Năm 2023 khép lại - một năm ngành Y tế tiếp tục đối mặt với không ít khó khăn, thách thức. Tuy nhiên với phương châm đặt sức khoẻ người dân lên trên hết, trước hết, toàn ngành đã đồng lòng, thống nhất, dành tâm - trí - lực vượt qua nhiều khó khăn, thách thức để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ cao cả bảo vệ chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân…
Năm 2024 đã đến, Xuân Giáp Thìn cũng đang gõ cửa, nhân dịp này đồng chí Ðào Hồng Lan, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Ðảng, Bộ trưởng Bộ Y tế đã có cuộc trao đổi với Báo Sức khỏe & Ðời sống về những kết quả ngành Y tế đã đạt được trong năm qua, cũng như những phương hướng, nhiệm vụ ngành sẽ triển khai trong thời gian tới…
PV: Xin Bộ trưởng cho biết những kết quả của ngành Y tế trong năm vừa qua?
Bộ trưởng Ðào Hồng Lan: Có thể nói, năm 2023, tình hình thế giới tiếp tục có những biến động, khó lường; tác động đến kinh tế - xã hội trong nước và sự chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện nhiệm vụ của các ngành, lĩnh vực, trong đó có ngành Y tế.
Trong bối cảnh đó, được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của Ðảng, Nhà nước, sự phối hợp của các bộ, ngành, địa phương, sự ủng hộ của người dân, cùng với sự cố gắng, nỗ lực, đồng lòng, nêu cao tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ y tế, nhiều nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng của ngành y tế tiếp tục được triển khai thực hiện có hiệu quả, góp phần tích cực vào thành công chung của đất nước trong năm 2023, cụ thể:
Về thực hiện chỉ tiêu, mục tiêu được Quốc hội, Chính phủ giao: Ngành Y tế đã hoàn thành 3/3 chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu năm 2023 được Quốc hội giao; cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu cụ thể ngành, lĩnh vực năm 2023 được Chính phủ giao (7/9 chỉ tiêu).
Tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế: Trong năm 2023, Bộ Y tế đã tham mưu Chính phủ trình Quốc hội ban hành Luật Khám bệnh, chữa bệnh số 15/2023/QH15 và 02 Nghị quyết của Quốc hội; Ban Bí thư ban hành 01 Chỉ thị; Chính phủ ban hành 05 Nghị định, 06 Nghị quyết; Thủ tướng Chính phủ ban hành 08 Quyết định; Bộ Y tế ban hành 34 Thông tư theo thẩm quyền (nhiều hơn 14 Thông tư so với năm 2022). Ðồng thời, Bộ Y tế đã và đang tập trung xây dựng để trình Chính phủ, trình Quốc hội nhiều văn bản mang tính bản lề trong hoạt động của ngành như: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế, Luật Dân số, Luật Trang thiết bị y tế, Luật Phòng bệnh,…; Quy hoạch mạng lưới cơ sở y tế thời kỳ 2021-2023, tầm nhìn đến năm 2050.
Tập trung triển khai hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh: Theo đó, dịch COVID-19 và các dịch bệnh truyền nhiễm khác được kiểm soát tốt, cùng với chính quyền địa phương bảo đảm công tác tiêm chủng vaccine phòng bệnh, không để xảy ra dịch chồng dịch; phòng, chống các dịch bệnh truyền nhiễm lưu hành (sốt xuất huyết, tay chân miệng,…), các dịch bệnh nguy hiểm, mới nổi (đậu mùa khỉ…). Bên cạnh đó, công tác phòng chống các bệnh không lây nhiễm ngày càng được chú trọng, quan tâm; triển khai nhiều hoạt động cộng đồng về dự phòng, nâng cao sức khỏe, dinh dưỡng, rèn luyện thể lực.
Nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác khám bệnh, chữa bệnh: Các dịch vụ y tế ngày một đa dạng, chất lượng được nâng lên rõ rệt, nhiều cơ sở khám, chữa bệnh được đầu tư xây dựng hiện đại và đồng bộ. Kỹ thuật y học tiên tiến được chuyển giao xuống tuyến dưới, góp phần giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên; công tác quản lý chất lượng bệnh viện có nhiều bước phát triển; thái độ phục vụ của cán bộ, nhân viên y tế tiếp tục có bước chuyển biến tích cực. Cùng với đó, khám chữa bệnh từ xa, kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại ngày càng được đẩy mạnh ở các tuyến, cơ sở y tế.
Từng bước tháo gỡ các tồn tại, bất cập đã được bộc lộ thời gian qua về mua sắm thuốc, vật tư y tế và vaccine. Xây dựng cơ chế thanh toán chi phí khám, chữa bệnh; tạo hành lang pháp lý cho hoạt động khám chữa bệnh theo yêu cầu. Phối hợp với Cơ quan bảo hiểm xã hội giải quyết các vướng mắc về thanh toán bảo hiểm y tế dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh và tăng cường vai trò, trách nhiệm của Bộ, ngành, cơ sở khám, chữa bệnh trong việc quản lý, sử dụng hiệu quả Quỹ BHYT. Ðồng thời chỉ đạo các đơn vị liên quan phối hợp với địa phương đẩy nhanh tiến độ, đề xuất các giải pháp giải quyết dứt điểm các dự án tồn tại.
Tiếp tục hoàn thiện cơ cấu tổ chức bộ máy; triển khai nhiều giải pháp đồng bộ phát triển y tế cơ sở. Tiếp tục kiện toàn, sắp xếp tổ chức, hoàn thiện quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các đơn vị thuộc Bộ bảo đảm tinh gọn, giảm đầu mối, hiệu lực, hiệu quả. Triển khai xây dựng, hoàn thiện Quy hoạch mạng lưới cơ sở y tế thời kỳ 2021-2023, tầm nhìn đến năm 2050; Ðề án thành lập Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa bệnh tật Trung ương, Ðề án sắp xếp các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế.
Xây dựng và trình Ban Bí thư Trung ương Ðảng ban hành Chỉ thị số 25-CT/TW ngày 25/10/2023 về tiếp tục củng cố, hoàn thiện, nâng cao chất lượng hoạt động của y tế cơ sở trong tình hình mới. Bộ Y tế ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã giai đoạn đến năm 2030; xây dựng Thông tư quy định nội dung chi tiết của gói dịch vụ y tế cơ bản tại y tế cơ sở; đôn đốc các địa phương đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình, đề án, dự án đầu tư phát triển mạng lưới y tế cơ sở từ Chương trình phục hồi phát triển kinh tế xã hội, các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025, các dự án ODA...
Công tác chỉ đạo, điều hành được thực hiện quyết liệt, đồng bộ. Bộ Y tế đã tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp để hướng dẫn, hỗ trợ tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong phòng, chống dịch bệnh, chế độ chính sách, giải quyết tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị y tế; kịp thời trao đổi, giải đáp các kiến nghị, đề xuất của các địa phương, cơ sở y tế trên toàn quốc và của người dân, doanh nghiệp. Ðẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước về y tế. Nhiều địa phương, cơ sở y tế đã nỗ lực vượt khó, chủ động trong triển khai nhiệm vụ được giao.
PV: Một trong những kết quả nổi bật của ngành năm 2023, Bộ trưởng vừa nhắc đến là công tác xây dựng thể chế. Vậy cụ thể là gì, thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng Ðào Hồng Lan: Trong bối cảnh cần giải quyết những vướng mắc, bất cập bộc lộ sau đại dịch COVID-19, năm 2023, ngành Y tế đã xác định và lựa chọn những vấn đề ưu tiên, trong đó công tác xây dựng thể chế được xác định là ưu tiên hàng đầu cần được chú trọng đẩy mạnh, cụ thể:
Ngành đã tham mưu Chính phủ trình Quốc hội thông qua Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi). Bên cạnh đó hàng loạt các Nghị định khác xuất phát từ bất cập của thực tiễn cần thiết ban hành, sửa đổi cũng đã được Bộ Y tế tham mưu, xây dựng trình Quốc hội, Chính phủ ban hành.
