Khái niệm tham nhũng ai cũng rõ nhưng lãng phí trong nhiều trường hợp có phải là tham nhũng? Một khía cạnh của tham nhũng là chuyện lấy của công làm của mình vậy việc sử dụng xe công sai mục đích, không đúng đối tượng, xâm hại đến ngân sách không lẽ không đáng bị lên án?
Giật mình khi ông Cục trưởng Cục Quản lý Công sản (Bộ Tài chính) đưa ra tại cuộc họp báo chiều 23/10 rằng, cả nước hiện có gần 40.000 xe ôtô công, chưa bao gồm xe tại các đơn vị vũ trang, doanh nghiệp Nhà nước. Tức là hơn là 40.000 xe công ấy “ngốn” gần 13.000 tỷ đồng mỗi năm. Cụ thể hơn, tính toán chi phí sử dụng một xe công trung bình khoảng 320 triệu đồng mỗi năm (bao gồm cả chi phí trả lương lái xe, chi phí hao mòn, sửa chữa, xăng dầu...), nghĩa là mỗi người có tiêu chuẩn ngồi trên xe tiêu mỗi ngày gần 1 triệu tiền ngân sách còn người không đúng đối tượng, lạm quy định thì “ăn không” từng đó tiền dân trong mỗi ngày! Ngay người đúng tiêu chuẩn (trừ lãnh đạo cấp cao) nếu đi taxi chắc trung bình một ngày cũng khó có thể hết số tiền đó. Rõ ràng, mức chi cho xe công trong hoàn cảnh ngân sách còn khó khăn hiện nay là chưa phù hợp.
Khi xe công với mọi chi phí mua sắm, sửa chữa đều thanh toán bằng tiền ngân sách thì chuyện nay hỏng bộ phận này, mai thay bộ phận khác rồi thời gian, số km sử dụng bị khai tăng là tất nhiên bởi người ngồi trên xe không phải chi tiền. Việc sử dụng xe sai đối tượng, xe đưa đón từ nơi ở đến nơi làm việc với các chức danh không đủ tiêu chuẩn vẫn diễn ra tưởng nhỏ nhưng tính tổng thể quả là một gánh nặng cho ngân sách.
Xe công là xe công vụ nhưng thành “xe riêng” chỉ phục vụ một người (tất nhiên chi phí thanh toán lại không riêng) nên không ít lần báo chí đã lên tiếng, chụp hình xe “biển công” đậu trước nhà hàng ngoài giờ, hoặc trên bãi gửi xe gần các chùa, khu du lịch khiến không ít trường hợp phải “giấu xe” khi làm những việc riêng.
Dư luận hoan nghênh Bộ Tài chính gần đây đã nghiên cứu và trình Thủ tướng ban hành Quyết định số 32 với nhiều quy định khắt khe và hợp lý hơn để quản lý việc mua sắm, sử dụng xe công hiện nay. Nguyên tắc không tăng số lượng xe công và siết chặt điều kiện sử dụng hơn trước là cần thiết. Sơ bộ tính toán, hiện cả nước có 24.460 xe đang được phục vụ công tác chung và nếu mỗi đơn vị sẽ chỉ có một đến hai chiếc xe loại này thì con số có thể sẽ giảm 7.000 chiếc nhờ quy định mới. Theo Cục Quản lý Công sản, giảm 7.000 chiếc xe, ngân sách sẽ tiết kiệm được khoảng 500 tỷ đồng tiền mua xe thay thế, chưa tính chi phí vận hành trong quá trình sử dụng.
Với quyết định mới, chỉ lãnh đạo có hệ số phụ cấp chức vụ 1,25 và chức danh Thứ trưởng (hoặc tương đương) trở lên mới được dùng xe công đưa đón từ nơi ở đến nơi làm việc. Quy định mới cũng đề ra định mức đối với việc thuê dịch vụ xe ôtô và khoán kinh phí sử dụng theo giá thị trường dựa trên khoảng cách thực tế từ nhà ở đến nơi làm việc hoặc khoảng cách thực tế đi công tác, đơn giá bình quân của phương tiện vận tải công cộng. Nếu thực hiện nghiêm túc, đây sẽ là một bước thay đổi lớn để tiến tới giảm dần việc trang bị hiện vật và chuyển sang cơ chế thuê, khoán được nhiều nước đang áp dụng.
Ngoài chuyện ôtô công, thiết nghĩ việc mua sắm hàng hóa, dịch vụ cũng nên tập trung về một mối theo các cấp như ở một số nước với mục đích mua nhiều - giá rẻ, tránh việc móc ngoặc, đội giá, gửi giá trong hóa đơn thanh toán. Cũng theo đại diện Bộ Tài chính, “Chi mua sắm tài sản Nhà nước hàng năm của Việt Nam chiếm khoảng 20% chi ngân sách, tương đương khoảng 200.000 tỷ đồng một năm” khiến dư luận giật mình.
Đã đến lúc cần quyết liệt hơn với tinh thần “Tiết kiệm là quốc sách”.
Lê Quý