Lao đao vì dịch tả lợn châu Phi, người chăn nuôi mong ngóng vaccine phòng bệnh

26-11-2021 15:05 | Thị trường
google news

SKĐS - Đang vào thời điểm cuối năm, nhu cầu thịt lợn dịp tết tăng rất cao, trong khi giá lợn bấp bênh, thì bệnh dịch tả lợn châu Phi đang trên đà lây lan diện rộng. Hiện dịch đã xuất hiện tại 2.275 xã của 57 tỉnh, thành phố, khiến tổng số lợn buộc tiêu hủy trên 230.000 con, gấp gần 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Hộ chăn nuôi nhiều tỉnh, thành lao đao

Tại tỉnh Nghệ An, bệnh dịch tả lợn châu Phi tái bùng phát tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh trong những tháng qua. Theo số liệu của Chi cục Chăn nuôi và Thú y, hiện dịch vẫn đang lây lan ở 18 huyện, thị, thành phố, trong đó nhiều nhất là các huyện miền xuôi: Diễn Châu, Yên Thành, Đô Lương, Nghi Lộc...

Diễn Châu là một trong những huyện có bệnh dịch tả lợn châu Phi lây lan khá nhiều trong thời điểm này, tại 86 thôn, xóm, 23 xã... số lợn bị tiêu hủy do nhiễm dịch 1.101 con, tổng trọng lượng gần 68 tấn lợn hơi.

Lao đao vì dịch tả lợn châu Phi, người chăn nuôi mong ngóng vaccine - Ảnh 1.

Lợn mắc dịch tả buộc phải tiêu huỷ, gây thiệt hại lớn cho người chăn nuôi

Tại huyện Yên Thành, dịch tả lợn châu Phi đang xảy ra tại 32/39 xã, thị trấn. Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện thống kê từ ngày 13/9 đến nay, bệnh dịch tả lợn châu Phi xảy ra tại 416 hộ chăn nuôi nhỏ lẻ trên địa bàn 146 xóm, thuộc 32 xã, số lợn tiêu hủy 1.592 con, tổng trọng lượng gần 78 tấn.

Trước đó, ở tỉnh Thái Bình, theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y  tỉnh Thái Bình, từ ngày 12/10 đến ngày 21/10, tỉnh Thái Bình đã ghi nhận 3 ổ dịch tả lợn châu Phi tại 3 xã gồm xã Minh Khai, Thái Hưng (huyện Hưng Hà) và xã Đông Hòa (Thành phố Thái Bình).

Sau khi ghi nhận các ổ dịch, tỉnh Thái Bình đã thực hiện tiêu hủy 27 con lợn với khối lượng trên 800 kg, đồng thời sử dụng hóa chất, vôi bột khử trùng khu vực chăn nuôi của 3 hộ có lợn nhiễm bệnh. Ngoài các ổ dịch đã ghi nhận, kết quả lấy mẫu giám sát khẳng định có lưu hành virus tả lợn châu Phi chiếm 2,2% ở một số địa phương trong tỉnh.

Đây là lần thứ hai trong năm 2021 dịch tả lợn châu Phi tái phát trên địa bàn tỉnh Thái Bình. Những tháng đầu năm, tỉnh đã ghi nhận 6 ổ dịch tại 6 xã của 4 huyện, phải tiêu hủy 110 con lợn trong đó có 26 lợn nái, 84 lợn thịt.

Tại phía Nam, nơi đàn lợn chăn nuôi số lượng rất lớn tình hình cũng đáng lo ngại. Thời gian vừa qua, giá lợn hơi ở mức thấp cùng đó là dịch tả lợn châu Phi quay trở lại càng khiến nhiều hộ nuôi lợn trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu lao đao.

Xã Kim Long, huyện Châu Đức đã ghi nhận 19 hộ có lợn bị bệnh, với 562 con đã bị tiêu hủy. Vấn đề người chăn nuôi lo ngại là không biết mầm bệnh đến từ đâu, dù họ rất kỹ về khâu phun xịt, khử khuẩn chuồng trại. Lợn bị bệnh phải tiêu hủy, khiến nhiều hộ chăn nuôi mất hàng trăm triệu đồng, kèm với giá lợn hơi thấp khiến người nuôi thua lỗ.

Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết, tính tháng 10/2021, trên địa bàn tỉnh dịch tả lợn châu Phi đã xuất hiện tại 2 huyện  Châu Đức và Xuyên Mộc với tổng cộng 86 ổ dịch, đã tiêu hủy 1.836 con lợn bị chết bệnh với tổng trọng lượng là 123.145 kg.

Người dân ngóng vaccine dịch tả lợn châu Phi

Sau 2 năm xuất hiện, dịch tả lợn châu Phi đã khiến cho nông dân, doanh nghiệp chăn nuôi điêu đứng. Nhưng vaccine phòng bệnh vẫn chưa hoàn thiện... trong khi đây được coi là biện pháp hữu hiệu nhất hiện nay để ứng phó với dịch bệnh này.

Hiện nay, đang là những tháng cận kề Tết Nguyên đán càng khiến cho việc buôn bán, vận chuyển lợn, sản phẩm lợn gia tăng mạnh, dịch bệnh cũng vì vậy mà dễ lây lan hơn. Mặc dù rất được chờ đợi nhưng vaccine ngừa dịch tả lợn châu Phi vẫn chưa chính thức được hoàn thiện và cung cấp tới tay nông dân.

Lao đao vì dịch tả lợn châu Phi, người chăn nuôi mong ngóng vaccine - Ảnh 2.

Phun thuốc khử khuẩn và vệ sinh chuồng trại, là những biện pháp duy nhất trước khi có vaccine chống dịch tả lợn châu Phi

Tháng 4/2021, đại diện Bộ NN-PTNT khẳng định với một số cơ quan báo chí, Công ty CP Thuốc thú y Trung ương - Naveco (Navetco có 65% vốn sở hữu nhà nước) sẽ đưa được vaccine dịch tả lợn châu Phi ra thị trường vào tháng 7 - 8. Tuy nhiên, đã gần hết tháng 11/2021 nhưng loại vacine rất cần thiết này vẫn chưa chính thức xuất hiện trên thị trường. 

Mới đây nhất, ngày 21/11 Tập đoàn Dabaco có trụ sở tại Bắc Ninh (hoạt động đa ngành nghề, trong đó, lĩnh vực chính là sản xuất thức ăn chăn nuôi, giống gia súc, gia cầm và chế biến thực phẩm) đã tuyên bố, doanh nghiệp đang trên chặng cuối để hoàn thiện vaccine.

Mặc dù có "tin vui" sắp tới, nhưng nhiều doanh nghiệp chăn nuôi cũng như nông dân không thể ngồi đợi. Trong khi ấy, ông Đoàn Xuân Trúc, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam, cho biết, nhiều nông hộ và trang trại đã bỏ nghề chăn nuôi, chủ yếu do cạn vốn. Nếu không có vaccine đặc hiệu sớm, dịch tả lợn châu Phi tiếp tục lan rộng, sẽ càng nhiều người chăn nuôi kiệt quệ và số nông hộ và trang trại nuôi rời bỏ thị trường sẽ còn nhiều hơn trước.

Mời độc giả xem thêm video:

VIDEO TRƯỜNG SẤY TÓC


Minh Thu (Tổng hợp)
Ý kiến của bạn