Lãng nhân Lê Nguyên

15-07-2019 15:38 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Nhà thơ Lê Nguyên là một lãng nhân. Ở đời, nếu theo quan niệm nhà Phật, mọi gặp gỡ đều là duyên ngộ, thì cuộc gặp gỡ giữa Lê Nguyên và cách mạng là một duyên ngộ đầy bí ẩn của số phận...

Ngày ấy, đâu có ai xui khiến, vậy mà cậu công tử nhà tư sản kinh doanh gỗ phố Hàng Thùng mới 14 tuổi đã tham gia hoạt động Việt Minh từ tháng 5/1945 và tham gia cướp chính quyền ở Hà Nội tháng 8/1945. Có lẽ cái khát vọng muốn làm công dân một đất nước tự do đã thôi thúc cả một thế hệ thanh niên thời bấy giờ tự nguyện đi theo cách mạng đập tan ách nô lệ thực dân. Với cậu công tử Lê Quốc Toàn (tên khai sinh nhà thơ Lê Nguyên) khát vọng đó cũng thật cháy bỏng.

Ngày “Hà Nội cháy khói lửa ngập trời” cũng là ngày Lê Quốc Toàn cùng anh họ Lê Văn Ngọ (tên khai sinh của nhạc sĩ Hoàng Vân) và các bạn cùng phố gia nhập quân đội. Họ trở thành những Gaverraude trên chiến lũy Hà Nội đầy lãng mạn và bi tráng. Cái chất thơ tự nhiên của những ngày đầu kháng chiến đã đưa hai anh em họ Lê vốn dòng dõi danh y Lãn Ông Lê Hữu Trác, bất tuyệt với tác phẩm Thượng Kinh ký sự, ở vào tư thế Người ra đi đầu không ngoảnh lại – Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy. Cứ thế, họ hát Thủ đô huyết thệ rồi Trường Chinh caNgày về của Lương Ngọc Trác (phổ thơ Lĩnh Nam, Lê Minh, Chính Hữu) mà rong ruổi bước trường chinh. Riêng Lê Quốc Toàn, mùa thu 1949 đã vinh dự đứng trong hàng ngũ Đảng Cộng sản Đông Dương. Cũng năm ấy, ông tốt nghiệp lớp viết văn Quân đội khóa đầu tiên. Nhờ bản lĩnh chính trị và trình độ học vấn, ông được giao trách nhiệm phụ trách tờ báo “Anh Dũng” và Đội Văn công Sư đoàn 312. Bàn chân người lính Lê Quốc Toàn đã đi qua các chiến dịch Biên Giới, Hòa Bình, Lý Thường Kiệt, Tây Bắc, Thượng Lào để bước tới chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ.

Chân dung ông Lê Nguyên tại buổi ra mắt tập thơ của mình năm 2018.

Chân dung ông Lê Nguyên tại buổi ra mắt tập thơ của mình năm 2018.

Trở về Hà Nội cùng đoàn quân chiến thắng, lúc này người lính Lê Quốc Toàn đã trở thành nhà thơ Lê Nguyên có mặt trong Hội nghị viết văn trẻ toàn quốc. Tôi chưa một lần hỏi ông vì sao lấy bút danh là Lê Nguyên, nhưng theo suy đoán kiểu Tạ Chí Đại Trường (một nhà sử học Mỹ gốc Việt) tôi đồ rằng chữ “Nguyên” có vẻ như là để khẳng định cái gốc gác họ Lê của cụ Lãn Ông khi ấy đã mở ra một nhánh ở làng Mọc Chính Kinh, Mọc Quan Nhân mà ông gọi đấy là quê nội của mình. Với bút danh này, ông đã ngay lập tức nổi tiếng khi bài thơ Hà Nội - Huế - Sài Gòn của ông được ông anh họ - nhạc sĩ Lê Văn Ngọ lấy bút danh là Hoàng Vân phổ thành bài hát nổi tiếng thời bấy giờ. Thời đó, tôi còn bé con, nhưng đã thuộc lòng Hà Nội - Huế - Sài Gòn do nghe các bà chị tập hát trong nhà quá nhiều. Cặp bài trùng thơ - nhạc Lê Nguyên - Hoàng Vân còn nổi như cồn khi bản hợp xướng Đứng trước sa bàn thành phố Thái Nguyên của Hoàng Vân được vang lên đầy chất học thuật với lời bài thơ Bài thơ gửi Thái Nguyên tràn đầy ước vọng của Lê Nguyên. Khu gang thép Thái Nguyên cũng là nơi người vợ đẹp mặn mà Đỗ Phương Thảo của ông đang làm thông ngôn tiếng Trung cho chuyên gia Trung Quốc và cũng là nơi hoài thai cậu con trai đầu lòng của đôi uyên ương. Chính vì thế mà cậu con trai tuy sinh ở Hà Nội nhưng vẫn có cái tên rất gang thép: Lê Thiết Cương. Bây giờ, cậu bé năm ấy đã là họa sĩ tối giản Lê Thiết Cương nổi tiếng từ thập kỷ 90 thế kỷ trước.

