Lãnh đạo BV Bạch Mai nói gì vụ tuồn rác thải y tế ra ngoài?

10-01-2016 11:52 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Trước thông tin rác thải y tế của Bệnh viện Bạch Mai được tuồn ra các cơ sở chế biến đồ nhựa gây hoang mang dư luận, lãnh đạo bệnh viện Bạch Mai đã có buổi cung cấp thông tin cho báo chí.

Thừa nhận có việc bán rác thải y tế

Tại buổi họp báo cuuối giờ chiều ngày 8/1, ông Nguyễn Việt Hùng, Trưởng khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn Bệnh viện Bạch Mai thừa nhận việc Khoa có bán chất thải y tế ra thị trường nhưng là chất thải y tế không độc hai, không ảnh hưởng tới sức khỏe con người. Viện chỉ bán các chai nhựa đựng các dung dịch không có chất hóa học nguy hại (NaCl 0,9%, glucose, natri bicacbonate, ringer lactat, dung dịch cao phân tử, dịch lọc thận...); các chai thủy tinh, lọ nhựa không chứa thành phân nguy hại, Giấy, báo, bìa, thùng các-tông, vỏ hộp thuốc.

Theo ông Hùng, những quy định này đã được cho phép như Quyết định của Bộ Y tế ban hành năm 2007 quy định danh mục chất thải được phép thu gom phục vụ mục đích tái chế. Hơn nữa, điều này không vi phạm pháp luật vì Nghị định 38năm 2015 của Chính phủ có quy định: “chất thải lây nhiễm sau khi khử khuẩn thì được xử lý như đối với chất thải thông thường bằng phương pháp phù hợp”.

Ông Hùng cho biết, chất thải y tế bao gồm chất thải y tế thông thường và chất thải y tế nguy hại. Chất thải y tế có 80-90% là chất thải y tế thông thường, khoảng 10-20% là chất thải y tế nguy hại (chất thải lây nhiễm và chất thải hóa học nguy hại). Tổ chức Y tế Thế giới cũng khuyến cáo tăng cường tái chế chất thải y tế nhằm mục đích tránh lãng phí, hạn chế gây ô nhiễm môi trường và lợi ích về kinh tế.

Khu xử lý rác thải y tế bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: Thanh Loan

Còn về quy trình xử lý rác thải của Bệnh viện, ông Hùng khẳng định, Khoa kiểm soát nhiễm khuẩn Bệnh viện Bạch Mai đã tuân thủ đầy đủ các quy trình và những quy định của cơ quan chức năng. Đã có quy trình hướng dẫn của Bộ Y tế về 3 loại chất thải đó là chất thải thông thường, chất thải nguy hại và chất thải tái chế. “Mỗi ngày, Bệnh viện Bạch Mai có khoảng 500 - 700 thùng rác thải. Trong đó, tỷ lệ thùng sai quy trình dưới 3%.... Chúng tôi đã thuê công ty Urenco 8 và Urenco10 xử lý chất thải và là nhà trúng thầu theo quy định của Bộ Y tế. Bên cạnh đó, BV cũng đã ban hành ISO về các quy định và chúng tôi đã thực hiện rất nghiêm ngặt. Tuy nhiên, chúng tôi cũng thừa nhận có một số nhân viên chưa tuân tuân thủ và có thời điểm không tốt. Cá nhân tôi xin chịu trách nhiệm trước ban lãnh đạo Bệnh viện”, ông Hùng  nói.

Ông Hùng cũng cho biết thêm, Khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn đang tiến hành một thử nghiệm khử trùng rác thải y tế nguy hại bằng lò hấp tiệt trùng trước khi đưa ra bên ngoài. Theo đó, trước khi khử trùng phải cắt nhỏ rác thải y tế và việc thử nghiệm này đã tiến hành được mấy tháng nay. Qua thử nghiệm 30 mẻ, thấy không còn vi khuẩn nên khoa mới bán rác thải y tế đã qua xử lý cho các cơ sở tái chế.

Trả lời câu hỏi của phóng viên về những xe chở rác thải y tế từ bệnh viện bán ra ngoài, ông Nguyễn Ngọc Hiền, Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai khẳng định, những loại rác thải được chở từ bệnh viện đi bán không phải là loại nguy hại và bị cấm: “Tại BV có những loại rác thải vẫn thường xuyên bán cho các đơn vị tái chế như chai dịch truyền bằng nhựa trung bình 71 kg/1 ngày, giấy vụn 140 cân, chai, lọ thủy tinh đựng các chất thải không nguy hại, chúng tôi kiểm soát chặt chẽ nhất có thể để đảm bảo khi ra môi trường không còn nguy hại nữa” ông Hiền khẳng định.

