Lãng phí lớn trong quản lý đầu tư xây dựng cơ bản

17-03-2014 22:24 | Thời sự
google news

SKĐS - Đầu năm 2010, đua theo “mốt” xây dựng trung tâm thương mại (TTTM), chợ tạm Ngã Tư Sở đã được dựng lên bên bờ sông Tô Lịch, mục đích là dẹp chợ dân sinh để dựng tòa nhà cao tầng “đa năng” như những gì đã thấy ở TTTM Hàng Da, Cửa Nam hoặc TTTM chợ Mơ bây giờ.

Đầu năm 2010, đua theo “mốt” xây dựng trung tâm thương mại (TTTM), chợ tạm Ngã Tư Sở đã được dựng lên bên bờ sông Tô Lịch, mục đích là dẹp chợ dân sinh để dựng tòa nhà cao tầng “đa năng” như những gì đã thấy ở TTTM Hàng Da, Cửa Nam hoặc TTTM chợ Mơ bây giờ. Tuy nhiên, đến nay số phận gần 800 ki-ốt chợ tạm vẫn treo lơ lửng...

Đã “tạm” lại còn chẳng ra hồn

Mới đây, để triển khai Dự án đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông, UBND thành phố Hà Nội giao cho các đơn vị liên quan di dời hơn 300 ki-ốt chợ tạm Ngã Tư Sở để giải phóng mặt bằng, đồng thời tìm vị trí mới để bổ sung đủ vào số ki-ốt khi thực hiện giải tỏa chợ Ngã Tư Sở. Tuy nhiên, thay vào vị trí này là một cái “chợ cóc” được hoạt động từ 11 giờ đêm đến sáng, lấn chiếm lòng hè đường, gây mất vệ sinh môi trường và mỹ quan đô thị.

Chợ tạm Ngã Tư Sở được lập ra để chờ Dự án TTTM Ngã Tư Sở 20 tầng.

Chợ tạm Ngã Tư Sở được lập ra để chờ Dự án TTTM Ngã Tư Sở 20 tầng.

Đa số các tiểu thương ở chợ cho biết: Việc chợ tạm được xây dựng vừa bé, chật chội, không đảm bảo để kinh doanh nên đã không được sự ủng hộ của đông đảo bà con tiểu thương. Bà con đã gửi đơn đi các nơi kiến nghị nhưng chưa được hồi âm. Chị Dung - một tiểu thương chia sẻ với phóng viên: “Để có thể kinh doanh tốt thì diện tích tối thiểu cũng phải trên 10m2”.

Ông Nguyễn Hữu Mạnh - Phó trưởng Ban quản lý TTTM Ngã Tư Sở cho biết: Đã 2 lần thành phố có dự án cải tạo chợ Ngã Tư Sở, nhưng đều bất thành do không được sự đồng thuận của các hộ kinh doanh tại chợ. Đến nay, việc quy hoạch xây dựng lại chợ Ngã Tư Sở ra sao, BQL chợ chưa nhận được sự chỉ đạo từ phía BQL Dự án - Công ty cổ phần Đầu tư và Tư vấn tài chính dầu khí Việt Nam.

Theo ông Trần Ngọc Chính - Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam thì sở dĩ chợ bị bỏ hoang là do không đạt được mục đích kinh doanh của các tiểu thương, việc bố trí cảnh quan của chợ tạm chưa hợp lý, việc xây dựng chợ tạm nằm ngay bên đường Láng, với mật độ giao thông lớn, làm cản trở giao thông và ảnh hưởng hoạt động mua bán, gây thiệt thòi cho các tiểu thương kinh doanh tại chợ. Vì vậy, cần phải khẩn trương có giải pháp quy hoạch về kiến trúc để xây dựng lại chợ Ngã Tư Sở với kiến trúc truyền thống gắn bó với cách thức sinh hoạt văn hóa chợ như lâu nay chúng ta đã có.

Nhưng rồi chẳng thấy TTTM đâu.

Nhưng rồi chẳng thấy TTTM đâu.

Bài học cũ “chưa thuộc”, lãng phí hàng chục tỷ đồng

Theo các chuyên gia nhận định, việc đầu tư dàn trải của các dự án TTTM, sự thất bại của hình thái kinh doanh của các TTTM là bài học đắt giá cho công tác quản lý đô thị mà Hà Nội đã vấp phải trong thời gian vừa qua, hàng loạt các chợ truyền thống được cải tạo xây mới thành TTTM đã hoạt động không hiệu quả.

Rốt cuộc chợ Ngã Tư Sở vẫn lại là... chợ Ngã Tư Sở.

Rốt cuộc chợ Ngã Tư Sở vẫn lại là... chợ Ngã Tư Sở.

Ông Vũ Vinh Phú - Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội (nguyên Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội) cho biết: “Chợ Ngã Tư Sở bị dừng lại là do “những bài học” về cải tạo chợ trước đây đã thất bại như chợ Hàng Da, chợ Cửa Nam, Ô Chợ Dừa, dẫn đến bức xúc ở trong dư luận xã hội và nhân dân, kể cả người kinh doanh và các nhà quản lý”. Cũng theo ông Phú, việc giải tỏa 300 ki-ốt để giải phóng mặt bằng xây dựng đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông là cần thiết, song số ki-ốt còn lại, BQL chợ cần có sự quản lý chặt chẽ, tránh ô nhiễm môi trường nhếch nhác như thời gian vừa qua, cần thiết thì dỡ bỏ. Còn nếu tiếp tục tiến hành tổ chức xây dựng cải tạo chợ Ngã Tư Sở theo kiểu khác, không xây dựng theo kiểu TTTM thì vẫn phải duy trì chợ tạm một thời gian nữa để bà con ra đó ổn định kinh doanh như các chợ khác: chợ Bưởi, chợ Hàng Da... trước đây trong quá trình xây mới đều có các chợ tạm.

Còn theo ông Nguyễn Hữu Mạnh: Giải pháp đưa hơn 800 ki-ốt tạm ra ngoài chỉ là giải pháp tạm thời. Bởi vì, lúc BQL Dự án Đầu tư xây dựng TTTM Ngã Tư Sở định xây dựng chợ mới, thì mới giải tỏa chợ cũ, thế nhưng giải tỏa rồi nhưng chẳng tiến hành xây dựng gì cả. Nhưng việc không triển khai được dự án, theo ông Mạnh đó lại là may mắn, bởi vì nguyên nhân có thể là do bên cạnh có TTTM Royal City rồi, không thể cạnh tranh được nên chủ đầu tư đầu tư không mặn mà.

Rốt cuộc, đang yên đang lành, chợ tạm Ngã Tư Sở được bày ra để bà con tiểu thương buôn bán tạm chờ Dự án TTTM Ngã Tư Sở hoàn thành. Rồi sau đó lại có quy định tạm dừng xây dựng các TTTM cao tầng tại 4 quận nội thành nên dự án này bị đình trệ, không được triển khai như dự kiến. Và bây giờ, thành phố chỉ đạo đồng ý cho xây dựng... khôi phục lại chợ theo hướng chợ dân sinh. Vậy là kế hoạch TTTM Ngã Tư Sở bị dừng lại và chợ tạm cũng sẽ được dỡ bỏ, khiến cho hàng chục tỷ đồng bỏ ra xây dựng đổ luôn xuống sông Tô Lịch.

Chẳng cần đến các chuyên gia kinh tế đánh giá, rõ ràng đây là bằng chứng nữa cho việc quản lý gây lãng phí trong lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản của ta trong thời gian qua. 

  Bài, ảnh: Trần Lâm

 


Ý kiến của bạn