Video phỏng vấn chủ vườn phật thủ Quốc Oai, Hà Nội:
Người dân trồng phật thủ ở huyện Quốc Oai (Hà Nội) tất bật chăm sóc cây, chuẩn bị vào vụ Tết Nguyên Đán.
Phật thủ là loại cây đặc trưng với hai vụ chính trong năm là rằm tháng Bảy Âm lịch và Tết Nguyên Đán. Để đáp ứng nhu cầu thị trường vào những dịp này, người nông dân phải đầu tư công sức chăm sóc cây phật thủ suốt nhiều tháng trời. Như tỉa cành, uốn cành để định hình cây để cây ra hoa, kết trái đúng thời điểm phục vụ thị trường Tết Nguyên Đán.
Theo ghi nhận của phóng viên báo Sức khỏe và Đời sống, năm nay, do ảnh hưởng của bão lũ, nhiều hộ trồng phật thủ tại làng Đắc Sở (huyện Hoài Đức, Hà Nội) đã chịu thiệt hại nặng nề. Hàng trăm héc-ta phật thủ bị ngập úng và chết khô, trắng xóa cả một vùng, khiến người dân không khỏi xót xa.
Trước tình cảnh đó, nhiều hộ gia đình buộc phải tìm giải pháp duy trì nghề bằng cách thuê lại đất bãi ven sông Đáy, sông Hồng tại các huyện lân cận như Phúc Thọ và Quốc Oai để tiếp tục trồng phật thủ. Dù gặp nhiều khó khăn trong việc di dời và khôi phục vườn cây, người dân Đắc Sở vẫn kiên trì bám nghề với hy vọng mang lại một vụ mùa tốt hơn trong tương lai.

Vườn trồng phật thủ tại xã Cộng Hòa, Quốc Oai (Hà Nội).
Ông Nguyễn Bá Quyết, một người dân Đắc Sở đã chuyển nhà vườn ra Quốc Oai, chia sẻ: "Chúng tôi không còn lựa chọn nào khác, phải chuyển đi nơi khác để tiếp tục bám trụ với nghề. Việc di dời gặp rất nhiều khó khăn, tuy nhiên cũng rất may vì phật thủ là loại cây có đặc tính thích nghi nhanh với đất mới nên việc trồng lại cũng khá nhanh."
Ông Quyết cho biết thêm, phật thủ là loài cây dễ thích nghi nhưng cũng rất “khó tính”, chỉ ưa đất tơi xốp, pha cát ven sông, nên việc chọn địa điểm mới rất quan trọng. Trung bình vòng đời của cây phật thủ chỉ 5-6 năm, bắt đầu cho trái từ năm thứ hai, trung bình một cây phật thủ cho khoảng gần 40 quả/vụ, cây cho năng suất cao nhất là từ năm thứ 3 đến năm thứ 5 thì hết lứa, phải đầu tư trồng lại. Những quả phật thủ nhỏ thường được người dân tỉa bán vào các tuần rằm và mùng 1, còn những quả to, đẹp được giữ lại cho vụ chính Tết Nguyên đán. Giá phật thủ năm nay dao động từ 80.000-100.000 đồng/quả, tăng khoảng 10.000-15.000 đồng so với năm trước do nguồn cung khan hiếm.
Một số hình ảnh PV ghi nhận tại làng trồng phật thủ Quốc Oai, Hà Nội:

Những ngày này, người dân làng trống phật thủ tất bật chăm sóc cây chuẩn bị cho vụ Tết.

Người nông dân sẽ tỉa cành, vít cành và áp dụng kỹ thuật chăm sóc đặc biệt để cây phật thủ ra hoa, kết trái đúng thời điểm phục vụ thị trường.

Ông Nguyễn Bá Quyết, chủ vườn phật thủ Quyết Nga, chia sẻ: "Do ảnh hưởng của bão, năm nay nhiều cây bị hư hỏng, quả ra không đạt chất lượng, gây thiệt hại đáng kể cho gia đình."


Quả phật thủ bị lỗi, hỏng sẽ phải bán giá thấp hơn ra thị trường.

Hoa của phật thủ thường mọc ở đầu cành thường khi nở sẽ có màu trắng.

Những quả phật thủ với hình dáng lạ, nở to đẹp thường có giá cao đến cả triệu đồng/quả.

Để cây phật thủ có thể thu hoạch được người nông dân phải chăm sóc cây rất tỉ mỉ trong nhiều tháng.

Không chỉ bán cho người dân địa phương hay thành phố Hà Nội, phật thủ tại Quốc Oai còn được cung ứng đến các tỉnh thành như: Hải Phòng, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Đà Lạt…

Những quả phật thủ nhỏ thường được người dân tỉa bán vào các tuần rằm và mùng 1, còn những quả to, đẹp được giữ lại cho vụ chính Tết Nguyên đán.

Không chỉ là sản phẩm nông nghiệp, cây phật thủ còn mang ý nghĩa biểu tượng, đại diện cho sự may mắn, hạnh phúc và tình yêu thương, nên rất được trân trọng trong đời sống văn hóa người Việt.