Tôi cũng vì cái chữ “nhất” ấy mà đã bỏ qua những trường khác để vào Trường Y. Ngày nhập trường, chúng tôi tự hào lắm, tự hào vì được là sinh viên của một ngôi trường có bề dày truyền thống của ngành y và vì đây cũng là mơ ước của bao nhiêu người.
Những năm đi học lâm sàng ở các bệnh viện đã giúp chúng tôi trưởng thành và những bài học của các thầy giảng cho sinh viên chúng tôi đến bây giờ vẫn còn nhớ mãi...
Kỹ năng lắng nghe và chia sẻ của bác sĩ cũng là một liều thuốc chữa bệnh.
Tôi nhớ nhất là ngày đầu tiên đi lâm sàng môn nội khoa, chúng tôi được dạy khám 1 người bệnh như thế nào. Đó là những kỹ năng nhìn, sờ, gõ và nghe, đó là những bước quan trọng đầu tiên để có thể giúp bác sĩ chẩn đoán được bệnh. Cho đến bây giờ, tôi vẫn phải luôn luôn áp dụng những điều này và đặc biệt là kỹ năng nghe, tôi không chỉ nghe tiếng tim bình thường và tiếng tim bệnh lý, tiếng phổi có ran ngáy, ran rít mà chúng tôi còn phải lắng nghe những tâm tư, những chia sẻ của người bệnh. Trong nhiều trường hợp, người bệnh không biết tâm sự cùng ai, chỉ biết chia sẻ với bác sĩ thì lắng nghe người bệnh cũng là một liều thuốc chữa lành cho họ.
Trong việc khám chữa bệnh hàng ngày, dù có đông bệnh nhân tôi vẫn luôn dành thời gian lắng nghe người bệnh. Tôi không yên tâm khi người bệnh chưa tâm sự được hết với mình và cũng không yên tâm khi cảm thấy người bệnh vẫn có chuyện muốn nói mà họ chưa nói hết được.
Mặc dù cố gắng lắm nhưng đúng là có nhiều trường hợp tôi cũng không biết phải làm thế nào để nghe cho được nhiều để có thể khám chính xác cho người bệnh và đôi khi phải dùng đến sự nhạy cảm của người bác sĩ. Đó chính là trường hợp éo le của một bệnh nhân người Trung Quốc. Cậu bệnh nhân ấy năm nay 20 tuổi, là con của một người mẹ Việt Nam bị kẻ buôn người lừa bán rồi làm vợ một người nông dân ở vùng hẻo lánh của Trung Quốc. Chị ấy sinh được 3 người con trong đó có cậu là con trai duy nhất. Từ khoảng 5 tháng trở lại đây, cậu con trai này phát bệnh đêm không ngủ, có lúc kích động đánh người, đánh mẹ, không đi làm như mọi ngày. Gia đình đã cho đi chữa ở nhiều nơi mà không đỡ. Chị buồn lắm và gửi con về Việt Nam nhờ họ hàng bà con đưa cháu đi chữa bệnh. Tôi đã gặp bệnh nhân trong hoàn cảnh như vậy, không nói được tiếng Việt, tôi biết hỏi bệnh thế nào đây? Qua người chú họ của bệnh nhân, tôi cũng nắm được vài điều diễn biến về bệnh của bệnh nhân ấy. Quyết định cho tạm thuốc ít ngày để theo dõi và tình trạng bệnh nhân càng ngày càng tốt lên. 2 tháng trôi qua nhanh chóng, người chú lại dẫn cậu bệnh nhân ấy lên gặp tôi và nói: Ngày mai tôi cho cháu trở về lại Trung Quốc, mẹ cháu bên đó muốn gặp bác sĩ để gửi lời cảm ơn, bác sĩ làm ơn nghe điện thoại.
Tôi vui vẻ nhận lời. Và cuộc kết nối điện thoại video giữa tôi và người phụ nữ bị lừa sang xứ người được thực hiện. Đó là một người phụ nữ khỏe mạnh đang lao động ở một công trường xây dựng. Chị vừa nói vừa khóc: Cảm ơn bác sĩ nhiều lắm, tôi chỉ có mỗi mình cháu là con trai, ở đây tôi cho cháu đi chữa bệnh khắp nơi, chụp chiếu nhiều mà không ra bệnh. Về Việt Nam chữa bệnh được cho cháu, tôi mừng lắm, cảm ơn bác sĩ nhiều.
Hình ảnh trên video cho tôi thấy, chị có dáng người gầy gò thể hiện sự lam lũ vất vả. Cuộc đời của chị đã trải qua những giai đoạn khó khăn vô cùng, chị đã vượt qua và đến bây giờ con chị lại bị bệnh tưởng chừng như không có lối thoát nhưng điều may mắn cũng đã đến với chị.
Mỗi khi có một người bệnh quay lại khám, họ nói với tôi rằng bệnh của họ đã rất tốt, họ có thể đi làm hay đi học là tôi rất vui. Tôi luôn tâm niệm một điều rằng, cơ thể và tâm hồn không thể tách rời nhau. Muốn chữa được bệnh lý cơ thể tốt, cần chữa cả những vấn đề về tinh thần và lắng nghe người bệnh là một điều vô cùng quan trọng.