Việc sử dụng, mua sắm xe công đã được quy định tại Quyết định số 59/2007/TTg và Quyết định 61/2010/TTg của Thủ tướng Chính phủ, song những quyết định này đã không được các cơ quan, đơn vị và địa phương thực hiện nghiêm túc. Tình trạng mua sắm, sử dụng xe không đúng tiêu chuẩn, sai đối tượng, sử dụng vào việc riêng... làm thất thoát lớn cho ngân sách đã gây bức xúc cho nhân dân.
Siết chặt là cần thiết
Không phải đến bây giờ, việc mua sắm xe công mới được giới truyền thông và cơ quan báo chí phản ánh. Câu chuyện lãng phí xe công đã được nói nhiều trên các diễn đàn và nhiều giải pháp cũng đã được chỉ ra, tuy nhiên thực trạng này vẫn chưa được giải quyết triệt để, đã gióng lên hồi chuông báo động về công tác quản lý xe công.
Việc các quan chức nhà nước có xe công để đi lại thực hiện chức trách, nhiệm vụ là điều hoàn toàn bình thường, tuy nhiên câu hỏi mà người dân đặt ra là những cán bộ nào thì được sử dụng xe công và sử dụng như thế nào? Bởi không thể phủ nhận một thực tế đang tồn tại ở nước ta những năm qua là tình trạng các ngành, các địa phương đều ồ ạt mua sắm xe công. Trong bối cảnh “bầu sữa” ngân sách eo hẹp, việc xét lại chính sách mua sắm và sử dụng xe công, tránh lãng phí là vấn đề cấp thiết.
Mua sắm xe công không đúng quy định sẽ gây lãng phí cho ngân sách nhà nước. Hơn nữa, ngoài chi phí mua sắm xe còn phát sinh hàng loạt chi phí khác tốn kém như: tiền xăng xe, bảo trì, bảo dưỡng, tiền lương cho lái xe... Nhiều địa phương mua sắm xe rất đắt tiền và việc thay đổi cán bộ đồng nghĩa với việc mua sắm xe mới là thực tế. Không chỉ mua sắm xe công không đúng quy định, mà thực tế còn xảy ra trường hợp sử dụng xe công không đúng mục đích, việc dùng xe công vào việc riêng như đi chùa, đám cưới, chơi thể thao... vẫn diễn ra khá phổ biến. Việc làm này dễ dẫn đến nhìn nhận của dân chúng đối với quan chức, trong khi đời sống người dân còn rất nhiều khó khăn.
Phải nghiêm túc thực hiện
Mới đây, Cục Quản lý Công sản, Bộ Tài chính công bố những con số liên quan đến xe công đã khiến cả xã hội giật mình. Mỗi năm ngân sách phải chi gần 13.000 tỷ đồng cho hoạt động của 40.000 xe công, chưa kể xe của các doanh nghiệp và lực lượng vũ trang. Tại cuộc họp báo về công tác quản lý và sử dụng xe công mới đây, ông Trần Đức Thắng, Cục trưởng Cục Quản lý Công sản (Bộ Tài chính) cho biết: Nếu tính mỗi đơn vị chỉ bố trí 1-2 xe thì ước tính số lượng xe giảm khoảng 7.000 xe, theo đó mỗi năm ngân sách tiết kiệm được khoảng 500 tỷ đồng, chưa tính đến chi phí vận hành trong năm khoảng 320 triệu/xe (theo thời giá hiện tại).
Trước thực trạng này, mới đây Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 32/2015/TTg, ngày 4/8/2015, thay thế quyết định cũ, quy định tiêu chuẩn định mức và chế độ sử dụng xe ôtô trong cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, trong công ty do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, với nhiều quy định hợp lý hơn để quản lý sử dụng xe công hiện nay. Một số quy định mới sẽ là bước thay đổi lớn trong việc trang bị, bố trí, sử dụng xe ôtô công tại các cơ quan, đơn vị; góp phần đưa nền nếp quản lý xe công sử dụng đúng mục đích, tiết kiệm, hiệu quả hơn.
Có thể thấy, Chính phủ đã nhìn nhận được vấn đề và rất quyết liệt trong việc quản lý và sử dụng xe công của các Bộ, ngành và địa phương. Quyết định đã được ban hành khiến người dân bớt bức xúc về tình trạng mua sắm và sử dụng xe công tràn lan, lãng phí hiện nay.
Sự lãng phí này bắt nguồn từ sự thiếu minh bạch rõ ràng trong định mức tiêu chuẩn sử dụng tài sản công. Đặc biệt là sự thiếu gương mẫu trong chấp hành quy định của những người có thẩm quyền và chức vụ. Việc quan tâm, sát sao của các thủ trưởng cơ quan, đơn vị và ý thức của người được sử dụng xe là yếu tố quan trọng góp phần vào thực hiện mục tiêu chống lãng phí trong sử dụng xe ôtô công.
Để những quy định được phát huy tác dụng, hạn chế tình trạng sử dụng xe công lãng phí, sai mục đích, tạo điều kiện hỗ trợ giao thông công cộng phát triển có tác động tích cực đến dư luận xã hội và tâm lý người dân thì rất cần có sự gương mẫu từ cán bộ quản lý từ Chính phủ đến các bộ, ngành, địa phương và sự giám sát chặt chẽ của người dân. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần có biện pháp xử lý mạnh tay hơn, không chỉ đối với cá nhân khi mua sắm, sử dụng xe công không đúng tiêu chuẩn, định mức, chủng loại mà còn phải xử lý trách nhiệm đối với thủ trưởng cơ quan đơn vị để xảy ra sai phạm đó.
Trần Lâm