Lời trăng trối của người cha
Một ngày giữa năm 1967, ông Thụy - một nông dân ở xã Hùng Tiến (Mỹ Đức, Hà Tây cũ) bị viêm bàng quang do sỏi cấp cứu tại bệnh viện tỉnh. Một bệnh không quá nguy hiểm, nhưng ngày đó đang thời chiến, thiếu nhiều phương tiện, thuốc men, bệnh tình ông ngày càng nặng. Biết mình không qua khỏi, ông gọi ba người con trai đến bên giường bệnh. Sau khi dặn dò việc nhà, ông bất ngờ nói: “Thể nào trong các con cũng có đứa theo nghề y, làm y tá để giúp bà con chòm xóm”. Cả xã ngày đó không ai có bằng bác sĩ, ông chỉ nghĩ có đứa con làm y tá đã là mãn nguyện rồi. Ông qua đời ở tuổi 53. Song, các con ông sau đó cũng không hoàn toàn có điều kiện chọn nghề theo ý cha. Người con cả đi làm giáo viên cấp một, con thứ học trung cấp vật tư, còn con út Nguyễn Cường Thịnh phải chờ đến năm 1972, khi anh mới 17 tuổi đã được gọi nhập ngũ, trước mắt là vào Nam chiến đấu. Huấn luyện tân binh 3 tháng tại E1, Quân khu Hữu Ngạn, đáng lẽ Thịnh vào chiến trường Quảng Trị, do ít tuổi nhất trung đoàn, lại thấp bé nhẹ cân nên đơn vị giữ lại làm anh nuôi. Năm sau, Hiệp định hòa bình ký kết tại Paris (Pháp), cấp trên cử một số tân binh đi học văn hóa phục vụ quân đội lâu dài, Thịnh may mắn trong số đó. Lúc chọn trường, số đông bạn bè đều nhắm tới Học viện Kỹ thuật quân sự, nhớ lời cha, anh không do dự chọn nghề y, thi vào Học viện Quân y và đỗ với số điểm cao. Hôm nhận giấy nhập trường, anh tranh thủ về quê, đến trước mộ cha chắp tay thì thầm: “Cha ơi, con được học để thành bác sĩ...”.
Ngoại khoa chọn anh
Nguyễn Cường Thịnh vào khóa 1975 - 1981, học tất cả các môn từ nội đến ngoại khoa và đều đạt điểm khá, giỏi. Ra trường, anh trung úy bác sĩ quân y trẻ được phân công về Trạm xá Sư đoàn 470 đóng tại Đắc Lắc. Bệnh xá sư đoàn đã có một bác sĩ lâu năm, ông muốn “thử sức” chàng bác sĩ mới toe này, đúng lúc có một chiến sĩ bị đau bụng phải nhập viện. Thịnh chẩn đoán: viêm ruột thừa cấp. Phải mổ gấp, chính anh mổ dưới sự giám sát của bệnh xá trưởng. Hồi học tại trường, rồi tập sự tại Bệnh viện thực hành 103, Thịnh không lạ lẫm với loại bệnh này, song đây là lần đầu tiên anh trực tiếp cầm dao mổ. Thịnh vóc người đậm, tầm thước, song “trời cho” anh có được những ngón tay trắng trẻo, thon dài hơn bình thường, có lẽ vì thế mà hồi ở nhà, cha mẹ vẫn khen anh làm việc gì cũng nhanh gọn, khéo léo, đôi bàn tay ấy ngay ca mổ đầu tiên trong đời đã tỏ ra khá thành thục, chiếm được cảm tình của người bệnh xá trưởng. Tiếp đến là những năm tháng chàng bác sĩ trẻ lăn lộn với thực tế, thường xử lý thành công các ca bệnh cả nội lẫn ngoại khoa, mà trong lòng anh vẫn thầm mơ ước trở thành một nhà phẫu thuật giỏi. Đầu năm 1985, Bộ Quốc phòng có chủ trương tuyển một số bác sĩ tuyến cơ sở tăng cường cho tuyến cao nhất là Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Nguyễn Cường Thịnh được chọn. Ban đầu dự kiến đưa anh về Khoa Hồi sức cấp cứu. Ngày đó, GS.TS. Vũ Duy Thanh - Chủ nhiệm Khoa Phẫu thuật tiêu hóa (B3) đang rất cần đào tạo trợ thủ kế nghiệp và anh cũng muốn được thử sức tại “điểm nóng” này của bệnh viện. Khoa B3 liên quan đến các bệnh về gan, mật, tụy, dạ dày, ruột... lúc nào cũng đông nghẹt người bệnh. Những năm sau này đổi mới theo cơ chế thị trường, Bệnh viện 108 mở rộng dịch vụ, Khoa B3 càng đông bệnh nhân hơn, vào hàng có số người khám, điều trị cao nhất trong các khoa ngoại của bệnh viện.
