Theo tài liệu thuyết minh các điểm tham quan du lịch (Sở Du lịch TP Huế), Huế từng là trung tâm chính trị, văn hóa qua các thời kỳ lịch sử - thủ phủ thời các chúa Nguyễn, kinh đô triều Tây Sơn, triều Nguyễn.
Vùng đất này hội tụ, giao thoa, tiếp biến nhiều nền văn hóa từ đó tạo nên cho Huế một diện mạo đặc trưng với nhiều chùa chiền, đền đài miếu mạo, nhà vườn, phủ đệ, đặc biệt nhất là các lăng tẩm của các vị vua Nguyễn. Trong đó nổi bật nhất là Quần thể Di tích Cố đô Huế được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới năm 1993.

Đại nội Huế.
Tập trung về phía Tây Nam của Kinh thành Huế, các vị vua lựa chọn những khung cảnh thiên nhiên đẹp nhất, hợp phong thủy để xây dựng lăng tẩm. Mỗi một lăng vua với đặc tính riêng, ảnh hưởng từ tính cách của mỗi vị hoàng đế, bối cảnh ra đời...
TS. Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP Huế cho hay, trong 143 năm tồn tại (1802-1945), vương triều Nguyễn có 13 vị hoàng đế nhưng chỉ để lại 7 khu lăng tẩm quy mô của 10 vị hoàng đế và một số lăng của hoàng hậu. Do điều kiện lịch sử khác nhau nên các khu lăng có quy mô, phong cách cũng khác nhau.
Dưới đây là hình ảnh 7 lăng vua triều Nguyễn do PV Báo Sức khỏe & Đời sống ghi nhận:


Lăng vua Gia Long (còn gọi Thiên Thọ Lăng) gồm một quần thể 7 khu lăng tẩm của vua Gia Long, 2 vị hoàng hậu và 4 thành viên khác thuộc hoàng gia Nguyễn nằm trong một khu vực rộng đến 2.875 ha. Lăng hiện nay tọa lạc tại phường Long Hồ, quận Phú Xuân.

Lăng vua Minh Mạng (còn gọi Hiếu Lăng) là lăng duy nhất của một vị hoàng đế, không có bồi táng hoàng hậu hay các thành viên hoàng gia khác. Lăng được lựa chọn, quy hoạch và xây dựng rất công phu. Tổng thể khu vực lăng rộng gần 500 ha, nhưng khu lăng chính rộng khoảng 15 ha, có vòng tường thành xây đá núi, cao 3,6 m, dài gần 2.000 m bao bọc. Lăng hiện tọa lạc tại phường Long Hồ, quận Phú Xuân.

Lăng vua Thiệu Trị (còn gọi Xương Lăng) là một khu vực rộng lớn, bao gồm 3 khu lăng gồm Xương lăng, Hiếu Đông lăng và Xương Thọ lăng. Ngoài ra còn có nhiều tẩm mộ của một số thành viên trong gia đình vua Thiệu Trị. Lăng hiện tọa lạc tại phường Thủy Bằng, quận Thuận Hoá.

Lăng vua Tự Đức (còn gọi Khiêm Lăng) là khu lăng mộ rộng lớn với tổng diện tích gần 220 ha, riêng nội lăng khoảng 13,5 ha, bao gồm 3 khu lăng Khiêm Lăng, Khiêm Thọ Lăng và Bồi Lăng. Điểm đặc biệt của lăng là toàn bộ việc thiết kế đều do vua Tự Đức thực hiện và trong khoảng 16 năm sau khi xây dựng xong (1867-1883) nó là một ly cung, sau đó mới trở thành khu lăng tẩm.

Lăng hiện tọa lạc tại phường Thủy Xuân, quận Thuận Hoá.

Lăng vua Đồng Khánh (còn gọi Tư Lăng) là một khu vực lăng tẩm rộng lớn, nối liền với khu vực lăng vua Tự Đức, tạo nên một quần thể lăng tẩm rộng gần 220 ha. Riêng khu vực này có khu lăng tẩm khác nhau Tư Lăng của vua Đồng Khánh, Thiên Thành Cục của Kiên Thái Vương và một số tẩm mộ của các thành viên khác trong gia đình với thời gian xây dựng cũng rất khác nhau. Lăng hiện tọa lạc tại phường Thủy Xuân, quận Thuận Hoá.

Lăng vua Dục Đức (còn gọi An Lăng) là khu lăng tẩm gần Kinh thành nhất, rộng gần 6 ha, bao gồm lăng của vua Dục Đức hiệp táng cùng Từ Minh hoàng hậu, lăng vua Thành Thái, vua Duy Tân cùng nhiều thành viên khác thuộc đệ tứ chánh hệ. Lăng hiện tọa lạc tại phường An Cựu, quận Thuận Hoá.

Lăng vua Khải Định (còn gọi Ứng Lăng) tọa lạc tại phường Thủy Bằng, quận Thuận Hoá. Đây là lăng tẩm hoàng đế được xây dựng cuối cùng của thời Nguyễn. Mặt bằng xây dựng lăng hình chữ nhật (117 m x 48,5 m), có hàng rào cao 3 m bảo vệ. Toàn bộ khu tẩm điện và lăng mộ hòa chung với nhau thành 1 trục thống nhất, bố trí trên 7 tầng sân với 127 bậc cấp xây gạch.