Không chỉ có con trai đầu lòng, năm 1962 cũng là năm Lê Nguyên vào học Khoa Biên kịch - Phê bình tại Trường Điện ảnh Việt Nam khóa I. Khi tốt nghiệp, ông trở thành chuyên viên của Cục Điện ảnh thuộc Bộ Văn hóa. Bà Thảo còn táo bạo hơn ông khi 3 năm sau, lúc cả miền Bắc bước vào chiến tranh chống Mỹ, lúc con trai đầu lòng lên 3 tuổi, bà đã xin thôi nghề thông ngôn, chuyển sang học quay phim lớp cũng do các chuyên gia Trung Quốc đào tạo. Tốt nghiệp, bà chuyển về làm quay phim của Xưởng Phim Truyện Việt Nam. Bà là nữ quay phim duy nhất của xưởng phim, đã từng cùng đồng nghiệp tham gia quay những thước phim về Trận Điện Biên Phủ trên không tháng 12/1972 tại Hà Nội. Ông là lính Điện Biên Phủ năm 1954. Bà là lính Điện Biên Phủ năm 1972. Sự táo bạo của bà còn thật đáng kể hơn khi học quay phim bà đang mang thai rồi sinh cô con gái thứ hai Lê Thiều Hoa (1964).

Tuy làm nghề điện ảnh từ 1964 cho tới khi về hưu, nhưng tôi và nhiều người quen biết Lê Nguyên thì luôn tâm niệm ông là một nhà thơ. Hơn thế nữa, là một “lãng nhân thi sĩ”. Cái đức tính đặc biệt chỉ ông có, đấy là đức tính của một người đàn ông suốt đời như một chàng thanh niên mộng mị yêu đương và làm thơ. Cách làm thơ của ông cũng chỉ riêng ông như thế. Ông không quá cầu kỳ trong việc tổ chức một bài thơ theo cách của các nhà thơ chuyên nghiệp. Thơ ông là sự buột thốt của cảm xúc. Bởi thế, thơ ông không ít những câu thơ lấp lánh tài hoa. Người đọc thơ ông sẽ nhớ lâu những câu thơ thế này: “Giọt mưa ướt dài nỗi nhớ”, “Ngọc lan đứng buồn không nở”, “Biển đâu rồi chỉ còn biển cạn/Sóng đâu rồi sóng lặn vào hư vô”, “Nơi tuyết rơi rất nhiều để mặt trời đi trốn. Câu hát ngọt lành trao nắng cho em”, “Chia tay tôi bước ra mưa/Khoác vội chiếc áo em vừa trao cho… Bên trong chiếc áo tôi mang/riêng mình có được nắng vàng dưới mưa”, “Mây lang thang lạc vào phố núi/Anh lạc vào em như cõi hư không”. Hóa ra, trong sự giản dị của mình, Lê Nguyên đã siêu thực lúc nào không hay. Nếu ở Hàn Mặc Tử là “Áo em trắng quá nhìn không ra” thì ở Lê Nguyên là “Tà áo em dài sao trắng quá” và còn đẩy tới hơn nữa ở câu: “Pha tím vào ánh mắt lúc chiều sang”. Nếu ở Đinh Hùng là: “Mùa thu lọt giữa bàn tay khép” thì ở Lê Nguyên là: “Đôi bàn tay kề áp/Sẽ khép chặt vào nhau/Bài thơ nằm ở giữa”. Nếu ở Trần Dần là: “Mưa không cần phiên dịch” thì Lê Nguyên còn mở hơn: “Giọt mưa không biết nói”.

Thơ Lê Nguyên cũng từ tiếng nói mà tiếp tục mở thêm những biểu hiện thật mới: “Khi tiếng nói trở nên nghèo quá” hay “Nhớ giọng em nói/và tiếng em cười/Giọng không có hình/Không là vật chất/Hiện rồi xa khuất/Mờ tỏ mong manh”. Và đột nhiên lật ngược trở lại: “Chỉ còn anh và em/Bên nụ hoa hé nở/Cần chi lời chúc nữa/Sẽ vừa thiếu vừa thừa”. Càng lúc, chất siêu thực càng mờ ảo hơn: “Riêng người chỉ tặng vô thường/Không mà có mãi dặm đường bên nhau” hay “Bởi chữ ký của anh đã in dấu trong những nụ hôn rồi”.

