Tin từ BVĐK tỉnh Lào Cai cho biết, mới đây BV đã phối hợp với các chuyên gia bệnh viện tuyến Trung ương phẫu thuật thành công cho nữ bệnh nhân được chẩn đoán u đầu tụy.
Theo đó, bệnh nhân V.T.U (18 tuổi), trú tại xã Mường Hoa, thị xã Sa Pa, xuất hiện đau bụng vùng thượng vị âm ỉ liên tục, đã điều trị ở y tế cơ sở nhưng không đỡ nên xin chuyển BVĐK tỉnh Lào Cai.
Sau khi được các bác sĩ thăm khám và chụp cắt lớp vi tính, chụp cộng hưởng từ, làm các xét nghiệm và sinh thiết, giải phẫu bệnh, bệnh nhân được chẩn đoán u đầu tụy kích thước lớn 52x84 mm.
Sau khi hội chẩn trực tuyến với các thầy thuốc tuyến trung ương, bệnh nhân được chỉ định phẫu thuật cắt khối tá tụy (khối tá tràng - đầu tụy).
Sau cắt bỏ khối u cần thiết lập lại lưu thông đường tiêu hóa thông qua ba đầu nối: tụy - ruột, mật - ruột, dạ dày - ruột. Hiện tại, sau mổ, sức khỏe của bệnh nhân đã tạm ổn định.
Theo TS.BS. Đỗ Tuấn Anh, Nguyên Trưởng khoa Phẫu thuật Gan mật, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, ở giai đoạn sớm, ung thư tụy không có triệu chứng đặc hiệu, các biểu hiện lâm sàng mơ hồ, bệnh thường được phát hiện tình cờ.
Đến khi phát hiện muộn, bệnh nhân có biểu hiện đau thường gặp nhất ở vùng thượng vị, hay vùng hạ sườn phải, chiếm tỉ lệ 80-90% trong số các ung thư tụy và hay gặp hơn ở các ung thư thân và đuôi tuỵ, đau ở bụng dưới trong thời gian dài trước khi biểu hiện các triệu chứng khác.
Vàng da: là hậu quả của khối u xâm lấn đường mật và kèm theo ngứa, 80-90% bệnh nhân u đầu tụy có vàng da, chỉ có 6% số bệnh nhân u ở thân và đuôi tuỵ, vàng da tắc mật tiến triển từ từ, ngày càng tăng dần, vàng đậm.
Sốt: Nhiệt độ tăng kèm rét run như triệu chứng của áp xe đường mật gặp ở 10% bệnh nhân có ung thư đầu tuỵ, nhưng không thường gặp.
Các triệu chứng khác: Hay gặp sút cân, thường là 2 tháng trước khi đến gặp thầy thuốc; Đầy hơi, nôn, chướng bụng, thiếu máu, ỉa chảy, táo bón, mệt mỏi...
TS.BS. Đỗ Tuấn Anh khuyến cáo, người dân nên đi kiểm tra định kỳ sức khỏe để kịp thời phát hiện và điều trị bệnh, đặc biệt khi có các triệu chứng bệnh cần đến các cơ sở y tế uy tín để được thăm khám và có phương pháp xử lý đúng đắn.
Tùy vị trí và giai đoạn bệnh có các phương pháp điều trị tương ứng. Đối với u vùng đầu tụy, phẫu thuật cắt khối tá tụy là phương pháp duy nhất có tính triệt căn, giúp kéo dài thời gian sống thêm cho bệnh nhân. Bên cạnh đó có một số phương pháp phẫu thuật khác như: cắt khối tá tụy, nối tắt, mổ thăm dò, sinh thiết; điều trị hóa chất, hóa trị bổ trợ.
Bệnh u tá tụy (hay còn gọi là u bóng vater) là bệnh khó và hiếm gặp. Bệnh diễn tiến chậm, khó chẩn đoán với những triệu chứng như đau âm ỉ vùng thượng vị, vàng da, sụt cân, ăn uống kém và thường đến viện ở giai đoạn muộn khiến việc điều trị rất khó khăn.
Theo thống kê của Tổ chức Ung thư toàn cầu (GLOBOCAN) năm 2018, Việt Nam có khoảng 1.000 người mắc mới ung thư tụy và gần 90% trường hợp tử vong vì bệnh này.
Việc chẩn đoán, điều trị ung thư tụy còn nhiều khó khăn do tuyến tụy nằm sâu sau phúc mạc, nên rất khó khăn trong xử lý ngoại khoa. Bệnh nhân có thể tử vong vì suy gan trước khi ung thư tụy hoành hành do tuyến tụy liên quan đến gan, mật. Khi ung thư phát triển sẽ chèn ép vào đường mật, gây tắc mật, dẫn đến gan ứ mật và suy gan.
Đối với bệnh u tá tụy, nhiều bệnh viện đã ứng dụng phương pháp nội soi để điều trị, nhằm giảm tỷ lệ nguy hiểm cho bệnh nhân, đồng thời chăm sóc, và bảo vệ sức khỏe cho bệnh nhân đúng cách.
Mời bạn đọc xem tiếp video:
Ăn bỏng ngô nghi tẩm cần sa một phụ nữ nhập viện