Lào Cai:Xuống bể biogas kiểm tra, hai người tử vong vì ngạt khí

08-07-2019 11:29 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Theo thông tin từ UBND xã Xuân Quang, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai cho biết, trên địa bàn xã vừa xảy ra vụ ngạt khí từ bể biogas gia đình khiến 2 người tử vong.

Cụ thể, vào chiều tối 5/7, một thợ sửa bể biogas (sinh năm 1976) đã tử vong vì khí độc khi xuống bể để kiểm tra (vì bể lắp được 2 tháng nhưng không có gas). Chủ nhà (sinh năm 1986) thấy vậy liền xuống cứu cũng bị ngạt thở và tử vong.

Một người dân địa phương tiếp tục xuống cứu cũng nhanh chóng rơi vào tình trạng hôn mê sâu. Rất may là người này đã được kịp thời đưa đến Bệnh viện Đa khoa huyện Bảo Thắng để cấp cứu nên đã qua cơn nguy kịch...

Ngay sau khi sự cố thương tâm xảy ra, chính quyền địa phương đã tổ chức thăm hỏi động viên các gia đình có nạn nhân.

Thận trọng khi kiểm tra và sửa chữa hầm biogas tránh ngộ độc khí.

Theo thống kê, hiện trên địa bàn tỉnh Lào Cai có hàng nghìn hầm khí biogas xử lý chất thải chăn nuôi tại các hộ gia đình và trang trại. Nhờ vậy nhiều hộ nông dân có nguồn năng lượng sạch để đun nấu, thắp sáng và dự kiến sắp tới sẽ chạy máy phát điện công suất nhỏ phục vụ sinh hoạt hằng ngày.

Thế nhưng, trên thực tế, nhiều hộ gia đình thuê thợ tự do lắp đặt (thợ không thuộc các công ty do dự án giới thiệu) hoặc lắp đặt các loại hầm biogas không đạt tiêu chuẩn của các dự án thuộc ngành nông nghiệp, xây dựng dựa vào kinh nghiệm nên đã phát sinh một số hệ lụy, có thể gây nguy cơ mất an toàn. Có hầm biogas xây xong không tạo khí, dẫn đến phải phá bỏ gây tốn kém.

Theo các chuyên gia, để bảo đảm an toàn khi xuống hầm biogas, người dân cần tuân thủ quy trình bảo đảm an toàn đã được các cơ quan chức năng khuyến cáo, như mở nắp hầm ủ khí trước ít nhất khoảng 10 giờ đồng hồ (tùy từng dung tích bể).

Trước khi xuống thau bể, người dân cần buộc con gà còn sống vào dây, thả xuống bể, đợi 5-10 phút rồi đó kéo lên. Nếu gà còn sống bình thường thì lúc đó xuống bể sẽ an toàn.

Khi xuống hầm, người dân phải buộc dây bảo hiểm và có người ở trên theo dõi. Đặc biệt, người dân tuyệt đối không xuống hầm nếu gà thả xuống bị chết hoặc có biểu hiện khác thường, bởi lúc đó có thể hầm biogas thiếu oxy, chứa nhiều khí độc.

Cấp cứu nạn nhân bị ngạt khí
Cơ hội sống sót của nạn nhân bị ngạt khí phụ thuộc vào thời gian được đưa tới bệnh viện. Nếu bệnh nhân bị ngưng tim thì chỉ có 4 phút để hành động. Sau đó mỗi phút cơ hội sống của nạn nhân sẽ giảm đi 10%.

Nếu có nhân viên y tế sẽ cho nạn nhân thở mặt nạ ôxy liều cao, đặt nội khí quản trợ thở, dùng thuốc ức chế cạnh tranh… Nếu không có nhân viên y tế, cần khẩn trương cấp cứu theo trình tự:

- Nhanh chóng mở rộng cửa, làm thoáng khí, đưa nạn nhân ra khỏi nơi nhiễm độc càng nhanh càng tốt, nhưng phải lưu ý đảm bảo an toàn cho cả người cấp cứu.

- Gọi thêm người hỗ trợ để sơ cứu cho nạn nhân đồng thời gọi cấp cứu 115.

- Nếu bệnh nhân thở yếu, ngừng thở phải tiến hành hà hơi thổi ngạt ngay. Sau đó phải chuyển nhanh nạn nhân đến bệnh viện để điều trị tiếp.

Lưu ý, việc sửa chữa, kiểm tra hầm biogas trong những trường hợp như tắc ngẽn, không thể tự phá váng hay sinh khí thấp, không ổn định tốt nhất là nhờ đến các kỹ thuật viên có kinh nghiệm, chuyên môn cao. Tuy nhiên, nếu vì một số các lý do thì bà con cũng có thể tự xử lý, tuy nhiên khi xuống hầm phải đặc biệt chú ý và nên đeo dây cứu hộ trên người, phòng khi có sự cố thì có người ở trên kéo lên.
Nếu bạn đã mở nắp hầm 1 ngày 1 đêm nhưng vẫn còn khí, trong quá trình khuấy, sục nước thì khí độc bay lên, đủ để giết chết người. Vì thế, bạn nên tham khảo ý kiến của các kỹ thuật viên trước khi phá váng.


Lê Hà
Ý kiến của bạn