Lao động di cư tự do, ai quản?

25-05-2012 10:42 | Xã hội
google news

Người dân ở các thành phố lớn như Hà Nội, Hồ Chí Minh đã quen với hình ảnh “chợ lao động”.

(SKDS) - Việc các lao động nông thôn lên thành phố để tìm kiếm việc làm có xu hướng tăng mạnh trong thời gian qua tưởng như là bình thường nhưng đằng sau đấy đã làm phát sinh rất nhiều vấn đề xã hội đáng lo ngại và áp lực tới môi trường sống tại các thành phố lớn. Điều đáng nói là đến thời điểm này, vấn đề quản lý lao động di cư tự do đang bị buông lỏng và nếu các nhà hoạch định chính sách không tính xa hơn thì tương lai sẽ kéo theo nhiều hệ lụy…
 
Người dân ở các thành phố lớn như Hà Nội, Hồ Chí Minh đã quen với hình ảnh “chợ lao động”. Tại đây, mọi người có thể thuê mướn người lao động chân tay để làm những công việc nặng nhọc với một số tiền công khiêm tốn. Hầu hết những người được thuê là những lao động từ quê lên các thành phố để kiếm việc làm và sinh sống.
 
Với đặc thù lao động tự do, nay đây mai đó, ai thuê gì làm nấy, dường như đường lên thành phố làm việc vẫn chưa thể cho họ một cuộc sống bớt khó khăn hơn. Mặc dù khó khăn, vất vả và cũng đầy thử thách, thế nhưng, xu hướng di cư lên thành phố vẫn đang tăng mạnh, đặc biệt là trong 5 năm trở lại đây.
 
Theo kết quả một cuộc điều tra xã hội học của Viện Dân số và các vấn đề xã hội (Trường ĐH Kinh tế quốc dân) cho biết, số lao động di cư từ nông thôn lên thành phố chiếm khoảng hơn 1/3 tổng số dân Hà Nội. Điều này đã làm phát sinh nhiều vấn đề xã hội đáng lo ngại như áp lực về dân số, áp lực về việc làm và phát sinh
cả các vấn đề xã hội nghiêm trọng...
 
Tuy nhiên, cũng phải thấy rằng việc gia tăng nguồn lao động di cư từ nông thôn lên các thành phố lớn là một thách thức nhưng cũng là một xu thế tất yếu. Lao động di cư có vai trò không nhỏ trong việc phát triển kinh tế tại các thành phố. Chính vì thế, vấn đề đáng quan tâm nhất hiện nay là quản lý lao động di cư để có thể giảm thiểu những tiêu cực và phát huy tính tích cực của nguồn lao động rất lớn này.
 
Nhưng đến thời điểm này, vẫn không có một cơ quan quản lý Nhà nước về lao động di cư tự do và cũng không có bất cứ chính sách nào dành riêng cho lao động di cư. Và đây có lẽ là một trong những nguyên nhân khiến cho luồng lao động di cư tự do đang bị buông lỏng và mất kiểm soát.
 
Trước vấn đề quản lý lao động di cư tự do, những thách thức là điều đã được nhìn nhận rõ. Nhưng những lỗ hổng trong quá trình quản lý thì vẫn chưa thể giải quyết. Thực tế cho thấy, vấn đề quản lý lao động di cư tự do đang bộc lộ nhiều kẽ hở và bất cập khiến cho những tác động tiêu cực từ nguồn lao động này tới an ninh trật tự và môi trường xã hội không ngừng gia tăng.
 
Tại Hà Nội, chỉ đơn cử phường Ngọc Thụy – quận Long Biên là một địa bàn phức tạp, với gần 500 nhà cho thuê trọ, chủ yếu dành cho các đối tượng lao động di cư tự do lên TP. Hà Nội. Với đặc thù người lao động di cư theo thời vụ, trong một thời gian ngắn, chỗ ở không cố định nên công tác quản lý cư trú của lực lượng công an gặp rất nhiều khó khăn. Đó là chưa kể tới việc, mỗi cảnh sát khu vực tại địa bàn phải quản lý gần 100 nhà thuê trọ, vượt xa rất nhiều so với quy định, do đó, việc kiểm soát các đối tượng lưu trú thực sự là một thách thức.

Ngoài ra, một vấn đề nữa không thể không nhắc đến là vì không có cơ quan quản lý, không có chính sách riêng, điều đó đồng nghĩa với việc người lao động di cư tự do không có quyền lợi và ý thức thực hiện trách nhiệm đối với địa bàn đến sinh sống và làm việc. Hiện nay, lao động di cư đang phải chịu rất nhiều thiệt thòi trong việc sử dụng các dịch vụ xã hội. Để có thể sử dụng các dịch vụ xã hội, đòi hỏi người dân di cư phải có hộ khẩu tại nơi cư trú trong khi đó là điều không thể đối với đa số các lao động di cư tự do.

Việc có một cơ quan quản lý Nhà nước đối với lao động di cư là điều rất cấp thiết hiện nay. Việc hình thành cơ quan quản lý di cư sẽ giúp cho việc giải quyết các vấn đề phát sinh của di cư ở cả nơi họ ra đi và nơi họ đến dễ dàng hơn. Chỉ khi có một đầu mối chuyên nghiệp, vấn đề lao động di cư, nhập cư mới được quan tâm đúng mức và có cách nhìn cân bằng, thỏa đáng cho cả công tác quản lý, phát triển đô thị lẫn người di cư.

Thanh Lan


Ý kiến của bạn