Bài Phi thuyền nhỏ khi đọc đầu tiên thấy tác giả thật hồn nhiên: “Thôi nào em để anh đèo/Lên xe tôi đạp nhẹ vèo như bay”. Nhưng đến khi kết thì lại siêu thực đến bất ngờ: “Chiếc xe đạp quá bình thường/Thành phi thuyền nhỏ giữa ngàn sao đêm”.

Thơ Lê Nguyên giàu chất nhạc. Chính ông cũng vừa làm thơ, vừa viết ca khúc. Nếu đã xuất bản nhiều tập thơ và nhận nhiều giải thưởng, thì với nhạc ông cũng đã được tuyển chọn trong tuyển tập 1000 ca khúc Thăng Long - Hà Nội. Nghe Lê Nguyên ngồi ôm đàn guitare hát cùng bạn bè những bài hát do ông sáng tác, tự nhiên cũng cảm thấy mình trẻ lại. Mang trong tâm hồn chất nhạc thời Hướng Đạo Sinh, Lê Nguyên cứ thế hồn nhiên trong trẻo như một lãng nhân cứ làm thơ, cứ ca hát, cứ yêu.

Lãng nhân Lê Nguyên là một người đã “biến lý tưởng thành mộng mơ thường nhật”. Lúc nào cũng có cảm giác như ông đang sống trong mộng mơ, tách biệt với đời thường chuyển động chóng mặt giữa bụi bặm và áo cơm. Niềm vui của ông với bạn bè dường như không bao giờ dứt. Bởi thế, ông được rất nhiều người yêu mến. Vài năm gần đây, cuộc ra mắt thơ nào ở Hà Nội, hay Sài Gòn, ông đều mong có được sự hiện diện của bạn bè, của những người thân thiết. Mùa xuân 2018 khi ra mắt tập thơ 100 lẻ 1 bài thơ tình ở Hà Nội, thấy ông rất vui khi nhà văn Nguyễn Huy Thiệp chia sẻ về thơ ông.

Nhưng “Nghệ thuật dài lâu - Đời người có hạn”. Cuối năm 2018, khi vào thăm ông nằm cấp cứu tại Bệnh viện 115 Sài Gòn, tôi đã có một linh cảm về một cuộc chuyển cõi mà ông đang chầm chậm đi tới. Điều mà ông - lãng nhân Lê Nguyên, khiến tôi rất cảm phục là việc ông rất bình thản bàn bạc với con cái sự ra đi của mình. Ông tự chọn cái ảnh làm ảnh thờ của mình không phải là ảnh “chứng minh thư” mà là cái ảnh chụp ông đội mũ rất “lãng nhân”. Ông cũng yêu cầu khi ra đi thì hỏa thiêu và đưa bình tro vào chùa Xá Lợi ngay bên đường Bà Huyện Thanh Quan - Quận 3 - Sài Gòn. Rất gần căn nhà ông cư trú từ sau 30/4/1975 đến giờ ở gần ga Hòa Hưng.

Và ngày ấy, ngày “Trên cao nghìn thu đã điểm - Muôn thuở xa xăm” đã đến. Ngày 4/6/2019, một tháng sau ngày ông nhập viện lần thứ hai, vào buổi tối, lãng nhân Lê Nguyên đã “tạ mùa đi” ở tuổi 89. Ông là người duy nhất tròn 70 năm tuổi Đảng trong số cư  dân thuộc Quận 3- Sài Gòn. Bởi thế, với tư cách là một người lính Điện Biên Phủ năm xưa, một người đảng viên 70 tuổi Đảng, tại Nhà tang lễ Thành phố (25 Lê Quý Đôn), linh cữu ông đã được phủ một lá cờ đỏ sao vàng lớn. Chỉ ngay trong ngày tang lễ 8/6/2019, sau khi hỏa táng, bình tro của lãng nhân Lê Nguyên đã được đặt ngay ngắn trên tầng hai chùa Xá Lợi. Nhìn hình ông đội mũ tươi cười trên bình tro, không ai nghĩ lãng nhân Lê Nguyên đã cách biệt âm dương. Tôi bỗng buột thốt một tứ tuyệt.

Người lính Điện Biên năm xưa hồn nhiên

biến lý tưởng thành mộng mơ thường nhật

cất cánh cùng tình yêu thơ nhạc

một chuyến bay thẳng cõi Niết Bàn


Nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha
Ý kiến của bạn