Theo “Chỉ số văn minh trên không gian mạng (DCI) năm 2020” được Microsoft công bố, chỉ số DCI năm 2020 của Việt Nam kém hơn nhiều so với trung bình khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Không thể phủ nhận, MXH đã trở thành một nhu cầu không thể thiếu trong đời sống hàng ngày của người dùng, hỗ trợ học tập, làm việc cũng như giải trí, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 bùng phát và diễn biến phức tạp như hiện nay. Nhưng thực tế cũng chỉ ra rằng, không ít người dùng mạng xã hội ở nước ta đã có những hành vi thiếu văn minh, bịa đặt thông tin, nói xấu, xúc phạm, miệt thị người khác trên thế giới ảo, đem tới những hệ lụy ở đời sống thực.
Không nói đâu xa, trong các trận đấu của đội tuyển bóng đá Việt Nam ở vòng loại thứ hai World Cup 2022 khu vực châu Á vừa qua, sau khi trận đấu khép lại, dù đội nhà thắng hay thua, rất nhiều người dùng MXH ở nước ta đã “truy lùng” tài khoản MXH của các trọng tài để chửi bới, dọa dẫm, có những bình luận tục tĩu, thô lỗ khiến nhiều người ngỡ ngàng.
Nhìn riêng trong giới giải trí cũng có những câu chuyện buồn. Là nghệ sĩ nổi tiếng, được nhiều người mến mộ nhưng gần đây nhất nghệ sĩ Đ.H bị ban lãnh đạo nhà trường nơi anh đang công tác miễn nhiệm chức Phó hiệu trưởng một trường nghệ thuật vì có những câu từ tục tĩu trên trang cá nhân. Cũng có cô người mẫu được cư dân mạng phong là “thánh chửi”, vì nhiều buổi livestream (phát trực tiếp) trên trang cá nhân, nữ người mẫu này có lời ăn tiếng nói thô thiển, khiếm nhã khiến người nghe không thể chấp nhận. Chưa kể thời gian có dịch COVID-19, một số nghệ sĩ nổi tiếng chia sẻ thông tin chưa được kiểm chứng, sai sự thật về dịch bệnh tại địa phương và Việt Nam làm hoang mang dư luận đã bị cơ quan chức năng xử phạt hành chính.
4 Quy tắc ứng xử chung trong Bộ Quy tắc ứng xử mạng xã hội vừa được Bộ Thông tin – Truyền thông ban hành.
Trong thời gian qua, một số nghệ sĩ có những lùm xùm về việc làm từ thiện, nhiều người dùng MXH đã lập hội nhóm, đưa ra những chia sẻ, bình luận với thái độ miệt thị, xúc phạm nặng nề, thậm chí là bịa đặt thông tin nhằm “câu” tương tác và hạ thấp uy tín, danh dự, nhân phẩm của nghệ sĩ ấy.
Rộng hơn giới giải trí là không gian MXH chung, nhiều tài khoản có những chia sẻ, đăng tải hình ảnh, video, clip nhằm chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, cổ súy cho những thói hư tật xấu; những câu chuyện bạo lực, phản cảm trái với thuần phong mỹ tục. Tất cả những điều này tạo nên sự đa sắc của MXH ở nước ta, và nhiều người ví đây như một cái chợ, người nói ẩn hình, tràn lan chửi rủa, hành xử thiếu văn hóa.
Chính bởi điều này, Bộ Thông tin - Truyền thông gần đây đã ban hành Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội với mục đích xây dựng chuẩn mực đạo đức về hành vi, ứng xử trên MXH, giáo dục ý thức, tạo thói quen tích cực trong các hành vi ứng xử của người dùng trên MXH. Trong quy tắc ứng xử chung cho 3 nhóm đối tượng có “Quy tắc Lành mạnh”, nêu rõ: Hành vi, ứng xử trên MXH phù hợp với các giá trị đạo đức, văn hóa, truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam. Với tổ chức và cá nhân, quy tắc ứng xử trên MXH là chia sẻ những thông tin có nguồn chính thống, đáng tin cậy.
Bên cạnh đó, cá nhân và tổ chức có các hành vi, ứng xử phù hợp với những giá trị đạo đức, văn hóa, truyền thống của dân tộc Việt Nam, không sử dụng từ ngữ gây thù hận, kích động bạo lực, phân biệt vùng miền, giới tính, tôn giáo. Ngoài ra, không đăng tải những nội dung vi phạm pháp luật, các thông tin xúc phạm danh dự, nhân phẩm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân khác; sử dụng ngôn ngữ phản cảm, vi phạm thuần phong mỹ tục; tung tin giả, tin sai sự thật...gây bức xúc trong dư luận xã hội, ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội.
Nhiều ý kiến của các chuyên gia và người dân cho rằng, Bộ Quy tắc ứng xử mạng xã hội có thể định hướng hỗ trợ cho các bên liên quan phương pháp, cách thức để ứng xử lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng. Đồng thời tạo thói quen tích cực trong các hành vi ứng xử của người dùng MXH, góp phần phát triển môi trường mạng văn minh hơn.