Vừa qua, Báo Sức khỏe và Đời sống tại buổi giao lưu trực tuyến với chủ đề "Thế mạnh vùng trồng dược liệu tại Lào Cai", BSCKII Phạm Bích Vân - Phó Giám đốc Sở Y tế Lào Cai đã chia sẻ xung quanh câu chuyện phát triển vùng dược liệu tại địa phương gắn liền với công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân.
Phó Giám đốc Sở Y tế Lào Cai thông tin, là một tỉnh có dân số trên 76 vạn người với 25 dân tộc anh em cùng chung sống. Với truyền thống văn hóa lâu đời, mỗi dân tộc thiểu số đều gìn giữ và phát triển những kiến thức bản địa riêng có của mình về sử dụng cây thuốc để chăm sóc sức khỏe hàng ngày, cũng như điều trị các bệnh thông thường cho các thành viên trong gia đình và cộng đồng thôn bản.
Mặt khác, địa hình của Lào Cai rất đa dạng với phân tầng độ cao khác nhau, tạo ra các vùng tiểu khí hậu rất phong phú, phù hợp để nhiều loài động thực vật sinh trưởng và phát triển. Đặc biệt, có khoảng 850 loài cây thuốc; trong đó gần 80 loài có tiềm năng khai thác, trên 70 loài cây thuốc quý hiếm thuộc diện bảo tồn.
Tỉnh ủy Lào Cai đã luôn chú trọng công tác lãnh đạo chỉ đạo phát triển nên Đông y, Hội Đông y trong tình hình mới; nhằm đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân; phát huy những tiêm năng lợi thế của tỉnh về khí hậu, thổ nhưỡng thích hợp với nhiều loài cây dược liệu quý.
Ngành y tế trong những năm qua đã tích cực tham mưu cho tỉnh Chỉ đạo, hướng dẫn để Bệnh viện YHCT, các phòng khám ĐKKV, trạm y tế xã phường xây dựng, trồng vườn thuốc nam có đủ các loại cây dược liệu như: Atiso, đương quy, xuyên khung, bạc hà, hoa hòe, hy thiêm, bách bộ, lá lốt, cỏ xước,...
Hiện nay, tổng diện tích vườn cây thuốc nam tại các cơ sở khám chữa bệnh đạt khoảng 13.575 m2. Được sự quan tâm vào cuộc của cả hệ thống Chính trị trong những năm qua, đã có 67 cây dược liệu được chế biến sản xuất, được cấp giấy chứng nhận GACP, trong có 15 cây dược liệu của tỉnh Lào Cai như: Cát cánh, Tam thất nam, Địa liền, Đương quy, Ý dĩ, Bảy là một hoa, Hà thủ ô đỏ, Tam thất bắc, Chè dây, Chùa dù, Ngải cứu rừng, Atiso và các loại cây dược liệu khác.
Sở Y tế Lào Cai đã cấp chứng nhận cho 5 bài thuốc gia truyền của Lương Y Phạm Trọng Hùng để ứng dụng trong công tác khám chữa bệnh, điều trị bằng YHCT; đồng thời khuyến khích đội ngũ thầy thuốc trong ngành tham gia nghiên cứu khoa học, phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật trong khám và điều trị bệnh bằng YHCT.
Trong thời gian tới Sở Y tế tiếp tục chỉ đạo, tham mưu Quy hoạch các vùng trồng cây dược liệu chủ đạo, bảo tồn và phát triển các nguồn gen, dược liệu quý phù hợp với đặc điểm, điều kiện sinh thái của các địa phương; phổ biến, định hướng, khuyến khích trồng, chăm sóc cây dược liệu quý tại hộ gia đình, cộng đồng dân cư. Chú trọng phát triển dược liệu đặc hữu tại địa phương. Sưu tầm, kế thừa, phát triển các bài thuốc đông y gia truyền của các Lương y trên địa bàn tỉnh.
Phó Giám đốc Sở Y tế Lào Cai cũng thông tin, thời gian qua, Viện Dược liệu (Bộ Y tế) đã chỉ đạo thị xã Sa Pa và các đơn vị nghiên cứu, khảo sát, đánh giá, xây dựng phương án phát triển vùng trồng dược liệu quý. Trên cơ sở khảo sát đã lựa chọn được 8 địa phương, khu vực phù hợp để trồng 17 loài dược liệu, tại phường Hàm Rồng và các xã: Mường Bo, Liên Minh, Ngũ Chỉ Sơn, Tả Phìn, Tả Van, Thanh Bình, Trung Chải với tổng diện tích 280 ha. Lựa chọn và xây dựng mô hình khu sơ chế, chế biến dược liệu đặt tại khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thuộc thôn Cửa Cải, xã Ngũ Chỉ Sơn với diện tích khoảng 7,39 ha.
Sở Y tế tỉnh Lào Cai tham gia cùng Đoàn đánh giá đáp ứng thực hành tốt nuôi trồng, thu hái Dược liệu (GACP-WHO) do Cục Quản lý Y – Dược cổ truyền chủ trì để đánh giá các cây trồng đề nghị cấp Giấy chứng nhận đạt GACP-WHO trên địa bàn tỉnh. Tính tới thời điểm ngày 30/10/2023, trên địa bàn tỉnh Lào Cai có 14/76 dược liệu đã được đánh giá đạt GACP-WHO, là tỉnh hiện có nhiều dược liệu đạt GACP-WHO nhất cả nước.