Lao động mất việc tìm "cần câu cơm" trực tuyến - Thận trọng với lời rao online

17-08-2021 14:59 | Thị trường
google news

SKĐS - Người lao động đang chịu ảnh hưởng nặng nề với mức độ phức tạp của dịch COVID-19 như bị mất việc làm, phải nghỉ giãn việc/nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập…

Lao động mất việc tìm "cần câu cơm" trực tuyến - Hãy thận trọng với lời rao online - Ảnh 1.

Những lời mời chào kèm hình ảnh hấp dẫn về vị trí việc làm trên mạng xã hội.

Nắm bắt tâm lý chung của nhiều người là nhanh chóng muốn tìm được việc làm để có thêm thu nhập, đảm bảo cuộc sống, các đối tượng lừa đảo việc làm trực tuyến đã tung ra các thủ đoạn tinh vi, hấp dẫn khiến nhiều người mắc bẫy.

Theo Cục Việc làm (Bộ LĐ-TB&XH), quý 2/2021, trong tổng số 12,8 triệu người bị tác động tiêu cực bởi đại dịch COVID-19, có 557.000 người bị mất việc, chiếm 4,4%; 4,1 triệu người phải tạm nghỉ/tạm ngừng sản xuất kinh doanh, chiếm 31,8%; 4,3 triệu người bị cắt giảm giờ làm hoặc buộc phải nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên, chiếm 34,1% và 8,5 triệu lao động bị giảm thu nhập, chiếm 66,4%.

"Làm sao trở thành người giàu có? Dễ dàng kiếm trăm triệu mỗi tháng"…

Đó là một trong vô vàn những chiêu trò tuyển dụng online mùa dịch mà các đối tượng rao trên các trang mạng xã hội thời gian qua.

Chỉ cần gõ cụm từ khóa "tìm việc online", "việc làm online tại nhà"… người sử dụng mạng sẽ tiếp cận được với hàng nghìn hội nhóm công khai tuyển dụng công việc với hàng trăm nghìn thành viên; các nhóm kiếm tiền trực tuyến trên Zalo…

Với những lời mời chào như: "Mỗi ngày kiếm 3-10 triệu không chỉ là giấc mơ nữa", "Kết bạn zalo*** dễ dàng kiếm trăm triệu mỗi tháng + trở thành đại gia"; "tuyển cộng tác viên bán hàng online, không mất phí, không cần bỏ vốn" đã đánh vào tâm lý của nhiều người.

Chị H.V (Cẩm Khê, Phú Thọ) tạm thời phải nghỉ việc tại công ty do ảnh hưởng của COVID-19. Để kiếm thêm thu nhập, chị H. vào trang "tuyển dụng việc làm tại nhà online" trên facebook và chọn công việc làm hoa giả.

"Tôi liên lạc với chủ nhân facebook tuyển dụng làm hoa giả thì được tư vấn và yêu cầu chuyển 400.000 đồng để ứng tiền nguyên vật liệu lần đầu. Làm xong 1 bộ sản phẩm sẽ nhận được 1,4 triệu đồng và những lần tới sẽ không phải cọc tiền nguyên liệu. Thấy công việc nhẹ nhàng lại lương cao nên tôi đã chuyển tiền mà không đắn đo. Tuy nhiên, khi chuyển xong, ngay lập tức, tài khoản facebook, zalo, số điện thoại của chủ nhân tuyển dụng kia đều không liên lạc được" - chị H. chia sẻ.

Tinh vi hơn, các đối tượng lừa đảo còn đánh vào đúng nhu cầu của các bạn trẻ - những học sinh, sinh viên đang nghỉ học vì dịch có nhu cầu tìm việc làm thêm như: đọc, soát lỗi chính tả, CTV bán hàng online, viết đánh giá cho các shop online – những công việc nhẹ nhàng, kiếm tiền nhanh mà nhiều em đã trở thành nạn nhân của các công việc "không có thật" này…

Em T.L (Thái Bình) cho biết: "Khi em nhắn tin trao đổi công việc, người đăng tuyển dụng đã gửi mô tả công việc, sau đó hướng dẫn em đăng ký một tài khoản qua đường dẫn và đóng một khoản phí đào tạo trị giá 399.000 đồng. Em thấy hấp dẫn nên đã chuyển tiền cho tài khoản Facebook đó. Khi làm việc, em phải viết bình luận trên website với nội dung tối thiểu 80-90 từ, viết đúng chính tả, dấu câu, không được copy…

Sau đó đợi bình luận được duyệt thì mới nhận được tiền, nhưng với điều kiện phải đủ tối thiểu từ 300.000 - 500.000 đồng trong tài khoản mới được rút tiền ra. Tuy nhiên, dù em có viết bao nhiêu bình luận thì cũng không đủ lượng tiền tối thiểu để có thể rút và tuyệt nhiên em bị mất luôn khoản phí 399.000 đồng đăng ký ban đầu".

Lao động mất việc tìm "cần câu cơm" trực tuyến - Hãy thận trọng với lời rao online - Ảnh 3.

Đừng để bị "mờ mắt" bởi những thủ đoạn lừa đảo như thế này.

Đừng để mất tiền oan với những chiêu trò "việc nhẹ, lương cao"

Dịch bệnh COVID-19 kéo dài dai dẳng khiến nhiều người có mong muốn kiếm thêm thu nhập. Tuy nhiên, không vì thế mà bị "mờ mắt" bởi những thủ đoạn lừa đảo này.

Ông Vũ Quang Thành - Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội (Sở LĐ-TB&XH Hà Nội) đưa ra lời khuyên, các hoạt động tuyển dụng việc làm online không tránh khỏi những thông tin ảo, khó thẩm định về vị trí việc làm cũng như tính chất công việc, nguy cơ ảnh hưởng tiêu cực tới người lao động. Khi tìm kiếm việc làm thêm trên mạng, người lao động cần tìm hiểu thật kỹ công việc trước khi tham gia.

Luật sư Lê Ngọc Hoàng (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho rằng: Các đối tượng lừa đảo việc làm trực tuyến thường dựa vào các "lỗ hổng" pháp lý để trục lợi, đưa ra nhiều hình thức lừa đảo tinh vi. Hơn nữa, giá trị lừa đảo ở mức nhỏ, như chỉ vài trăm nghìn đến vài triệu đồng nên các bị hại không muốn tố giác tới các cơ quan chức năng. Một số trường hợp lừa đảo bị xử lý chỉ cũng ở mức xử phạt hành chính từ 1-2 triệu đồng nên không đủ sức răn đe.

Theo quy định tại điểm C, khoản 1 Điều 15 Nghị định 167/2013/NĐ-CP của Chính phủ về hành vi "dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản của người khác" sẽ bị phạt tiền từ 1-2 triệu đồng. Nếu số tiền chiếm đoạt trị giá từ 2 triệu đồng trở lên hoặc dưới 2 triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì người vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về "Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản" theo quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Xem thêm video đang được quan tâm:

Bộ Y tế điểm danh các tỉnh tiêm vaccine ngừa COVID-19 chậm.


Đỗ Vi
Ý kiến của bạn