Theo số liệu của Cục Thống kê tỉnh Lạng Sơn, tổng tỷ suất sinh của tỉnh năm 2015 là 2,38 con năm 2019 là 2,13 con và năm 2020 là 2,19 con - tiệm cận mức sinh thay thế (2,1 con). Mức sinh của Lạng Sơn hiện nay thuộc nhóm những tỉnh thấp nhất trong 33 tỉnh thuộc vùng có mức sinh cao.
Tổng tỷ suất sinh giữa thành thị và nông thôn của Lạng Sơn không có nhiều sự khác biệt, năm 2010 ở thành thị là 1,98 con, nông thôn 1,78 con; năm 2019 ở thành thị 2,06 con, nông thôn 2,13 con.
Theo BSCKII Nguyễn Quang Bằng, Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh Lạng Sơn, UBND tỉnh Lạng Sơn đã ban hành Kế hoạch số 165/KH-UBND ngày 05 tháng 10 năm 2020 thực hiện Chương trình điều chỉnh mức sinh giữa các vùng và đối tượng đến năm 2030 thì đã xác định 4 nhóm đến tận tuyến xã: Xã có tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên trên 15%; Xã có tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên từ 10% đến dưới 15%; Xã có tỷ lệ từ 5% đến dưới 10%.
Và xã có tỷ lệ dưới 5% có tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên theo hướng: Đối với xã nhóm 1 được cấp miễn phí các loại phương tiện tránh thai khi có 3 năm liên tục tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên trên 15%; Đối với xã nhóm 2 được cấp miễn phí các loại phương tiện tránh thai khi có 5 năm liên tục tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên trên 10%; Đối với xã thuộc nhóm 3 và nhóm 4 ngoài các đối tượng hộ nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách được cấp miễn phí phương tiện tránh thai thì các đối tượng còn lại được cung ứng qua kênh xã hội hóa, thị trường và tiếp thị xã hội.
Với cơ chế - chính sách này, mục tiêu là đến năm 2025 tỷ lệ sinh con thứ 3 của tỉnh Lạng Sơn cố gắng duy trì ở mức dưới 10%. Khi đó, tổng tỷ suất sinh sẽ đạt ở mức 2,1 con cho một phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ và duy trì vững chắc mức sinh thay thế.
BSCKII Nguyễn Quang Bằng cho biết thêm, quan điểm lấy cấp xã là đơn vị tính xem trong 3 năm hoặc 5 năm liên tục để theo dõi tình trạng sinh con thứ 3 trở lên nên trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn sẽ quy chiếu tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên để xem xét xã/phường/thị trấn nào có tỷ lệ sinh cao, trung bình, thấp.
Với các xã thuộc nhóm 1, mục tiêu thực hiện là "Mỗi cặp vợ chồng chỉ có 2 con để nuôi dạy cho tốt", nhóm 2 là "Mỗi cặp vợ chồng nên dừng lại ở 2 con để nuôi dạy cho tốt", nhóm 3 là "Mỗi cặp vợ chồng nên có 2 con để nuôi dạy cho tốt" và nhóm 4 là "Mỗi cặp vợ chồng nên sinh đủ hai con và nuôi dạy cho tốt".
Tỉnh Lạng Sơn cũng xác định yếu tố quyết định thành công trước hết là tư vấn, tuyên truyền, vận động thuyết phục người dân tự giác chấp nhận quy mô gia đình có đủ hai con để đảm bảo cuộc sống gia đình và sự phát triển chung của xã hội.
Đồng thời, coi trọng việc bình đẳng giới sao cho việc thờ cúng tổ tiên, thừa kế tài sản thì con trai và con gái như nhau, chú trọng phát huy tốt vai trò và quyền năng của nữ giới trong gia đình cũng như ngoài xã hội.
Tiếp đó là đáp ứng đầy đủ và đa dạng hóa các phương tiện tránh thai ngày càng có chất lượng theo hướng cấp xã có tỷ lệ sinh con thứ 3 trên 10%, người dân thuộc đối tượng ưu tiên được cấp miễn phí; các đối tượng còn lại theo hình thức xã hội hóa theo phân khúc thị trường, đảm bảo đáp ứng được nguồn cung phương tiện tránh thai ngày càng đa dạng hóa.
Một yếu tố rất quan trọng được Lạng Sơn áp dụng là có các hình thức khen thưởng thỏa đáng cho cộng đồng dân cư không có người sinh con thứ 3 trở lên và cộng tác viên thuộc những cộng đồng này.
BSCKII Nguyễn Quang Bằng nhấn mạnh, vấn đề điều chỉnh mức sinh giữa các vùng, đối tượng mang tính xã hội rất cao, do vậy trách nhiệm của người đứng đầu cấp xã quyết định đến sự thành, bại của chương trình. Nên việc cung cấp thông tin, đào tạo tập huấn và trách nhiệm cho đồng chí bí thư cấp xã phải được quan tâm cụ thể. Đặc biệt là không giao khoán nhiệm vụ mà phải thường xuyên cung cấp thông tin và kiểm tra giám sát hỗ trợ của Ban chỉ đạo công tác Dân số-KHHGĐ cấp trên.