Đề xuất coi cấp giấy chứng nhận mắc COVID-19 là dịch vụ công
Trong văn bản gửi Bộ Y tế, Bộ TT&TT nhận định, hiện nay, số ca nhiễm COVID-19 trên cả nước đang tăng nhanh, đặc biệt là tại Hà Nội với số ca F0 ghi nhận được hàng ngày đã vượt ngưỡng 25.000 ca.
Việc chứng nhận F0 và F0 khỏi bệnh một mặt giúp người lao động được hưởng các chế độ và quyền lợi theo quy định, đồng thời cũng sẽ giúp các cơ quan y tế thực hiện tốt công tác quản lý, thống kê số lượng ca nhiễm một cách chính xác; từ đó phục vụ việc phân tích, dự báo xu hướng dịch bệnh.
Để giải quyết vấn đề này, Bộ TT&TT cho biết đã nghiên cứu và chỉ đạo các đơn vị phát triển phần mềm quản lý ca bệnh COVID-19 và đề nghị Bộ Y tế xem xét, đánh giá áp dụng.
Hiện một số địa phương đang xây dựng phần mềm để triển khai chuyển đổi số trong công tác xác nhận F0 và các thủ tục xác nhận hoàn thành cách ly y tế tại nhà.
Việc thực hiện dịch vụ công cho F0 sẽ giảm tải cho các cơ sở y tế và hạn chế lây nhiễm chéo trong cộng đồng.
Lao động chăm con F0 được hưởng bảo hiểm xã hội
Đại diện cơ quan BHXH Việt Nam cho biết, người lao động có con mắc COVID-19 sẽ được nghỉ hưởng chế độ ốm đau trong thời gian chăm con nếu con dưới 7 tuổi và là F0 có xác nhận của cơ sở y tế.
Thời gian nghỉ được giải quyết chế độ ốm đau sẽ xác định theo thời gian được ghi trên giấy ra viện của con.
Thời gian nghỉ để chăm con dưới 3 tuổi là tối đa 20 ngày/năm; dưới 7 tuổi tối đa 15 ngày/năm. Người lao động được hưởng 75% tiền lương đóng bảo hiểm xã hội trong thời gian này.
Hà Nội ra chỉ đạo mới về dạy học trực tiếp
Sở GD-ĐT Hà Nội vừa có công văn về việc triển khai thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 trong việc tổ chức dạy học trực tiếp các khối lớp từ 7 đến 12 trong tình hình mới.
Theo đó, Sở GD-ĐT Hà Nội đề nghị các trường học, cơ sở giáo dục thực hiện tổ chức dạy và học trực tiếp gắn với bảo đảm an toàn phòng chống dịch, kiểm soát và xử lý kịp thời các ca nhiễm, giữ mức độ an toàn cao nhất cho học sinh và giáo viên.
Cùng đó, bám sát diễn biến tình hình dịch bệnh tại địa phương, kịp thời, chủ động xây dựng phương án tổ chức dạy học trực tiếp tại trường cho các khối lớp từ 7 đến 12. Đặc biệt, quan tâm đến học sinh khối lớp 9, lớp 12 và báo cáo UBND các quận, huyện, thị xã xem xét, phê duyệt theo quy định.
Sở GD-ĐT Hà Nội cũng giao các phòng GD-ĐT là đầu mối tổng hợp, tham mưu UBND quận, huyện, thị xã trong việc xem xét, phê duyệt phương án dạy học trực tiếp của các nhà trường, cơ sở giáo dục trên địa bàn an toàn, linh hoạt, hiệu quả.
Dịch căng thẳng ở nhiều tỉnh thành, 3 triệu học sinh phải dừng đi học trực tiếp