PGS.TS. Nguyễn Cường Thịnh khám bệnh tại Khoa B3, BV TW Quân đội 108.
Bệnh viện luôn được Nhà nước quan tâm đầu tư những trang thiết bị tiên tiến, liên tục cập nhật nhiều công nghệ y học mới, đòi hỏi người bác sĩ phải nhạy bén nắm bắt, làm chủ được phương tiện hiện đại để điều trị có hiệu quả. Ngoài ra họ còn có nhiệm vụ nghiên cứu ứng dụng lâm sàng và học ngoại ngữ, chủ yếu là tiếng Anh để hội nhập quốc tế. Đó là những đòi hỏi khắt khe với mỗi bác sĩ trẻ khi được làm việc ở một trung tâm y học lớn như Bệnh viện 108. Trong những năm cuối thập niên 80 thế kỷ trước, giáo sư Thanh đưa Nguyễn Cường Thịnh về khoa cùng 6 bác sĩ nội trú nữa, cuối cùng trụ lại được có mình anh.
Lặng thầm “chạy đua” với sự sống của người bệnh
Những thầy thuốc làm việc ở đây hầu như không có ngày nghỉ, bất cứ lúc nào cũng cần có mặt để kịp thời xử lý bệnh nhân tuyến dưới gửi lên hoặc bệnh nhân cấp cứu. Khoa hiện có gần 20 bác sĩ với nhiều tay mổ cứng. Hãy hình dung hoạt động trong phòng mổ hiện đại của Bệnh viện 108. Cả ê-kíp (thường là 5 - 7 người) đều lặng lẽ, chăm chú và khẩn trương, mỗi người một phận sự, phải chính xác trong từng thao tác, phối hợp nhịp nhàng như một dây chuyền công nghệ hoàn chỉnh từ lúc băng ca đưa bệnh nhân vào đến khi đưa ra. Có phải suốt bao năm tháng với nếp làm việc như thế mà họ có chung một đức tính, thói quen nghề nghiệp, kiểu sống vừa lặng thầm, vừa khẩn trương. Lặng thầm để tập trung cao nhất trí lực cho công việc, tránh những khoa trương, ồn ào mất thì giờ; khẩn trương để chạy đua với thời gian giành lại từ tay tử thần sự sống cho người bệnh. Thử thách với người thầy thuốc bao giờ cũng đến từ những ca bệnh khó và nhiều khi phải đặt sinh mạng người bệnh lên trên hết mà nhận trách nhiệm về mình. Một bệnh nhân nam 50 tuổi, quê Hưng Yên ôm cái bụng trướng to, yếu dần mà bất lực vì với khối u lớn như thế sẽ rủi ro phẫu thuật cao. Nhìn ánh mắt đau khổ tuyệt vọng của người bệnh, BS. Thịnh không nỡ ngoảnh mặt đi, anh xem kỹ các xét nghiệm cùng phim chụp và quyết định mổ. Sau 4 giờ liên tục, anh cùng các cộng sự đã lấy ra một u mỡ khổng lồ nặng 15 kg, còn cắt “giúp” người bệnh ống mật chủ đầy sỏi. Nay người bệnh đã ngoài 60 tuổi, “nhẹ nhõm”, luôn nói bác sĩ Thịnh là ân nhân, đã cho ông sinh ra lần thứ hai. Một buổi tối, Đại tá C., Chính ủy Nhà máy Quân giới M nhập viện do viêm tụy cấp. Bác sĩ trực hôm ấy mở bụng thấy tụy hoại tử, máu ra nhiều, đã cắt tụy. Sau 3 ngày vẫn chảy máu, bệnh nhân tụt huyết áp, nguy cơ trụy tim dẫn tới tử vong hiện hữu. BS. Thịnh không do dự quyết định mổ lại. Với kinh nghiệm từng xử lý các ca về đường tụy, anh đặt xông, rửa các tổ chức hoại tử và truyền máu liên tục, sau 3 giờ vật lộn với tử thần, bệnh nhân C. đã được cứu sống. Một trường hợp khác. Bệnh nhân N. sau mổ nôn ra máu, hồng cầu còn 1,2 triệu, huyết áp tụt. Bác sĩ mổ trước chẩn đoán nguyên nhân ở đại tràng và dạ dày, nhưng soi đều không thấy tổn thương. Chụp cắt lớp, nghi vỡ phình mạch nuôi ruột. Đang ngày nghỉ ở nhà, nghe báo cáo tình hình nguy cấp của bệnh nhân N., BS. Thịnh vội đến ngay phòng mổ. Ruột non, đại tràng người bệnh đã đầy máu, anh phát hiện nguyên nhân chính do phình mạch treo tràng trên và đã cùng cộng sự bình tĩnh cắt nối ruột non, cứu sống người bệnh...
