Theo tổng hợp của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tại các doanh nghiệp đã thành lập công đoàn cơ sở, từ tháng 9/2022 cho đến hết ngày 10/12 đã có 1.242 doanh nghiệp (tại 44 tỉnh, thành phố) gặp khó khăn, người lao động bị cắt giảm đơn hàng nên phải giảm việc, giảm giờ làm, chấm dứt hợp đồng lao động của gần 483.000 người lao động.
Ông Phan Văn Anh, Phó chủ tịch Tổng liên đoàn lao động Việt Nam cho biết, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã ban hành kế hoạch chăm lo đoàn viên, người lao động với phương châm tất cả đoàn viên, người lao động đều có Tết.
Trong đó, nổi bật là gói hỗ trợ đoàn viên, lao động khó khăn, trong đó có những người mất việc, giãn việc. Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam chăm lo cho trên 1 triệu đoàn viên, lao động, mỗi suất trị giá 500 nghìn đồng.
Theo Phó chủ tịch Tổng liên đoàn lao động Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đang nghiên cứu để có những hỗ trợ cho đoàn viên, người lao động bị mất việc, thiếu việc. "Chúng tôi dự kiến đối tượng bị chấm dứt hợp đồng chưa tìm kiếm được việc làm sẽ hỗ trợ 1 lần với mức 3 triệu đồng. Đối tượng tạm chấm dứt hợp đồng hỗ trợ 1 lần với mức khoảng 2 triệu đồng. Còn đối tượng cắt giảm việc làm, có thu nhập thấp hơn mức lương tối thiểu vùng cũng sẽ được hỗ trợ. Vấn đề này đang được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nghiên cứu" - ông Phan Văn Anh cho biết.
Theo ông Phan Văn Anh, công đoàn đang bàn thảo thêm một số điều kiện thụ hưởng song sẽ tinh giản hết mức để tiền nhanh đến tay lao động. Danh sách lao động khó khăn giao công đoàn cơ sở lập và làm việc thêm với cơ quan Bảo hiểm xã hội để xác định bảng lương, thu nhập của người được hỗ trợ trước khi mất việc. Sau khi Đoàn chủ tịch Tổng liên đoàn phê duyệt, gói hỗ trợ sẽ được thực hiện trước Tết Nguyên đán và dự kiến kéo dài đến hết tháng 3/2023.
Ông Phan Văn Anh cho biết, ra Tết sẽ có thêm khoảng gần 288.000 lao động bị giảm việc, mất việc nên rất cần thêm các gói hỗ trợ lớn từ Chính phủ và các địa phương như gói an sinh như 26.000 tỷ và 38.000 tỷ đồng.
Về phía Bộ LĐ-TB&XH, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Văn Thanh cho biết, cơ quan này đang phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu đề xuất thêm chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp gặp khó khăn, lao động bị mất việc, ngưng việc.
"Quan trọng là phải xác định đối tượng hỗ trợ thế nào, cách thức tổ chức ra sao cho hiệu quả, giảm thủ tục hành chính nhiều nhất. Chính sách phải đảm bảo sử dụng ngân sách đúng quy định của pháp luật nhưng cũng vừa thuận lợi trong thực hiện để người dân dễ tiếp cận nhanh. Đó là cái khó cần phải bàn để thời gian tới làm tốt hơn".
Gói hỗ trợ lao động 26.000 tỷ đồng được ban hành tháng 7/2021. Sau một năm thực hiện, gần 36,5 triệu lao động, người dân với 394.000 đơn vị sử dụng lao động và hơn 508.000 hộ kinh doanh được hỗ trợ với tổng kinh phí 45.600 tỷ từ ngân sách trung ương, địa phương và nguồn xã hội hóa.