Ðồng thời, Bộ Y tế tập trung rà soát, sửa đổi, bổ sung, xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật để tháo gỡ những vướng mắc của ngành như các luật về bảo hiểm y tế, dược, dân số, trang thiết bị y tế… Tích cực hoàn thiện các chiến lược, quy hoạch, đề án lớn, tạo cơ sở quan trọng để tiếp tục phát triển ngành.
Ðể củng cố lại y tế cơ sở, y tế dự phòng và tăng cường sự quan tâm cho lĩnh vực này, Bộ Y tế đã xây dựng trình Ban Bí thư ban hành Chỉ thị về tiếp tục củng cố, hoàn thiện, nâng cao chất lượng hoạt động của y tế cơ sở trong tình hình mới; Quốc hội cũng ban hành Nghị quyết số 99/2023/QH15 về "Giám sát chuyên đề về việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng". Có thể nói hai văn bản này đã mở ra định hướng phát triển mới cho y tế cơ sở, y tế dự phòng.
Ngoài ra, vấn đề phục hồi chức năng, y tế biển đảo... cũng đã được Bộ Y tế ban hành các văn bản về những nội dung này.
Nhờ đó, ngành Y tế đã cơ bản giải quyết tình trạng thiếu thuốc, vật tư, thiết bị y tế; bảo đảm vaccine trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng; tháo "nút thắt" trong cơ chế thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh BHYT như: Bãi bỏ quy định về tổng mức thanh toán chi phí khám, chữa bệnh BHYT; bổ sung đối tượng được hỗ trợ mức đóng BHYT; nâng mức hưởng từ 80% lên 100% chi phí khám, chữa bệnh BHYT… và nhiều hoạt động khác của ngành.
PV: Theo Bộ trưởng, bài học kinh nghiệm để ngành Y tế đạt nhiều kết quả trong thực hiện nhiệm vụ được giao là gì?
Bộ trưởng Ðào Hồng Lan: Một trong những bài học kinh nghiệm đó là chúng ta phải bám sát chỉ đạo, lãnh đạo của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ và những vấn đề từ thực tiễn; xác định rõ những khó khăn, thách thức của ngành và xác định rõ đường đi, nước bước, từ đó tham mưu một cách phù hợp và chính xác.
Ðể làm được điều này, trong năm 2023, chúng tôi có sự đồng thuận rất lớn của toàn thể cán bộ viên chức, người lao động ngành Y tế.
Cùng đó, trong quá trình xây dựng hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật đã có sự tham gia của các bộ, ngành, địa phương, của các cơ sở y tế và các đối tượng chịu tác động của chính sách. Các văn bản được ban hành đã giúp giải quyết được khó khăn, vướng mắc của thực tiễn đề ra.
PV: Thưa Bộ trưởng, bên cạnh những kết quả ấn tượng nêu trên, ngành Y tế còn có những khó khăn, thách thức vẫn hiện hữu. Thực tế này cũng đã được Bộ Y tế đề cập tại hội nghị tổng kết năm 2023 và triển khai nhiệm vụ công tác năm 2024. Xin Bộ trưởng nói rõ hơn nội dung này?
Bộ trưởng Ðào Hồng Lan: Những tồn tại, hạn chế và khó khăn, thách thức do cả nguyên nhân chủ quan và khách quan mà ngành Y tế đang gặp phải rất cần được khắc phục bởi yêu cầu của Ðảng, Nhà nước đối với ngành rất lớn; cùng đó nhu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân ngày càng cao và đa dạng, trong khi mô hình bệnh tật kép có nhiều thay đổi, già hóa dân số nhanh, biến đổi khí hậu…đang diễn ra.