Hàng năm bác sĩ của Bệnh viện 108 có các chuyến đi thực tế trực tiếp điều trị cho bộ đội và nhân dân. Thường mỗi đợt 1 tháng, có đợt 3 tháng. Nguyễn Cường Thịnh đi nhiều nơi, như về Viện 110 Bắc Ninh; Viện 105 Ninh Bình... Nơi anh về nhiều nhất là mảnh đất Tây Nguyên xưa, tới 10 lần. Chính tại Viện Quân y 211 ở Plei Ku, Gia Lai trong điều kiện trang thiết bị còn thiếu thốn, anh đã cùng các đồng nghiệp ở đây giải quyết được nhiều ca bệnh nặng, trong đó có những ca khá đặc biệt. Như trường hợp của bệnh nhân T., 30 tuổi. Anh này từng bị đạn bắn vào ngực. Sau nửa năm, anh vào lại viện trong tình trạng ngực đau dữ dội, khó thở. Bác sĩ Viện 211 cho là tràn dịch màng phổi, nhưng hút ra toàn dịch tiêu hóa. Đúng lúc BS. Thịnh vừa về đây, anh được mời hội chẩn. Anh chú ý đến tiền sử bệnh nhân bị tổn thương cơ hoành, có thể do thoát vị dạ dày bị đẩy vào lồng ngực. Và đúng như dự đoán của anh, khi mổ lại, dạ dày được đưa về vị trí cũ, khâu cơ hoành, ít ngày sau bệnh nhân đã ra viện. Buổi chiều hôm ấy, một chiến sĩ của Quân đoàn 3 nhập viện trong tình trạng đau bụng mê man. BS. Thịnh vội bỏ dở bát cơm đang ăn, cùng bác sĩ trực hội chẩn. Ban đầu nghi đau ruột thừa, khi mở bụng thấy một khối u xơ thần kinh khá to và anh đã cắt bỏ thành công, 7 ngày sau người bệnh khỏe mạnh xuất viện.
Kể từ ngày BS. Nguyễn Cường Thịnh từ Đăk Lăk ra Hà Nội, đến nay đã tròn 30 năm. Hiện anh là Đại tá, Trưởng khoa, Phó giáo sư, Tiến sĩ y học. Ta thử làm một con tính đơn giản. Trung bình mỗi năm Khoa B3 giải quyết khoảng 3.000 ca phẫu thuật và người đứng đầu ở đây thường đảm nhiệm 20 - 25% số ca trong đó, hầu hết là ca khó. Vậy mỗi ngày anh phải trực tiếp mổ 2 - 3 ca, thực tế có ngày đứng nhiều giờ liền giải quyết 4 - 5 ca. Đột xuất trong tháng đầu năm 2014 này, anh đạt kỷ lục 7 ca mổ trong một ngày. Mỗi khi mổ nhiều như thế, anh thường chỉ kịp uống ly sữa để lấy sức, may mắn là do rèn luyện thường xuyên anh có một thể lực tốt, ở tuổi gần 60 mắt tinh tường, tay dao vẫn vững vàng, khéo léo. Từ lâu anh đã trở thành một trong những “Bàn tay vàng” của Bệnh viện 108, được nhiều người bệnh đến điều trị gửi gắm, tín nhiệm. Một lần xem anh trình diễn, GS. Văn Tần, nhà phẫu thuật nổi tiếng của Bệnh viện Bình Dân, TP. Hồ Chí Minh nhận xét: “Chúng tôi tuy mổ gan nhiều hơn các anh, nhưng kỹ thuật mổ của các anh tuyệt vời hơn!”.
