưng sử dụng corticoid. Trường hợp tình trạng không thuyên giảm phải chuyển sang điều trị ngoại khoa.
Điều trị ngoại khoa
Để giảm thiểu các rủi ro cho bệnh nhân, những trường hợp lao hệ tiết niệu sinh dục nặng cần thực hiện phẫu thuật để điều trị. Cắt một bên thận hoặc toàn bộ thận, niệu quản được chỉ định nếu hai bộ phận này bị tổn thương suy giảm chức năng nặng, xảy ra tình trạng ứ mủ.
Bệnh nhân sẽ được phẫu thuật để nạo sạch hang lao, dùng thuốc kháng sinh để diệt toàn bộ vi khuẩn. Nam giới bị ảnh hưởng tinh hoàn, mào tinh cần phải phẫu thuật để loại bỏ mủ, nang lao ống tinh,... Nữ giới bị lao tiết niệu sinh dục nặng phẫu thuật điều trị bằng biện pháp phù hợp.
Áp dụng điều trị ngoại khoa thường dành cho bệnh nhân mắc lao ngoài phổi không đáp ứng điều trị bằng thuốc. Tuy nhiên, phương án can thiệp ngoại khoa thường xâm lấn, tiềm ẩn không ít rủi ro. Bệnh nhân nên đến bệnh viện lớn, có bác sĩ chuyên khoa giỏi để thăm khám và nhận tư vấn điều trị tốt nhất.