Sở Công Thương tỉnh Lạng Sơn vừa thông báo tới Sở Công Thương các tỉnh, thành phố về việc tiếp tục tạm dừng tiếp nhận phương tiện chở hoa quả tươi đến các cửa khẩu đường bộ của tỉnh Lạng Sơn để xuất khẩu sang Trung Quốc đến hết ngày 5/3.
Trong thời gian tạm dừng, nếu năng lực thông quan tại cửa khẩu tỉnh Lạng Sơn được cải thiện, tỉnh sẽ thông báo điều chỉnh.
Đối với các phương tiện chở hoa quả tươi vào tỉnh Lạng Sơn đã cam kết tiêu thụ nội địa (trong tỉnh Lạng Sơn) hoặc đi các tỉnh khác sẽ không được tiếp nhận vào cửa khẩu tỉnh Lạng Sơn để xuất khẩu trong thời gian tạm dừng tiếp nhận theo thông báo của tỉnh.
Do vậy, Lạng Sơn đề nghị Sở Công Thương các tỉnh, thành phố có mặt hàng hoa quả tươi xuất khẩu qua địa bàn Lạng Sơn tiếp tục thông tin rộng rãi tới doanh nghiệp, thương nhân thực hiện nghiêm túc nội dung thông báo về việc tạm thời dừng này.
Cùng đó, tiếp tục triển khai kết nối thị trường, đẩy mạnh tiêu thụ trong nước, tập trung vào các loại trái cây, nông sản đang vào vụ thu hoạch; xem xét, hướng dẫn doanh nghiệp lựa chọn, chuyển đổi phương thức vận tải, xuất khẩu khác ngoài đường bộ như đường thủy, đường sắt nhằm giảm tải cho cửa khẩu đường bộ; đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu sang các quốc gia khác.
Sở Công Thương tỉnh Lạng Sơn cho biết, tuy ngày 12/2 đơn vị đã có văn bản gửi Sở Công Thương các tỉnh, thành phố về việc tạm thời dừng tiếp nhận phương tiện chở hoa quả tươi đến cửa khẩu đường bộ của Lạng Sơn để xuất khẩu, thời gian thực hiện từ ngày 16 đến hết ngày 25/2 nhưng hàng ngày vẫn phát sinh khoảng 50 xe chở hoa quả vào Lạng Sơn với lý do để tiêu thụ nội địa hoặc đưa lên cửa khẩu tỉnh Cao Bằng xuất khẩu sang Trung Quốc.
Kiểm tra thực tế thì những xe này lại dừng, đỗ quanh khu vực thành phố Lạng Sơn để chờ lên cửa khẩu xuất khẩu, gây khó khăn cho việc quản lý, đảm bảo giao thông, cũng như thực hiện chủ trương tập trung giải quyết ùn ứ hàng hóa tại cửa khẩu.
Theo Ban quản lý Khu kinh tế Cửa khẩu Đồng Đăng-Lạng Sơn, hiện nay, 4 cửa khẩu trên địa bàn vẫn đang tích cực hoạt động thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu. Tỉnh Lạng Sơn tiếp tục trao đổi, hội đàm với phía Trung Quốc để tăng năng lực thông quan tại các cửa khẩu.
Tuy nhiên, do phía Trung Quốc tiếp tục thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 như tăng cường xét nghiệm, phun khử khuẩn hàng hóa và phương tiện, phương thức giao nhận hạn chế tiếp xúc giữa hai bên; đồng thời hàng nông sản của Việt Nam khi xuất khẩu sang Trung Quốc phải thực hiện kiểm hóa 100%... nên hiệu suất thông quan vẫn rất thấp. Trung bình chỉ giải phóng được khoảng 90-100 xe xuất/ngày.
Cụ thể, trung bình tại cửa khẩu Hữu Nghị xuất 60-70 xe/ngày, cửa khẩu Tân Thanh 30-40 xe/ngày. Đến ngày 22/2, tổng lượng xe hàng chờ xuất khẩu tại các khu vực cửa khẩu là 1.136 xe; trong đó có 796 xe chở hoa quả tươi, chiếm phần lớn tổng số xe hàng chờ xuất khẩu.
Phía Chi cục Hải quan Tân Thanh thông tin, để nâng cao năng lực thông quan, giải phóng lượng xe tồn đọng, các lực lượng chức năng tại các cửa khẩu của tỉnh Lạng Sơn đã nắm bắt sát tình hình, nỗ lực thực hiện nhiệm vụ. Đồng thời, triển khai chặt chẽ việc phòng chống dịch bệnh tại các bến bãi khu vực cửa khẩu.
Trong khi đó, Thiếu tá Lê Xuân Hùng, Đồn Biên phòng Tân Thanh cho biết, để giữ "vùng xanh" giao thương cửa khẩu, lực lượng bộ đội biên phòng luôn thực hiện tốt nhiệm vụ phân làn, phân luồng, điều tiết phương tiện vào bến bãi. Đặc biệt, trước khi lái xe vào bãi, chúng tôi đã tuyên truyền tới các tài xế thực hiện nghiêm các quy định phòng chống dịch.
Trong quá trình ăn, ngủ, nghỉ chờ trong bến bãi, các tài xế phải tuân thủ và đảm bảo vệ sinh môi trường, không tụ tập, không tham gia các tệ nạn xã hội.
Ngoài ra, các cơ quan chức năng tỉnh Lạng Sơn cũng đang triển khai thực hiện các giải pháp trọng tâm, linh hoạt nhằm nâng cao năng lực thông quan hàng hóa như rút ngắn thời gian xét nghiệm COVID-19 cho các lái xe đường dài, đẩy mạnh việc khử khuẩn cho hàng hóa…
Lực lượng chức năng tỉnh Lạng Sơn đánh giá, việc tạm thời dừng tiếp nhận hàng hoa quả xuất khẩu chỉ là giải pháp tình thế ngắn hạn. Về lâu dài, các Bộ ngành Trung ương cần đẩy nhanh việc tiếp tục thúc đẩy ký kết các nghị định thư về kiểm dịch thực vật giữa hai bên đối với các mặt hàng nông sản Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc, qua đó giảm thiểu được thời gian thông quan hàng hóa.
Để giảm thiểu thiệt hại cho người dân, doanh nghiệp và tránh tình trạng ùn tắc, tồn đọng hàng hóa có thể xảy ra khi phía bạn tạm dừng thông quan tại các cửa khẩu đường biên, Bộ Công Thương mới đây cũng đề nghị các địa phương vùng trồng, vùng nuôi nông sản, thủy sản thường xuyên theo dõi tình hình thông quan hàng hóa tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc để kịp thời cập nhật thông tin tới các hộ sản xuất trên địa bàn, qua đó giúp nông dân chủ động điều chỉnh kế hoạch sản xuất cho phù hợp với tình hình hiện nay.
Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) chỉ rõ, Trung Quốc không còn là một thị trường dễ tính, hàng hóa, nhất là nông sản dù đi đường bộ, đường biển hay đường sắt hay hàng không đều phải đáp ứng các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm, kiểm dịch thực vật, truy xuất nguồn gốc. "Chính những quy định như vậy sẽ buộc doanh nghiệp của Việt Nam phải làm ăn quy củ hơn, ngay từ khâu sản xuất, thương mại cho đến logistics", ông Hải chỉ rõ.