Đây là tuyến đường có trị giá khoảng 5 tỷ USD đã được Chính phủ Lào và Việt Nam đồng ý cùng phát triển, sẽ cho phép Lào tiếp cận cảng nước sâu Vũng Áng - cảng biển gần nhất với thủ đô Vientiane.
Tờ báo dẫn lời Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Thương mại Dầu khí Lào (PetroTrade), một trong những nhà đầu tư tham gia vào dự án, ông Chanthone Sitthixay cho biết nhà phát triển của phía Lào sắp trình kết quả nghiên cứu khả thi đoạn tuyến đường sắt đi qua Lào lên Bộ Công chính và Vận tải để phê duyệt.
Trong khi phía bên Việt Nam, một doanh nghiệp nhà nước của Việt Nam đã được thuê để thực hiện nghiên cứu khả thi đoạn tuyến đường sắt ở Việt Nam. Nghiên cứu dự kiến sẽ hoàn thành vào tháng 6/2022 và sau đó sẽ được trình lên Quốc hội Việt Nam để thông qua vào giữa năm nay.
Trước đó, một nghiên cứu khả thi về tuyến đường sắt được đề xuất đã được Cơ quan Hợp tác Quốc tế Hàn Quốc (KOICA) tiến hành và cho thấy dự án này là khả thi.
Theo ông Chanthone, người cũng giữ chức Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Quốc gia Lào, Tập đoàn FLC, một trong 10 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam và là nhà điều hành hãng hàng không Bamboo Airways, mong muốn hợp tác với Lào để đưa dự án đường sắt thành hiện thực.
Nhà phát triển dự án kỳ vọng sẽ xây dựng đoạn tuyến đường sắt nối huyện Mahaxay, tỉnh Khammuan, Trung Lào với cảng biển Vũng Áng trước, và nếu công việc thuận lợi sẽ mất khoảng hai năm rưỡi để hoàn thành việc xây dựng tuyến đường sắt từ Mahaxay đến Cảng Vũng Áng.
Theo Vientiane Times, tuyến đường sắt này sẽ kết nối trực tiếp thị trường hàng hóa của Thái Lan và Myanmar với cảng Vũng Áng, một cảng có vị trí thuận lợi, là cửa ngõ giao thông giữa miền Trung Việt Nam, miền Trung Lào và Đông Bắc Thái Lan.
Tuyến đường sắt nối thủ đô Vientiane với cảnh Vũng Áng cũng được thiết lập để kết nối với Đường sắt Lào-Trung và trở đi với mạng lưới đường sắt liên kết có thể tiếp cận các thị trường châu Âu.
Mở cửa du lịch: Việt Nam khôi phục chính sách miễn thị thực, Hà Nội mở lại loạt điểm tham quan