Mặc dù hệ thống văn bản pháp luật đã được tích cực xây dựng, nhưng còn chưa đầy đủ còn cần tiếp tục hoàn thiện; tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị y tế vẫn còn diễn ra cục bộ tại một số cơ sở y tế, địa phương; nhân lực và năng lực y tế cơ sở, y tế dự phòng chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ…
Chất lượng công tác quản trị, điều hành và phục vụ người bệnh tại một số cơ sở y tế còn chưa bảo đảm yêu cầu đặt ra; công nghiệp dược, công nghiệp sản xuất trang thiết bị y tế trong nước còn hạn chế; việc chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin chưa bảo đảm được yêu cầu; công tác đào tạo nhân lực ngành y tế còn những vấn đề về việc bảo đảm chất lượng; một số dự án vẫn còn kéo dài…
PV: Xin Bộ trưởng cho biết năm 2024, ngành y tế tập trung vào những nội dung gì để ngày càng làm tốt hơn nhiệm vụ được giao?
Bộ trưởng Ðào Hồng Lan: Có thể nói yêu cầu nhiệm vụ đặt ra cho năm 2024 cũng như những năm tới đối với ngành Y tế vẫn rất nhiều. Do đó, Bộ Y tế xác định trong toàn ngành cần nâng cao tinh thần, trách nhiệm hơn nữa, quyết tâm hơn nữa để triển khai thực hiện nhiệm vụ được giao. Ðể làm được điều này, toàn ngành y tế tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm như sau:
Thứ nhất, tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, trình các cấp có thẩm quyền ban hành để tạo hành lang pháp lý quan trọng cho ngành hoạt động. Năm 2024 có hai văn bản quan trọng là Luật Dược sửa đổi và Luật BHYT sửa đổi cần được tập trung xây dựng, hoàn thiện, trình cấp có thẩm quyền. Bên cạnh đó, các văn bản khác như Luật Phòng bệnh, Luật Trang thiết bị y tế, Luật Dân số… cũng được ngành tiếp tục triển khai xây dựng.
Thứ hai, năm 2024 nhiều văn bản Luật quan trọng đã được thông qua có hiệu lực thi hành như Luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi, Luật Ðấu thầu sửa đổi, Luật giá và các văn bản luật khác. Ðể triển khai thực hiện những văn bản luật liên quan trực tiếp đến ngành, Bộ Y tế tập trung xây dựng các văn bản hướng dẫn và triển khai trong toàn hệ thống các quy định mới nhằm phát huy hiệu quả cao nhất các cơ chế, chính sách.
Thứ ba, tập trung triển khai các chính sách nâng cao hệ thống y tế cơ sở, y tế dự phòng, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho nhân dân cũng như công tác phòng chống dịch bệnh.
Thứ tư, tiếp tục tập trung nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, ứng dụng công nghệ tiên tiến vào khám chữa bệnh.
Bộ Y tế đã xây dựng đề án nâng cao chỉ số hài lòng của người bệnh. Trong năm 2024 toàn ngành sẽ quán triệt và triển khai thực hiện nội dung này để tinh thần phục vụ của đội ngũ cán bộ, viên chức, người lao động ngành Y tế nâng cao nhất về y đức, trách nhiệm khi phục vụ nhân dân.
Thứ năm, tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số y tế, cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong toàn bộ các quy trình của ngành y tế để giảm thiểu phiền hà cho người dân, doanh nghiệp…
Bộ Y tế tin tưởng tất cả cán bộ y tế toàn ngành y tế sẽ tiếp tục nêu cao tinh thần đoàn kết, càng khó khăn càng phải thống nhất, nêu cao y đức, tinh thần quyết tâm trong thực hiện nhiệm vụ.
Nhân dịp này, thay mặt toàn ngành Y tế, Bộ Y tế trân trọng cảm ơn sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Trung ương Ðảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các đồng chí Phó Thủ tướng Chính phủ; sự động viên chia sẻ của các bộ, ngành, các địa phương đã dành cho ngành; sự đồng lòng, ủng hộ của nhân dân thời gian qua.
Bộ Y tế mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của Ðảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các đồng chí Phó Thủ tướng Chính phủ; sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự đồng hành, ủng hộ, phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành, các địa phương; sự chia sẻ, đồng thuận của người dân để ngành Y tế phục hồi và phát triển bền vững, thực hiện ngày càng tốt hơn nhiệm vụ chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân.
PV: Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!