PGS.TS. Nguyễn Cường Thịnh (giữa) trong một ca mổ nội soi cắt gan tại BVTW Quân đội 108 đầu tháng 8/2014.
PGS.TS. Phạm Duy Hiển - nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Ung bướu Trung ương, nguyên Đại tá, Chủ nhiệm Khoa B3, là thầy trực tiếp hướng dẫn luận văn tiến sĩ y học của Nguyễn Cường Thịnh (anh bảo vệ thành công tiến sĩ năm 1995), đã có lần nói với người viết bài này về người học trò cưng của mình: “Nguyễn Cường Thịnh không có tính chủ quan tự mãn, điểm nổi bật của anh là khiêm tốn và không ngừng học hỏi, nắm bắt nhanh cái mới. Năm 1996, lần đầu tiên ở Bệnh viện 108, tôi mổ ca ruột thừa bằng nội soi, Thịnh phụ mổ, đến ca sau anh đã độc lập mổ nội soi được rồi”.
Tiếp đến những năm sau này, Bệnh viện 108 có thêm phương tiện hiện đại, khi đó tôi đã chuyển ngành, Khoa B3 dưới sự dẫn dắt của anh ấy còn thực hiện thành công các thủ thuật khó hơn, như mổ nội soi cắt các bộ phận: đại trực tràng, khối tá tụy, thực quản và gần đây là mổ nội soi cắt gan... Điều đặc biệt nữa ở Thịnh là khả năng độc lập nghiên cứu khoa học.
Đến nay, anh ấy đã có gần 100 bài báo khoa học đăng trên các tạp chí trong nước, quốc tế và đã nghiệm thu 3 đề tài cấp Bộ về các bệnh gan, mật; kỹ thuật cắt gan kết hợp phương pháp cắt gan khô của BS. Tôn Thất Tùng với phương pháp cắt gan kinh điển Lortat-Jacob. Năm 2008, Thịnh còn có bằng sáng chế về dụng cụ chụp đường mật...”.
Trong vòng 30 năm qua, Khoa B3 đã có sự chuyển giao thế hệ khá ngoạn mục. GS. Thanh đến tuổi nghỉ hưu, truyền lại PGS. Hiển lúc vừa hoàn thành luận văn tiến sĩ y học từ Đức về và sau này trong thời mở cửa, PGS. Hiển đã cùng các bác sĩ của khoa đi tiên phong trong nhiều tiến bộ y học mà thời người tiền nhiệm chưa có. PGS. Thịnh tiếp thu di sản thầy để lại, còn phát triển tốt hơn trong các ứng dụng kỹ thuật mới. Đặc biệt, gần đây, Bệnh viện 108 chính thức trở thành một cơ sở đào tạo chính quy với sự ra đời Viện Nghiên cứu Y dược lâm sàng, Khoa B3 thêm chức năng đào tạo nghiên cứu sinh cao cấp. Là Chủ nhiệm Bộ môn Phẫu thuật tiêu hóa, PGS.TS. Thịnh thời gian qua đã hướng dẫn thành công 4 tiến sĩ, đang hướng dẫn 7 nghiên cứu sinh khác.
Từ nhiều năm nay, Khoa B3, Bệnh viện 108 luôn có những bước tiến vững chắc, đồng đều về tinh thần phục vụ người bệnh và chuyên môn, được thừa nhận là một trong những trung tâm phẫu thuật tiêu hóa hàng đầu, không chỉ trong nước mà còn có tầm cỡ ở khu vực Đông Nam Á. Hiện Khoa B3 đang được cấp trên chỉ đạo xây dựng thành đơn vị đạt danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới. Trong thành tích chung, có vai trò đầu tàu của PGS.TS. Nguyễn Cường Thịnh với gần 20 năm liên tục lãnh đạo đơn vị đi lên chính quy, hiện đại.
Nhớ lại lời trăng trối của người cha trước phút lâm chung, Nguyễn Cường Thịnh trong cái nôi đào luyện tuyệt vời của quân đội, với những cố gắng không biết mệt mỏi, đến hôm nay, ông đã đạt được nhiều thành tựu, có những trưởng thành vượt bậc về chuyên môn, hẳn linh hồn người cha được ngậm cười nơi chín suối.
Phạm Quang Đẩu