Sẽ xử lý nghiêm nếu xác định rõ sai phạm

Về phía ban lãnh đạo BV, ông Ngô Quý Châu, Phó Giám đốc Bệnh viện cho biết, ngay trong sáng nay sau khi tiếp nhận thông tin về rác thải tuồn ra thị trường trên báo chí, Ban Giám đốc bệnh viện đã cho dừng việc sơ chế rác thải y tế của khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn để kiểm tra lại các khâu thu gom, phân loại, vận chuyển rác thải y tế. Nếu phát hiện vi phạm sẽ xử lý nghiêm, sai phạm đến đâu, xử lý đến đó.

Ông Châu cũng cho biết thêm, Bệnh viện nhận sai sót vì đã để xảy ra hiện tượng như báo chí đã đăng, Bệnh viện không có chủ trương làm như vậy, những việc làm chưa đúng sẽ phải xem xét nghiêm túc, chấn chỉnh nghiêm túc. Đây là bài học cho Khoa kiểm soát nhiễm khuẩn. Công tác quản lý rác thải nói riêng, quản lý trong bệnh viện nói chung sẽ được chấn chỉnh. Bên cạnh đó, những nhân viên làm việc không đúng sẽ được nghiêm túc xử lý.

Một số hình ảnh buổi họp báo chiều ngày 8/1

Buổi họp báo tại bệnh viện Bạch Mai chiều 8/1

PGS. TS Nguyễn Việt Hùng – Trưởng khoa kiểm soát nhiễm khuẩn khẳng định không tuồn rác thải y tế độc hại ra thị trường


GS.TS Ngô Quý Châu – Phó giám đốc Bệnh viện Bạch Mai phát biểu tại cuộc họp báo

Quy định về tái chế chất thải y tế
Chất thải y tế bao gồm chất thải y tế thông thường và chất thải y tế nguy hại, trong đó chiếm phần lớn (khoảng 80-90%) là chất thải y tế thông thường, chỉ khoảng 10-20% là chất thải y tế nguy hại bao gồm chất thải lây nhiễm và chất thải hóa học nguy hại yêu cầu phải quản lý đúng quy định để bảo đảm an toàn với con người và môi trường. Tuy nhiên nếu chất thải y tế nguy hại được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật về môi trường thì an toàn đối với sức khỏe con người.
Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo tăng cường tái chế chất thải y tế nhằm mục đích tránh lãng phí, hạn chế gây ô nhiễm môi trường và lợi ích về kinh tế.
Luật bảo vệ môi trường 2014 (Khoản 3 Điều 6) khuyến khích hoạt động giảm thiểu, thu gom, tái sử dụng và tái chế chất thải.
Nghị định số 38/2015/NĐ-CP (Điểm b Khoản 5 Điều 49) của Chính phủ cũng quy định “chất thải lây nhiễm sau khi khử khuẩn thì được xử lý như đối với chất thải thông thường bằng phương pháp phù hợp.
Quy chế quản lý chất thải y tế được ban hành tại Quyết định số 43/2007/QĐ-BYT của Bộ Y tế cũng đã quy định danh mục chất thải được phép thu gom phục vụ mục đích tái chế, trong đó các chất thải là các chai nhựa đựng các dung dịch không có chất hóa học nguy hại như: dung dịch NaCl 0,9%, glucose, natri bicacbonate, ringer lactat, dung dịch cao phân tử, dịch lọc thận và các chai nhựa đựng dung dịch không nguy hại khác; các vật liệu nhựa khác không dính các thành phần nguy hại; các chai thủy tinh đựng các dung dịch không chứa các thành phần nguy hại; các lọ thủy tinh đựng thuốc tiêm không chứa các thành phần nguy hại; các vật liệu kim loại không dính các thành phần nguy hại; Giấy, báo, bìa, thùng các-tông, vỏ hộp thuốc và các vật liệu giấy là những chất thải được phép thu gom phục vụ mục đích tái chế.
Tại Chỉ thị số 05/CT-BYT ngày 06/7/2015, Bộ trưởng Bộ Y tế đã yêu cầu các bệnh viện phải tăng cường công tác quản lý chất thải y tế, trong đó yêu cầu giám đốc bệnh viện phải thường xuyên kiểm tra, giám sát công tác quản lý chất thải rắn y tế, không để tình trạng lọt chất thải rắn y tế nguy hại ra ngoài. Xử lý nghiêm các cá nhân, đơn vị vi phạm các quy định hiện hành về phân loại, thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải y tế.
Theo như các quy định nêu trên, chất thải y tế thông thường hoặc chất thải y tế nguy hại đã được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật về môi trường, trở thành chất thải thông thường và có thể được thu gom phục vụ mục đích tái chế.
Theo Luật bảo vệ môi trường, việc quản lý chất thải y tế nói chung và quản lý chất thải y tế để phục vụ mục đích tái chế nếu không đúng quy định thì người đứng đầu cơ sở y tế phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Thanh Loan-Nguyễn Hồng
Ý kiến của bạn